Vĩnh biệt nguyên Tổng cục trưởng Nguyễn Hữu Thiện
Thứ Hai, Tháng Mười 8, 2018 | 10:18
TS. Nguyễn Hữu Thiện – Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Ủy viên Ban Chấp hành, Chủ tịch Hội VinaLAB khóa I, II, III. Sau thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được tập thể y bác sĩ và gia đình tận tình cứu chữa, chăm sóc nhưng không qua khỏi, từ trần hồi 9h30 ngày 05/10/2018 (tức ngày 26 tháng 08 năm Mậu Tuất). Hưởng thọ 77 tuổi.
TS. Nguyễn Hữu Thiện nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ Thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3; Sáng lập viên và Chủ tịch Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam (VINALAB); Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Đức thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Câu Lạc Bộ 6 Sigma; sáng lập viên Hội hợp tác các phòng thí nghiệm thành phố Hồ Chí Minh (VINATEST).
Cả cuộc đời, ông đã dành tất cả tâm huyết, sức lực, tài năng và trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, sự nghiệp tiêu chuẩn đo lường chất lượng của đất nước, để lại dấu ấn của một nhà lãnh đạo ngành xuất sắc trong lòng bạn bè, đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
TS. Nguyễn Hữu Thiện sinh ngày 22 tháng 10 năm 1942 tại xã Đức Hoà, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng.
– Năm 1945, ông đã theo cha mẹ đi hoạt động trong vùng kháng chiến, đến năm 1954 tập kết ra Bắc và học ở trường Học sinh miền Nam, sau đó đi học trung cấp nghề, đại học và nghiên cứu sinh ở Cộng hoà Dân chủ Đức.
– Từ tháng 10/1962 đến tháng 12/1963 ông nhận công tác tại Trạm nhiệt đới hóa, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước.
– Từ tháng 01/1964 đến tháng 8/1966, ông là cán bộ của Đoàn đại diện mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam – Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức.
– Ngày 12/12/1965, ông được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
– Từ tháng 9/1966 đến tháng 6/1974, ông học Đại học và làm nghiên cứu sinh tại Cộng hòa dân chủ Đức.
– Sau khi tốt nghiệp và nhận Bằng Tiến Sỹ khoa học tại Cộng hoà Dân chủ Đức, Tháng 7/1974, ông về công tác tại Cục Kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá thuộc Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước.
– Từ năm 1976 đến năm 1980, ông công tác tại Viện Định chuẩn Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh với chức vụ Phó Viện trưởng.
– Từ năm 1980 đến năm 1993, ông là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3.
– Tháng 12 năm 1993, ông đã được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và giữ cương vị này cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 12 năm 2003.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã không ngừng phát triển; hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Việt nam đã hội nhập với các tổ chức khu vực và quốc tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước.
Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Pháp lệnh Đo lường, Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa, Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng … nhằm đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Ông là người đặt nền tảng đầu tiên và thành lập ra nhiều hoạt động mới tại Việt Nam như: chứng nhận, công nhận, mã số mã vạch và năng suất chất lượng.
Ông là người khởi xướng phong trào năng suất chất lượng tại Việt Nam; triển khai áp dụng và phổ biến nhiều hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đặc biệt là bộ tiêu chuẩn ISO 9000, 14000.
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước, ngay từ khi đảm nhiệm cương vị Tổng cục trưởng, ông đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để xây dựng mới, đầu tư và nâng cấp mạnh mẽ hệ thống cơ sở vật chất của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở nhiều địa phương nhằm củng cố, nâng cao năng lực quản lý cho toàn ngành.
Trong hoạt động xã hội–nghề nghiệp, ông luôn là thành viên có nhiều sáng kiến và đóng góp tích cực vào hoạt động của các tổ chức trong nước và quốc tế, như: tổ chức ISO, tổ chức IEC, tổ chức APQO, Hội Hữu nghị Việt Đức Trung ương, Hội hữu nghị Việt Đức Thành phố Hồ Chí Minh; Hội VINALAB; Hội VINATEST; Hội đồng hương Long An và nhiều Hội, Hiệp hội khác.
Với những thành tích, cống hiến xuất sắc, ông đã được Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huy hiệu Bác Hồ; Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học Kỹ thuật; Kỷ niệm chương của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và nhiều giải thưởng cao quý khác.
TS. Nguyễn Hữu Thiện mất đi là một tổn thất to lớn đối với ngành khoa học công nghệ, đối với cơ quan và gia đình, để lại niềm tiếc thương vô hạn.
Nguồn vietq.vn