Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hài hòa với khu vực và quốc tế
Thứ Sáu, Tháng Ba 19, 2021 | 9:03
Việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hướng tới hài hòa với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế là một trong nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là trong giai đoạn năm 2021 đến năm 2025, phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi: “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào Chương trình hành động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế – xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.
Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025 với trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm đạt mục tiêu giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử…) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa, …); giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.
Trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” và trên 90% doanh nghiệp biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia Phong trào này.
100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị – xã hội xây dựng được kênh truyền thông (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử) có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” thường xuyên tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động.
100% các tỉnh, thành phố nhân rộng được mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. 100% bộ, ngành và địa phương xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường trong nước.
Ảnh minh họa
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Đề án vạch ra 4 nhóm nhiệm vụ trong tâm gồm: thông tin, truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Đồng thời, Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp, chính sách phát triển chủ yếu gồm: Giúp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia (có tính liên kết vùng, miền) giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước cũng như có những chính sách hỗ trợ cụ thể để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt Nam theo các phân khúc khác nhau tại thị trường trong nước.
Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện cho mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nhà nước tập trung xây dựng chiến lược và chính sách phát triển hàng Việt Nam trong lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trung và dài hạn cho thị trường nội địa; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hướng tới hài hòa với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.
Các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, xây dựng các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tác động của công nghệ thông tin đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp; hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác kinh doanh trên môi trường mạng.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong 10 năm qua, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả cụ thể như tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Bên cạnh đó, khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế, góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trên thị trường nội địa. Đến nay, nhiều sản phẩm hàng hóa đã chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.
Cuộc vận động cũng giúp phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm.
Hiện tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Cuộc vận động trong 10 năm qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tỉ lệ nhập siêu, tiến tới xuất siêu. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tự chủ; phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, hững chuyển biến trên đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành Công Thương thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, cháy hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.
Bảo Lâm