Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam: Một năm bứt phá ấn tượng!
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Một 12, 2022 | 16:16 - Lượt xem: 1656
Năm 2021, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục TCĐLCL đã cung cấp các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực trong lĩnh vực trang thiết bị y tế phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19…
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục TCĐLCL), ông Phùng Mạnh Trường – Phó viện trưởng phụ trách cho biết, năm 2021, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã tập trung thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, huy động sự tham gia của các Hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Điển hình như Hiệp hội Đồng quốc tế, Hiệp hội các nhà sản xuất mô tô, xe máy Việt Nam, Công ty Cổ phần DAIKIN, Công ty Bia Heineken, Công ty Vinfast, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH phát triển công nghệ điện tử Bình Anh, Công ty Cổ phần hóa chất Đông Nam, Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Công ty TNHH BlueScope, Công ty Perstima, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty Cổ phần Phòng thử nghiệm Phúc Gia…
Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cũng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng TCVN thuộc nhiệm vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện;
Đồng thời, hoàn thành trình Bộ KH&CN ký ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy. Tiếp tục hoàn thiện để Bộ ký ban hành QCVN thép hình cán nóng khí thiên nhiên hóa lỏng và khí thiên nhiên nén; xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học; Chủ động, tích cực tham gia biên soạn, góp ý dự thảo các QCVN và văn bản do các đơn vị trong Tổng cục hoặc các Bộ, ngành chủ trì xây dựng.
“Viện cũng triển khai thực hiện nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn để triển khai “Nghiên cứu ảnh hưởng của olefin trong xăng thương phẩm đến chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”, ông Trường cho hay.
Kết quả, hoàn thiện báo cáo tổng quan về nhiên liệu và báo cáo nghiên cứu ảnh hưởng của olefin đến chất lượng xăng nhiên liệu; Tham gia nghiên cứu và đăng tải một bài báo trên tạp chí quốc tế SCI uy tín (Journal of Energy Chemistry – top 10 thế giới lĩnh vực điện hoá, top 10 thế giới lĩnh vực công nghệ nhiên liệu, top 10 thế giới lĩnh vực năng lượng khác – theo SCImago): High-efficiency single and tandem fullerene solar cells with asymmetric monofluorinated diketopyrrolopyrrole-based polymer.
Theo ông Trường, Viện cũng triển khai thành công Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) năm 2019 và 2020 cho hơn 120 doanh nghiệp tham dự. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đạt GTCLQG và Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, triển khai hoạt động GTCLQG năm 2021, đào tạo được trên 100 chuyên gia đánh giá GTCLQG.
Cũng trong năm 2021, Viện đã cung cấp các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực trong lĩnh vực trang thiết bị y tế phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp cận, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Tổng cục;
Hoàn thành nâng cấp và mở rộng việc quản lý cơ sở dữ liệu, hồ sơ TCVN và các cơ sở dữ liệu liên quan để có thể chia sẻ dữ liệu đáp ứng yêu cầu của Bộ KH&CN theo Quyết định 2800/QĐ-BKHCN ngày 14/10/2021;
Triển khai các gói và dịch vụ gia tăng từ hoạt động xuất bản như cung cấp dịch vụ thành viên TCVN, bán TCVN online, khai thác các dịch vụ tư vấn, xây dựng Bản tin TCVN điện tử (TCVN e-Newsletter) hàng tháng, duy trì facebook về thông tin tiêu chuẩn;
Tổ chức đào tạo thành viên ban kỹ thuật TCVN, những người làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các bộ, ngành, tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp, duy trì và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng TCVN, quản lý hoạt động của Ban kỹ thuật. Rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu thành viên ban kỹ thuật TCVN.
Ngoài ra, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cũng tổ chức các buổi đào tạo nội bộ và đào tạo chuyên gia đánh giá, đào tạo hướng dẫn áp dụng cho tổ chức, doanh nghiệp về các hệ thống quản lý mới và đào tạo nghiệp vụ về tiêu chuẩn hóa nhằm nâng cao năng lực, trình độ của người tham gia vào công tác xây dựng tiêu chuẩn.
Về phương hướng năm 2022, Viện đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, phối hợp các đơn vị trong Tổng cục tham gia, góp ý kiến xây dựng Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Bộ pháp điển TCĐLCL và Chiến lược tiêu chuẩn hóa giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn 2030 và Chương trình chuyển đổi số của Tổng cục TCĐLCL.
Thứ hai, thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia năng suất chất lượng SPHH giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020.
Thứ ba, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 60 năm thành lập Tổng cục TCĐLCL gắn kết với các hoạt động chuyên môn của Viện.
Thứ tư, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn chặt với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, kết nối TCVN với công nghệ mới, khai thác hiệu quả chương trình, dự án của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.
Thứ năm, tiếp tục duy trì ứng dụng CNTT vào hoạt động xây dựng TCVN, quản lý hoạt động của Ban kỹ thuật; Rà soát, cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu thành viên ban kỹ thuật TCVN; Nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia của các thành viên Ban kỹ thuật TCVN trong việc góp ý xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc tế ISO và IEC; Nghiên cứu một số lĩnh vực mới và Ban kỹ thuật mới của ISO, IEC để đề xuất Tổng cục thành lập mới, thành lập lại một số Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tương ứng.
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng khuyến khích tăng doanh thu các hoạt động dịch vụ, thu nhập của người lao động và tạo thuận lợi cho việc thanh quyết toán; Quản lý hiệu quả hoạt động thu – chi để tiết giảm chi phí hoạt động, tăng tỷ suất lợi nhuận và thu nhập của người lao động so với năm 2021.
Thứ bảy, triển khai thực hiện kiện toàn cơ cấu tổ chức của Viện theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ tám, tập trung nghiên cứu những lĩnh vực mới để đề xuất xây dựng TCVN; Triển khai các hoạt động dịch vụ đem lại nguồn thu dịch vụ cho Viện; Mở rộng lĩnh vực chứng nhận sản phẩm và chương trình đào tạo; Nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tư vấn, chứng nhận và đào tạo cả về số lượng và chất lượng; Triển khai chính thức dịch vụ kiểm tra chất lượng MSMV và dán nhãn tiết kiệm nước.
Thứ chín, tổ chức thành công hoạt động GTCLQG năm 2021 – 2022, khai thác và huy động hiệu quả nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GTCLQG, giúp Tổng cục triển khai thành công hoạt động của Hội đồng sơ tuyển của Bộ KH&CN.
Thứ mười, tiếp tục đề xuất nhiệm vụ nâng cấp, mở rộng quản lý cơ sở dữ liệu, hồ sơ TCVN và các cơ sở dữ liệu liên quan; cập nhật đầy đủ, kịp thời cơ sở dữ liệu TCVN; triển khai có hiệu quả dịch vụ thành viên TCVN.
Hà My