Xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Mười Hai 8, 2020 | 11:02 - Lượt xem: 1864
Chuyên gia cho rằng, cần hướng tới mục tiêu xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam với lĩnh vực vật liệu và cơ khí xây dựng; đáp ứng được yêu cầu quản lý chất lượng sản phẩm của Nhà nước, phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng của doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Ngành cơ khí còn gặp nhiều khó khăn
Ngành cơ khí ở nước ta đóng vai trò rất quan trọng, là nền tảng và động lực cho các ngành khác phát triển. Ngành cơ khí có nhiệm vụ cung cấp toàn bộ trang thiết bị cho các ngành xi măng, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, chế tạo thiết bị điện, đóng tàu và trang thiết bị an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, ngành cơ khí đang gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ nhập siêu vẫn cao hơn xuất khẩu; chất lượng sản phẩm cơ khí còn nhiều hạn chế; doanh nghiệp chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án lớn; năng lực, quản trị doanh nghiệp và sự phối hợp, liên kết còn kém hiệu quả.
Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường nội địa và mở rộng được xuất khẩu. Đáng chú ý, sản phẩm cơ khí chủ yếu là hàng gia công, có giá trị kinh tế thấp, chưa hình thành một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí.
Số liệu thực tế cho thấy, hiện sản phẩm cơ khí đáp ứng 45 – 50% nhu cầu trong nước và 30% xuất khẩu là chưa đạt theo yêu cầu. Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu hàng tỷ USD máy móc, thiết bị để phát triển các ngành công nghiệp nội địa còn ngành cơ khí chế tạo chỉ đáp ứng được một phần.
Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thời gian qua, lĩnh vực cơ khí dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đóng vai trò là ngành công nghiệp nền tảng, xuất phát từ một số nguyên nhân, như hệ thống pháp luật về cơ khí chế tạo chưa thực sự hoàn thiện, phù hợp, có một số nội dung chưa tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI (như quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…) làm cho doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài trong đấu thầu các dự án.
Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư, nghiên cứu, đổi mới công nghệ trong thiết kế, sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí.
Các doanh nghiệp tư nhân, hầu hết quy mô nhỏ bé, không đủ vốn để đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chế tạo; năng lực về quản lý, công nghệ… còn hạn chế để thực hiện dự án lớn, trong khi đó các doanh nghiệp còn hoạt động phân tán, khép kín trong nội bộ, thiếu sự phối kết hợp; các doanh nghiệp Nhà nước chậm đổi mới, thiếu chủ động chuyển đổi cơ chế quản lý đồng bộ, còn nặng tư tưởng quản lý bao cấp, chưa thực sự quan tâm đến việc đổi mới cơ chế quản lý theo hướng thị trường để đầu tư sản xuất, nghiên cứu KH&CN, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm sản phẩm mới đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn trong lĩnh vực cơ khí
Theo các chuyên gia, để khắc phục hạn chế và tạo điều kiện cho lĩnh vực cơ khí phát triển, Nhà nước cần xây dựng chiến lược về phát triển cơ khí chế tạo trên cơ sở khai thác thế mạnh về nguồn nhân lực, thị trường… gắn với lĩnh vực như sản xuất máy công cụ phục vụ phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thiết kế, chế tạo máy để hạn chế nhận gia công cho doanh nghiệp nước ngoài; củng cố, phát triển ngành công nghiệp vật liệu, các nhà máy luyện kim phục vụ cho sản xuất cơ khí, chế tạo.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà tiêu dùng, trong đó lấy nhà tiêu dùng, thị trường làm trung tâm; Tái thành lập ít nhất là một cơ quan quản lý Nhà nước đủ mạnh về cơ khí chế tạo để nâng cao năng lực quản lý và chỉ đạo của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thay thế đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản ở nước ngoài trước đây, nay đã đến tuổi nghỉ hưu, có tay nghề, có kỹ thuật cao; sử dụng, cập nhật phần mềm, công nghệ, máy móc hiện đại để thiết kế, chế tạo và sản xuất, kinh doanh; Cùng với đó các doanh nghiệp cơ khí cần đổi mới tư duy, từng bước làm chủ khoa học công nghệ, chủ động về nguồn vốn đầu tư để có được sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, tiếp cận tiêu chuẩn của thị trường khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, theo PGS. TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, cần hướng tới mục tiêu xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam với lĩnh vực vật liệu và cơ khí xây dựng; đáp ứng được yêu cầu quản lý chất lượng sản phẩm của Nhà nước, phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng của doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.
Liên quan đến tình hình xây dựng, phát triển hiện trạng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) trong lĩnh vực cơ khí, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN đối với sản phẩm cơ khí chế tạo phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2018, có 2125 TCVN thuộc lĩnh vực cơ khí, chiếm khoảng 20% tổng số TCVN hiện hành. Trong đó, các Bộ liên quan (Công Thương, Giao thông Vận tải, NN&PTNT, LĐTBXH, KH&CN) đã xây dựng và ban hành một số QCVN đối với các sản phẩm lĩnh vực cơ khí thuộc trách nhiệm quản lý.
Tuy nhiên, riêng QCVN đối với cơ khí khá khiêm tốn khoảng 17 QCVN liên quan tới phương tiện giao thông đường bộ, vật liệu cơ khí, máy nông nghiệp. Trong đó có khoảng 5 QCVN do Bộ Công Thương xây dựng, khoảng 9 QCVN do Bộ GTVT xây dựng, 1 QCVN do Bộ NN&PTNT xây dựng về máy nông nghiệp và 2 QCVN liên quan tới thép do Bộ KH&CN xây dựng.
Về quy hoạch, kế hoạch xây dựng TCVN nói chung và quy hoạch nhóm TCVN về cơ khí nói riêng, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã có Quyết định số 3257/QĐ-BKHCN ngày 24/11/2014 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống TCVN đến năm 2020.
Theo quy hoạch này, tổng số TCVN cần xây dựng (giai đoạn 2015-2020) sẽ là 4741 TCVN. Trong đó, TCVN ở lĩnh vực cơ khí là 837 (bao gồm TCVN về công trình, kết cấu và máy móc lắp đặt cho trang trại; máy móc, dụng cụ và thiết bị nông nghiệp, lâm nghiệp; phụ tùng và kết cấu cơ khí; các hệ thống cơ khí (khí nén, thủy lực, bôi trơn); hệ thống chứa, truyền dẫn chất lỏng; máy công cụ; động cơ đốt trong; thiết bị vận chuyển; tiết kiệm năng lượng và thiết bị tiết kiệm năng lượng; năng lượng tái tạo; công nghiệp hỗ trợ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải hàng không; phòng cháy chữa cháy và cứu hộ.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cũng cho biết, liên quan tới việc thực hiện Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (trong đó đề cập tới nhiệm vụ xây dựng rào cản kỹ thuật theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm cơ khí xuất nhập khẩu), rào cản kỹ thuật phải được áp dụng đối với cả sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm trong nước để phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp cho việc xuất khẩu dễ dàng hơn. Đồng thời, bảo hộ được sản phẩm của Việt Nam đảm bảo yêu cầu chất lượng từ các nước đối tác nhập khẩu cũng như đảm bảo an toàn cho xã hội, cho người tiêu dùng.
“Việc nâng cao chất lượng sản phẩm cơ khí xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc phần lớn vào ý thức và hành động từ các doanh nghiêp. Vấn đề tận dụng các yếu tố để bảo hộ sản phẩm cơ khí về mặt rào cản (yếu tố kỹ thuật) là vấn đề khó và cần sự liên kết nhà nước với doanh nghiệp thông qua các hiệp hội. Thời gian tới, chúng ta cần nỗ lực xây dựng tiêu chuẩn bắt kịp xu hướng quốc tế. Điều này cần sự phối hợp của các bộ ngành liên quan để xây dựng nên một danh mục cụ thể các sản phẩm cơ khí cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng lợi thế của sản phẩm trong nước hạn chế những sản phẩm không đạt chất lượng. Bộ KH&CN sẵn sàng chung tay cùng tất cả bộ ngành, hiệp hội xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và các biện pháp quản lý sản phẩm cơ khí xuất nhập khẩu thời gian tới”, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định.
Phong Lâm