Xây dựng và phát triển NQI trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười Hai 27, 2023 | 16:33 - Lượt xem: 902

Hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn đo lường chất lượng thông qua việc xây dựng và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia góp phần nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) được coi là điều kiện cần thiết để thị trường thương mại nội địa hoạt động hiệu quả, nền tảng cơ bản của thương mại quốc tế, đóng vai trò tiền đề cho các nước đang phát triển tiếp cận thị trường quốc tế theo nguyên tắc hiện đại và trở thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, thúc đẩy và duy trì sự phát triển của các quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Việt Nam thúc đẩy phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia

Theo Ngân hàng thế giới, các hoạt động liên quan đến NQI trong phạm vi một nền kinh tế đóng góp khoảng 3-16% GDP và ảnh hưởng hơn 75% GDP. Do đó, các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới luôn ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống NQI như Đức, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc,… bằng cách xây dựng các chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, xây dựng các quy định trong đó nhấn mạnh vai trò của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hỗ trợ tài chính, …

Sau khi nghiên cứu, nhận thấy chỉ số hạ tầng chất lượng với phát triển bền vững (chỉ số QI4SD[1]) có những ưu điểm so với chỉ số hạ tầng chất lượng toàn cầu (chỉ số GQII[2]) như: QI4SD là báo cáo được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) với sự tham gia của các tổ chức uy tín trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng như Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO[3]), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC[4]), Văn phòng Cân đo quốc tế (BIPM[5]), Tổ chức Đo lường hợp pháp quốc tế (OIML[6]), Hiệp hội công nhận phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC[7])…; nguồn dữ liệu của chỉ số QI4SD do các tổ chức quốc tế cung cấp nên đảm bảo độ tin cậy; chỉ số QI4SD có tổng cộng 36 chỉ tiêu thuộc 05 cấu phần (tiêu chuẩn, đo lường, sự phù hợp, công nhận và chính sách) đảm bảo đo lường toàn diện mức độ phát triển của cơ sở hạ tầng chất lượng và đóng góp của cơ sở hạ tầng chất lượng với mục tiêu phát triển bền vững; và việc thu thập dữ liệu và tính toán chỉ số QI4SD được công khai đầy đủ trên website nên dễ dàng tiếp cận.

Mặc dù chỉ số QI4SD có tổng cộng 36 chỉ tiêu, tuy nhiên, việc bổ sung cả 36 chỉ tiêu vào hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ là không cần thiết bởi theo báo cáo của UNIDO, 11 chỉ tiêu thuộc cấu phần chính sách được thu thập từ các bài khảo sát. Do đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) đề xuất 25/36 chỉ tiêu QI4SD bổ sung vào chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN, đây là những chỉ tiêu cần thiết phải thống kê thường xuyên, được thu thập bởi các đối tượng khác nhau.

Tổng cục có thể đáp ứng việc thu thập, xử lý dữ liệu của 25/25 chỉ tiêu được đề xuất. Nguồn thu thập dữ liệu chủ yếu từ: dữ liệu nội bộ của các đơn vị trực thuộc Tổng cục, dữ liệu từ website của các tổ chức quốc tế, dữ liệu từ các tổ chức/doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thu thập bằng cách thức báo cáo). Do đó, việc bổ sung các chỉ tiêu nêu trên là khả thi.

Thu thập dữ liệu thuộc các chỉ số hiệu quả sẽ tạo ra cơ sở dữ liệu lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng toàn diện, tin cậy; dữ liệu từ các chỉ số được thống kê để đo lường là cơ sở để đề ra phương hướng phát triển ngành. Cơ sở dữ liệu khi hoàn thiện và có cơ chế tiếp cận phù hợp sẽ hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dữ liệu, là cơ sở cho các nghiên cứu về NQI sau này.

Hiện nay, Tổng cục đã xây dựng nội dung cơ bản của dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trong đó đề xuất bổ sung 25/36 chỉ tiêu để tính toán Chỉ số hạ tầng chất lượng vào Chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ. Trong 25 chỉ tiêu được rà soát và tổng hợp thành 11 nhóm chỉ số dựa trên các đặc điểm giống nhau để thuận lợi cho quá trình thu thập, tính toán, tổng hợp. Ví dụ các chỉ tiêu: tư cách thành viên của Việt Nam trong các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực, tư cách thành viên của Việt Nam trong các Ủy ban quốc tế về Cân đo (CIPM[8]), tư cách thành viên của Việt Nam trong các tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế, tư cách thành viên của Việt Nam trong các Ủy ban kĩ thuật của ISO, tư cách thành viên của Việt Nam trong các Ủy ban kĩ thuật của IEC, tư cách thành viên của Việt Nam hoặc là thành viên ký kết các thoả ước thừa nhận lẫn nhau trong các tổ chức công nhận quốc tế và khu vực đều là các chỉ tiêu có đặc điểm chung là thống kê tư cách thành viên chính thức/không chính thức của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, do đó sẽ được xếp cùng một mục. Qua rà soát và thống kê, số liệu của 11 nhóm chỉ số được tổng hợp từ các nguồn sau:

– Nhóm chỉ số 01. Tổng số lượng các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam tham gia.

+ Tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng bao gồm: Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU[9]), Mạng lưới chất lượng quốc tế (IQNet[10]), Văn phòng Cân đo quốc tế (BIPM), Tổ chức Đo lường hợp pháp quốc tế (OIML), Diễn đàn Đo lường hợp pháp Châu Á Thái Bình Dương (APLMF[11]),…

+ Ủy ban tư vấn CIPM.

+ Ủy ban kỹ thuật ISO, IEC.

– Nhóm chỉ số 02. Số lượng và phạm vi các lĩnh vực có khả năng đo và hiệu chuẩn: nguồn từ các lĩnh vực có khả năng đo và hiệu chuẩn đã công bố của Viện Đo lường quốc gia được thể hiện trong Cơ sở dữ liệu của BIMP hoặc được mô tả trong phạm vi công nhận của phòng thí nghiệm của một bên kí kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ Hiệp hội công nhận phòng thí nghiệm quốc tế.

– Nhóm chỉ số 03. Tham gia của Việt Nam vào các Chương trình đánh giá đo lường: nguồn từ các chương trình đánh giá đo lường quốc tế Việt Nam tham gia.

– Nhóm chỉ số 04. Số lượng dịch vụ Hệ thống chứng nhận OIML được cung cấp và công nhận: nguồn từ số lượng dịch vụ Hệ thống chứng nhận OIML được cung cấp và công nhận trong phạm vi quốc gia.

– Nhóm chỉ số 05. Tham gia của Việt Nam vào các nhóm dự án của OIML: nguồn từ số nhóm dự án của OIML mà Việt Nam tham gia.

– Nhóm chỉ số 06. Tiêu chuẩn ISO và IEC được chấp nhận trong phạm vi quốc gia: nguồn từ tiêu chuẩn ISO và IEC được thừa nhận là Tiêu chuẩn quốc gia.

– Nhóm chỉ số 07. Tư cách thành viên trong các chương trình ĐGSPH của IEC: nguồn từ số lượng chứng chỉ IEC trong phạm vi quốc gia.

– Nhóm chỉ số 08. Số lượng doanh nghiệp được chứng nhận tiêu chuẩn ISO về hệ thống quản lý: nguồn từ số doanh nghiệp được chứng nhận về tiêu chuẩn của hệ thống quản lý bởi các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

– Nhóm chỉ số 09. Số lượng chứng nhận theo tiêu chuẩn của Hệ thống đánh giá sự phù hợp của Hệ thống IEC dành cho các linh kiện và thiết bị kỹ thuật điện (IECEE[12]) và Mạng lưới chất lượng quốc tế (IQNet) được công nhận: nguồn từ số lượng doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn của IECEE và IQNet trong phạm vi cả nước.

– Nhóm chỉ số 10. Tư cách thành viên của Việt Nam hoặc là thành viên ký kết các thoả ước thừa nhận lẫn nhau trong các tổ chức công nhận quốc tế: nguồn từ số lượng thỏa ước công nhận lẫn nhau Việt Nam tham gia.

– Nhóm chỉ số 11. Phạm vi của các chương trình công nhận được quốc tế công nhận: nguồn từ Diễn đàn Công nhận Quốc tế (IAF[13]) và Hiệp hội công nhận phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC).

Nội dung cơ bản của nhóm 11 chỉ số bao gồm: khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp, đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Thống kê năm 2015.

Dự thảo Quyết định hiện đã được trình Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét ban hành chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ nhằm hoàn thiện Hệ thống chỉ số thống kê trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói riêng và lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung, đảm bảo đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đồng thời là cơ sở để thu thập số liệu phục vụ công tác quản lý, xây dựng cơ chế, chính sách về tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ cho phát triển bền vững.

Bích Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra

[1] Quality Infrastructure for Sustainable Development (QI4SD).

[2] Global Quality Infrastructure Index (GQII).

[3] International Organization for Standardization (ISO).

[4] International Electrotechnical Commission (IEC).

[5] Bureau International des Poids et Mesures (BIPM).

[6] International Organization of Legal Metrology (OIML).

[7] International Laboratory Accreditation Cooperation (ILAC).

[8] Comité international des poids et mesures (CIPM).

[9] International Telecommunication Union (ITU).

[10] International Quality Network (IQNet).

[11] Asia-Pacific Legal Metrology Forum (APLMF).

[12]  IEC System of Conformity Assessment Schemes for Electrotechnical Equipment and Components (IECEE).

[13] International Accreditation Forum (IAF).