Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn khi hạ tầng Chất lượng quốc gia phát triển
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Một 10, 2020 | 12:31 - Lượt xem: 1250
Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh tại Hội thảo “Hoạt động đo lường trong phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia” nhân Kỷ niệm 19 năm Ngày Đo lường Việt Nam.
Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh đánh giá, nền tảng về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) của Việt Nam thời gian qua đã được nâng lên rõ rệt và được xếp vào top đầu của ASEAN, đặc biệt là trong lĩnh vực đo lường.
Để có được kết quả đó, ngay từ những năm 1950 Bác Hồ đã ký Sắc lệnh 8/SL về đo lường, tiếp đó là Pháp lệnh đo lường được ban hành năm 1999, Luật Đo lường có hiệu lực từ 2012 và mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
“Hoạt động đo lường đã trở thành lĩnh vực được quan tâm hàng đầu trong thời gian vừa qua. Đến nay, đo lường là một trong 3 trụ cột quan trọng để hình thành lên hạ tầng chất lượng quốc gia”, ông Vinh nhấn mạnh.
Theo Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh, những năm qua năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiếp tục được đầu tư tăng cường; mạng lưới các tổ chức đánh giá sự phù hợp ngày càng phát triển, hướng tới đạt chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia, giúp thuận lợi hóa hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Đến nay, cả nước đã có 863 tổ chức thử nghiệm, 77 tổ chức chứng nhận, 192 tổ chức giám định và 265 tổ chức kiểm định.
Chương trình Năng suất chất lượng 712 đã tạo ra phong trào tăng năng suất chất lượng một cách bền vững qua việc áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ của doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, nguyên, nhiên vật liệu, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
Khẳng định về tầm quan trọng của hạ tầng chất lượng quốc gia trong phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, hoạt động về TCĐLCL của Việt Nam đến nay về cơ bản đã phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, với nhu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì các hệ thống về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, công nhận, thử nghiệm của cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia hiện nay sẽ cần được tăng cường hơn nữa, phù hợp thông lệ quốc tế.
“Việc thiết lập cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia chặt chẽ và hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế là bước quan trọng nhằm đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu chất lượng theo yêu cầu của thị trường quốc tế, giúp các doanh nghiệp hội nhập sâu hơn, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước”, ông Vinh cho biết.
Được biết, Tổng cục TCĐLCL đã và đang triển khai và thực hiện tốt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc và đang dự thảo Quyết định trình Chính phủ phê duyệt “Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2030”.
Bảo Anh