Yếu tố quyết định tăng năng suất lao động của Việt Nam
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Mười 29, 2018 | 14:58 - Lượt xem: 2204
Năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực. Trong khi đó có nhiều yếu tố quyết định đến tăng năng suất lao động của Việt Nam. Hiện nay, năng suất lao động của nước ta năm 2017 là 4.019 USD, trong khi Thái Lan là 11.633 USD, tức thấp hơn Thái Lan 3 lần. Bên cạnh đó, năng suất lao động của Malaysia gấp chúng ta 5 lần, Hàn Quốc 14 lần, Nhật Bản 18 lần và Singapore 25 lần. Năng suất lao động của Việt Nam có tăng lên đáng kể song vẫn thấp so với các nước trong khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào từng cá nhân trong một doanh nghiệp mà không có cái nhìn trên bình diện toàn hệ thống.
Để xử lý bài toán năng suất ở Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM, đại biểu Quốc hội (TP HCM) đã đưa ra 8 nhóm yếu tố chi phối năng suất lao động:
Một là, nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất. Trong đó, có một xu hướng tương quan rất quan trọng là năng suất lao động tỉ lệ thuận trực tiếp với vốn của xã hội trên người lao động. Nói cách khác, đầu tư xã hội trên một người lao động bao nhiêu thì năng suất lao động cũng tương thích bấy nhiêu; Thứ hai, theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, cần xác định mô hình sản xuất phù hợp. Cơ chế kinh tế bao cấp, sản xuất theo tập trung không đem lại hiệu quả cao, phải chuyển sang cơ chế thị trường. Nhưng, với riêng nông nghiệp, hộ sản xuất cá thể vẫn còn chiếm đa số, không cho phép năng suất kinh tế cao, do đó phải chuyển sang mô hình tập thể, hợp tác xã; Thứ ba, phải đồng độ 3 khâu sản xuất, bao gồm thiết kế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu; Thứ tư, thị trường tín dụng phải đủ mạnh, phù hợp cho các loại hình doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu tăng vốn; Thứ năm, quan tâm đến thị trường sản phẩm cả trong nước và nước ngoài, đặc biệt chú trọng kích cầu trong nước; Thứ sáu, cần nâng cao trình độ người lao động; Thứ bảy, cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách xứng đáng. Ông tiếp tục nêu dẫn chứng chi khoa học công nghệ năm 2012 của Việt Nam chỉ 3 USD/người, thua Thái Lan 7 lần, thua Malaysia 29 lần và Singapore 43 lần; Cuối cùng, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, công khai, minh bạch, nghe dân, vì dân.
Cũng theo đó để đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Kuroda Kazuteru một chuyên gia về năng suất lao động đến từ Trung tâm Năng suất Nhật Bản đã đưa 5 yếu tố quyết định đến việc tăng năng suất lao động của Việt Nam:
Thứ nhất là do yếu tố cá nhân của người lao động. Đây là yếu tố chính thể hiện sự hài lòng của nhân viên. Khi cá nhân đạt được thành tựu và kết quả nhất định thì họ sẽ có cảm giác hài lòng và muốn cam kết gắn bó với doanh nghiệp.
Thứ hai, sự công nhận của mọi người về năng lực và trình độ của lao động. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp khác trong đơn vị. Đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc liệu người lao động đó có ý định chuyển sang đơn vị khác làm hay không.
Thứ ba, niềm tin vào doanh nghiệp và định hướng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có chiến lược định hướng rõ ràng sẽ làm tăng niềm tin của người lao động.
Thứ tư, là vấn đề tiền lương. Rõ ràng tiền lương không phải là yếu tố quan trọng nhất nhưng doanh nghiệp nào có lương cao, chế độ đãi ngộ tốt sẽ là một lợi thế để giữ chân nhân viên và nhân viên sẽ cống hiến nhiều hơn.
Chỉ có nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm thì mới thu hút, chiếm lĩnh được thị trường và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng (Ảnh minh họa)
Thứ năm là vai trò của lãnh đạo, sự giám sát và theo dõi của lãnh đạo.Đây là yếu tố rất quan trọng nhất nhưng cũng là thách thức nhất với lao động của Việt Nam.
Trong bất cứ đơn vị hay doanh nghiệp nào, yếu tố lãnh đạo rất quan trọng, ngoài vấn đề tổ chức, điều hành, đưa ra quyết định, lãnh đạo còn giúp kết nối các nhân viên với nhau, đưa ra các đãi ngộ với nhân viên…Làm tốt cả 5 yếu tố trên sẽ cải thiện môi trường làm việc, nâng cao năng suất lao động.
ST