Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo xã hội tại Việt Nam
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Bảy 4, 2024 | 9:54 - Lượt xem: 258
Trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), Uỷ ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia (Ủy ban) phối hợp với APO tổ chức khóa đào tạo về xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo xã hội với sự tham gia của các nền kinh tế thành viên APO. Khóa đào tạo nhằm giới thiệu kiến thức và kinh nghiệm thực tế về thiết kế hệ sinh thái đổi mới xã hội, nâng cao khả năng hướng dẫn thực hiện và trao đổi các bài học thực tiễn để phát triển các hệ thống đổi mới xã hội. Khóa đào tạo diễn ra từ ngày 1 – 5/7 tại TP Đà Lạt ( tỉnh Lâm Đồng).
Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, đã chia sẻ nội dung liên quan đến tiêu chuẩn về quản lý đổi mới sáng tạo cho hệ thống đổi mới xã hội. Với chủ đề này, ông Hiệp đã giới thiệu về bộ tiêu chuẩn ISO 56000 (bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo) để đánh giá hệ thống đổi mới xã hội, chia sẻ kinh nghiệm về năng lực đánh giá sự đổi mới giải quyết các vấn đề xã hội ở địa phương, liên quan đến tiêu chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, các thành viên của APO cũng đã chia sẻ nhiều chủ đề có liên quan nhằm cung cấp kiến thức toàn diện về xây dựng hệ sinh thái đổi mới xã hội một cách bền vững và hiệu quả.
Trong khuôn khổ khoá đào tạo, các thành viên APO đã tổ chức khảo sát thực tế một số doanh nghiệp sản xuất nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, như: Công ty Cổ phần Viên Sơn (huyện Đức Trọng), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại VOCo (huyện Lạc Dương) và Công ty TNHH Nấm Đà Lạt (TP Đà Lạt).
APO là tổ chức liên chính phủ cam kết cải thiện năng suất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Được thành lập vào năm 1961, APO đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của khu vực, thông qua các dịch vụ tư vấn chính sách, hoạt động như một cơ quan cố vấn chính sách cấp cao và thực hiện các sáng kiến thông minh trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và công cộng.
APO đang định hình tương lai của khu vực bằng cách hỗ trợ các nền kinh tế thành viên xây dựng chiến lược quốc gia nhằm nâng cao năng suất và thông qua hàng loạt các nỗ lực xây dựng năng lực thể chế, bao gồm nghiên cứu và trung tâm xuất sắc ở các nước thành viên.
Với mục tiêu nâng cao năng suất trong khu vực, APO hiện đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển năng suất, chú trọng vào các lĩnh vực quan trọng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là việc phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững.