Việt Nam tăng trưởng mạnh về số chứng chỉ ISO 9001, ISO 14001
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Mười Hai 21, 2017 | 7:44 - Lượt xem: 4098
Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ số ISO 9001 và ISO 14001 năm 2017 của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể là ISO 9001 tăng 1,4% và ISO 14001 tăng 37,5% so với năm 2016.
Đây là điểm nhấn đáng chú ý trong báo cáo tham luận của lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về chỉ số ĐMST năm 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức chiều 20/12.
Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về chỉ số ĐMST năm 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức. Ảnh: Ngũ Hiệp
Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng năm 2020 đã đưa ra nhiệm vụ cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo (ĐMST) với những mục tiêu cụ thể. Trong đó có mục tiêu đến năm 2020, các chỉ số ĐMST của Việt Nam (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) đạt trung bình ASEAN 5.
Theo Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2017, Việt Nam đã tăng hạng khá ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số GII 2017 trong số các nước có thu nhập trung bình thấp.
Đặc biệt, chỉ số “Tốc độ tăng năng suất lao động” (GDP/người lao động) của Việt Nam đứng thứ 1/127 nước và vùng lãnh thổ. Đây là chỉ số đo lường tốc độ tăng năng suất lao động (được định nghĩa là sản lượng đầu ra trên một đơn vị đầu vào lao động). Bình quân GDP/lao động được tính bằng cách lấy GDP chia cho tổng số việc làm trong nền kinh tế.
Như vậy, năm 2017 Việt Nam có nhiều trụ cột và tiểu chỉ số được xếp hạng cao. Nhờ có sự cải thiện cả Nhóm tiểu chỉ số đầu vào và đầu ra của ĐMST, nên tỷ lệ hiệu quả ĐMST của Việt Nam cũng tăng bậc (từ 11 năm 2016 lên 10 năm 2017). Đây cũng là chỉ số có thứ hạng cao trong nhiều năm qua của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, cho biết, Tổng cục TCĐLCL được phân công chủ trì tổ chức cải thiện 7 chỉ số, trong đó có 3 chỉ số thuộc nhóm chỉ số ĐMST, đó là “Số chứng chỉ ISO 9001/tỷ $PPP GDP”; “Số chứng chỉ ISO 14001/tỷ $PPP GDP” và “Tốc độ tăng năng suất lao động” (GDP/người lao động).
Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì GDP tính theo PPP năm 2015 của Việt Nam là 553.491 tỷ USD. Dựa vào số liệu này, chỉ số ISO 9001 năm 2017 của Việt Nam là 7,5 ( tăng 1,4% so với năm 2016), chỉ số ISO 14001 năm 2017 của Việt Nam là 2,2 ( tăng 37,5% so với năm 2016).
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Ngũ Hiệp
Theo lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL, hiện nay các chỉ số này đang tiếp tục tăng so với các năm trước liên quan tới các hoạt động mà Tổng cục triển khai thực hiện trong các năm qua như: Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý theo ISO 9001, ISO 14001; Đẩy mạnh triển khai Chương trình quốc gia năng suất chất lượng và các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tư vấn hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý vào tổ chức, doanh nghiệp trong nước.
Đề cập đến giải pháp cải thiện các chỉ số, ông Linh cho rằng, Tổng cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác định các giải pháp cụ thể khác cùng với việc tiếp tục tập trung triển khai mạnh mẽ Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng.
“Đặc biệt là phối hợp với các địa phương xây dựng và thực hiện các Chương trình triển khai ISO 14001 gắn phát triển kinh tế- xã hội với bảo vệ môi trường: du lịch xanh sạch…”, ông Linh chia sẻ.
Riêng với đối chỉ số “Tốc độ tăng năng suất lao động”, theo nghiên cứu sơ bộ của Viện Năng suất Việt Nam, năng suất lao động năm 2017 ước tính tăng 6,0%, tăng cao hơn so với tốc độ tăng của năm 2016. Bình quân chung của giai đoạn 2011- 2017 là 4,7%.
Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, NSLĐ của toàn nền kinh tế được cải thiện, cao hơn hẳn so với năm 2016, ước tăng khoảng 5,87%, tính theo giá hiện hành ước đạt khoảng 93,2 triệu đồng/lao động.
(Nguồn:vietq)