Yên Bái: Đặt mục tiêu 50% doanh nghiệp được phổ biến kiến thức, kỹ năng về NSCL
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Tám 11, 2021 | 14:28 - Lượt xem: 833
UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch 207/KH-UBND thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch 207/KH-UBND thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu 50% số doanh nghiệp được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng.
Cụ thể, mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 là tổ chức đào tạo, tập huấn cho trên 1.000 cán bộ, công chức thuộc các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, các đơn vị cơ sở và doanh nghiệp; đào tạo cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 10 chuyên gia, cán bộ tư vấn, đánh giá về năng suất và chất lượng, hình thành mạng lưới chuyên gia nòng cốt hoạt động chuyên sâu, chuyên nghiệp từ tỉnh đến cơ sở. 50 % số doanh nghiệp được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng.
Tăng 5 – 10% tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm. Số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) như: HTQLCL ISO 9001; HTQL môi trường ISO 14001; HTQL an toàn thực phẩm ISO 22000… cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 5 % so với giai đoạn 2011 – 2020.
Giai đoạn 2026 – 2030, đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 20 chuyên gia năng suất chất lượng tại các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp; 100 % số doanh nghiệp được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng.
Để đạt mục tiêu trên, các giải pháp bao gồm: tổ chức đào tạo, tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về năng suất chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, thứ nhất, tổ chức đào tạo, tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về năng suất chất lượng .
Tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Triển khai các hình thức thông tin, truyền thông để phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất, chất lượng cho các cán bộ của các Sở, ngành và doanh nghiệp; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất, chất lượng cho cán bộ, lãnh đạo của các sở, ngành và doanh nghiệp; Tham gia các khóa đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng;
Tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.
Thứ hai, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh…
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Tăng cường năng lực đánh giá sự phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ưu tiên đối với hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Xác định nhu cầu đầu tư, tăng cường năng lực thử nghiệm kiểm tra, phân tích, thử nghiệm nhanh các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
An Hạ