Việt Nam sẽ chủ trì 2 đến 3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Tám 23, 2022 | 10:01 - Lượt xem: 687

Trong dự thảo “Chiến lược Tiêu chuẩn hóa đến năm 2030”, Việt Nam đưa ra mục tiêu sẽ chủ trì 2 đến 3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 19/08/2022, tại TP.HCM, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TCĐLCL) đã chủ trì để tổ chức chương trình hội thảo khoa học góp ý dự thảo “Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 và Kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia đến năm 2030” với sự tham gia của hơn 100 khách mời đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học…

Theo đó, “Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030” được thực hiện với quan điểm đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Tập trung hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý để đảm bảo hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết, Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới từ khi trở thành thành viên của WTO, ASEAN, APEC, và nhất là thời gian qua Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP dẫn đến việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.

“Nếu Việt Nam không có chiến lược, định hướng rõ ràng để phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia làm nền tảng cho sản xuất, kinh doanh thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tồn tại cũng như giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế. Để đáp ứng mục tiêu của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, Việt Nam cần xây dựng và ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa.

Mục tiêu nhằm đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế và hình thành một nền tảng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với tình hình mới, xác lập định hướng dài hạn, xác định nhu cầu và các đối tượng cần ưu tiên trong các ngành/lĩnh vực, qua đó tập trung các nguồn lực để triển khai thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội”, TS Hà Minh Hiệp nhận định.

Tại hội thảo, ông Trịnh Minh Tùng – đại diện Vụ tiêu chuẩn (Tổng cục TCĐLCL) cũng đã trình bày Dự thảo “Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030” để lấy ý kiến góp ý của các vị khách mời. Mục tiêu chung của “Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030” nhằm đưa tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Phát triển nguồn nhân lực về tiêu chuẩn hóa cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao năng lực xây dựng tiêu chuẩn. Nâng cao vị thế của Việt Nam trên các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa của khu vực và quốc tế. Đồng thời, mục tiêu của “Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030” cũng được chia thành 2 giai đoạn cụ thể.

Giai đoạn 1 là đến năm 2025 sẽ hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật. Đạt được tối thiểu 70% số lượng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành thành viên của Ban chấp hành của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO. Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và cơ sở dữ liệu thông tin về hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.

Giai đoạn 2 là đến năm 2030 sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm. Tất cả các Bộ ngành hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn. Sẽ có tối thiểu 70% tiêu chuẩn quốc gia mới được phổ biến áp dụng sau khi được công bố.

Quan trọng nhất, “Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030” trong giai đoạn này sẽ phấn đấu đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 60% chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn tại các Bộ ngành, địa phương. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 35 trường đại học, trường cao đẳng và trường nghề. Cử 4 – 6 cán bộ, chuyên gia tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO và chủ trì 2 – 3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành thành viên của Ban Quản lý Kỹ thuật (Technical Management Board – TMB) của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã đánh giá rất cao dự thảo “Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030”. Đồng thời, các đại biểu tham dự Hội thảo đã sôi nổi đóng góp ý kiến cho các mục tiêu cụ thể của chiến lược tiêu chuẩn hóa và đề xuất các giải pháp thực hiện, cũng như chia sẻ kinh nghiệm hoạch định chính sách, những thuận lợi, khó khăn, những thành công khi tổ chức áp dụng tiêu chuẩn tại cơ quan, doanh nghiệp.

Phát biểu kết thúc chương trình hội thảo, TS Hà Minh Hiệp ghi nhận và đánh giá rất cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Cùng với đó, TS Hiệp cũng giao cho Vụ Tiêu chuẩn làm đầu mối nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo “Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030” trước khi gửi lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mai Đức