Xây dựng lộ trình phát triển bền vững để đạt phát thải ròng bằng không

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Mười Hai 28, 2023 | 19:18 - Lượt xem: 476

Ngày 28/12, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức tọa đàm về “Xây dựng lộ trình phát triển bền vững để đạt phát thải ròng bằng không”.

Tham dự tọa đàm có TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Nông Ngọc Duy – Nhà nghiên cứu cao cấp, Viện nghiên cứu quốc gia Úc (CSIRO), Phó Giáo sư trường Đại học Griffith, Úc cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục tham gia bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Trình bày về xây dựng lộ trình phát triển bền vững đạt phát thải ròng bằng không, ông Nông Ngọc Duy – Nhà nghiên cứu cao cấp, viện nghiên cứu quốc gia Úc (CSIRO), Phó giáo sư trường Đại học Griffith, Úc cho hay, hướng tới phát thải ròng bằng không không chỉ là mục tiêu của Chính phủ của Úc hay Việt Nam mà còn là mục tiêu của rất nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, cam kết về khí thải có Hiệp định về chống biến đổi khí hậu Paris năm 2015, và gần đây nhất là Cam kết phát thải ròng bằng không và Cam kết giảm phát thải khí methane.

Ông Nông Ngọc Duy – Nhà nghiên cứu cao cấp, viện nghiên cứu quốc gia Úc (CSIRO), Phó giáo sư trường Đại học Griffith, Úc.

Cũng theo ông Duy, các chính sách chống biến đổi khí hậu gồm có: Đánh thuế khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2, CH4, N2O, F-gases); Tín chỉ cacbon, buôn bán tín chỉ cacbon; Cơ chế điều chỉnh biên giới cacbon; Đánh thuế sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu) – thuế môi trường; Đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than; Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo.

“Các công nghệ giúp chống biến đổi khí hậu rác thải ròng bằng nổi bật hiện nay có thể kể đến công nghệ phát thải âm (biochar, artificial tree, BECC, soda-lime process); Các máy móc, thiết bị bớt tiêu hao điện, năng lượng; bên cạnh đó là tự động hóa, trí tuệ nhân tạo; Đô thị, nhà thông minh”, ông Duy nhấn mạnh.

Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp thu hút đông đảo các đơn vị tham dự.

Thực tiễn của việc ra chính sách và phát triển công nghệ chính là thay đổi theo thời điểm, phát triển đan xen, phát triển công nghệ không đồng đều giữa các quốc gia, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ra các chính sách khác nhau, ảnh hưởng của khủng hoảng, chính trị. Có thể thấy, phát triển bền vững đòi hỏi hiểu biết đầy đủ về ảnh hưởng, đồng thời nắm bắt được ảnh hưởng qua các kịch bản.

Cũng tại buổi tọa đàm, có phần thảo luận trao đổi giữa chuyên gia và các đơn vị thuộc Tổng cục những vấn đề xoay quanh về phát thải ròng bằng không.

Biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đang phải gánh chịu. Có thể nhận thấy những tác động mà biến đổi khí hậu đem lại đang khá tiêu cực, ảnh hưởng đến thiên nhiên, thời tiết, đời sống kinh tế và xã hội. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21.

Nguyên nhân chính là do lượng phát thải khí nhà kính tăng lên trong những năm qua. Để giảm những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, thế giới đang đẩy mạnh các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ở cấp độ toàn cầu.

Việt Nam luôn coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và từng người dân trong việc thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đưa vào các văn kiện quan trọng của Đảng.

 

 Hà My