Xí nghiệp chế biến cao su áp dụng LEAN để giảm lãng phí

Thứ Tư, Tháng Mười Hai 9, 2020 | 10:08

Một trong các giải pháp có thể giúp công ty giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất lao động đó là áp dụng các công cụ năng suất. Kaizen là một trong số các công cụ được các công ty ưu tiên áp dụng để giảm giá thành. Xí nghiệp chế biến cao su đã chọn giải pháp áp dụng Kaizen.

Làm sao để tồn tại?

Xí nghiệp Chế biến Cao su trực thuộc Công ty TNHH Một thành viên Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Xí nghiệp chuyên chế biến và cung cấp các loại mủ latex và SRV 10, SRV 20. Thị trường của Công ty là các nước châu Âu, Nhật Bản …

Giá cao su biến động rất mạnh theo giá thị trường thế giới và cùng đồng hành với giá dầu. Khi giá dầu lên đỉnh, giá cao su cũng bốc theo đó, Các doanh nghiệp sản xuất cao su đều hoàn thành kế hoạch năm chỉ trong vòng 7 tháng. Khả năng hoàn thành kế hoạch thần kỳ chỉ diễn ra vài năm và sau đó là những mùa cao su khó khăn khi giá cao su rớt từ 120 triệu/tấn xuống còn 28 triệu/tấn. Công ty, Xí nghiệp phải học cách tồn tại và sống chung với giá cao su rẻ. Làm sao có thể tồn tại được khi giá thành sản xuất cũng gần tương đương 27 triệu/tấn?

Một trong các giải pháp là giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất lao động. Các công cụ năng suất được sử dụng để thực hiện giải pháp này. Xí nghiệp Chế biến Cao su đã chọn Kaizen đưa vào áp dụng để giảm giá thành.

Áp dụng công cụ LEAN từng bước

Hình dưới đây minh họa kết quả trước và sau khi thực hiện kaizen về vận chuyển.

Trước cải tiến

Thùng chuyển mủ cũ hẹp chỉ có 5 thanh thép, khối lượng hàng vận chuyển ít.

Sau cải tiến

Thùng mới được nới rộng thêm 1 thanh, tăng khối lượng hàng mỗi lần vận chuyển.

Hình 1: Cải tiến và nới rộng thùng vận chuyển mủ đã cán
Ban lãnh đạo Xí nghiệp Chế biến Cao su đã chọn

Nhà máy Xuân Lập thuộc xí nghiệp để thí điểm áp dụng chương trình Kaizen. Nhà máy đã có từ khá lâu, đến nay các chức năng thiết kế của Nhà máy đã dần thay đổi và không còn phù hợp với yêu cầu sản xuất mới. Một trong những lãng phí đó là, quãng đường vận chuyển. Các nhóm cải tiến đã được thành lập để xem xét quãng đường vận chuyển mủ và phát hiện thấy có nhiều lãng phí ở đây. Các đề xuất cải tiến đã được thực hiện như: tăng khối lượng vận chuyển mủ mỗi lần nhằm tận dụng hết công suất của xe nâng, giảm số lần vận chuyển để giảm áp lực công việc cho tài xế xe nâng hoặc tính toán lại quãng đường vận chuyển, tối ưu hóa quãng đường vận chuyển. Một trong những phát hiện thú vị là tài xế xe nâng đã chọn quãng đường quá xa chỉ vì quãng đường đi ngắn hơn bị hư hỏng, có nhiều ổ gà. Nhóm cải tiến đã đề xuất sửa lại nền xưởng nơi có ổ gà và vận động tài xế đi đường mới này. Chi phí tiết kiệm được cho cải tiến về tăng khối lượng vận chuyển mỗi lần là  24.037.500 đồng và chi phí tiết kiệm do giảm quãng đường là 12.436.718 đồng. Tổng chi phí tiết kiệm trong một năm là  36.474.218 đồng. Bên cạnh đó tài xế xe nâng còn giảm được 23 chuyến đi về so với trước đây là 58 chuyến/ca. 

Thành công của chương trình cải tiến tuy chưa đem lại hiệu quả cao nhưng đã góp phần vào mục tiêu giảm lãng phí mà ban đầu Nhóm cải tiến  đặt ra. Nhóm cải tiến đã xác định sẽ đề xuất áp dụng các công cụ khác của LEAN có tính hiệu quả hơn để thực hiện các giải pháp có tính đột phá hơn. Ban lãnh đạo sẵn sàng hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các cải tiến này.

Với những cải tiến nhỏ, từ từ và liên tục, các Nhóm cải tiến của Xí nghiệp Cao su đã giúp Xí nghiệp từng bước giảm giá thành sản phẩm và tồn tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay, và hướng tới phát triển bền lâu trong môi trường sản xuất và cung ứng cao su đầy biến động.

Nguyễn Đào Duy Tài