Vai trò của tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đối với sự phát triển kinh tế – xã hội

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Tám 24, 2023 | 10:22 - Lượt xem: 846

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.

Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

 Áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Về hoạt động tiêu chuẩn, tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam đã có hơn 13.000 TCVN, đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực trên 60%. Đây là kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt kết quả vượt bậc trong thập kỷ vừa qua.

Hệ thống TCVN được bổ sung về số lượng, nâng cao về mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế/khu vực, bao quát đầy đủ hơn các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Các TCVN trong một số lĩnh vực chủ lực, chiến lược như nông nghiệp hữu cơ, đô thị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý chất thải, an toàn thực phẩm, cơ khí chế tạo… đã được ưu tiên soát xét, xây dựng trong thời gian qua trên cơ sở chủ yếu là chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực giúp doanh nghiệp Việt nâng cao trình độ khoa học công nghệ, cập nhật được các xu hướng mới của thế giới để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Còn đối với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cũng đã ban hành trên 800 QCVN trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.

Thời gian tới, với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống tiêu chuẩn thế giới, để đảm bảo vị trí của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu của doanh nghiệp, thì yêu cầu bắt buộc là hệ thống TCVN, QCVN tiếp tục phải thay đổi.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thực thi hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết; tận dụng cơ hội phòng ngừa, giảm thiểu các thách thức do tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Đồng thời, tăng cường tham gia vào hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu, phát triển những mối quan hệ song phương với tổ chức tiêu chuẩn của nước ngoài khác…

Xã hội hóa công tác tiêu chuẩn là một trong các giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị thời gian gần đây. Điều này xuất phát từ việc xây dựng tiêu chuẩn phải có sự tham gia, xây dựng đầy đủ của các bên liên quan mà trong đó họ có lợi ích trong việc ban hành tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa công tác tiêu chuẩn sẽ giúp huy động nguồn lực về tài chính từ khu vực kinh tế tư nhân chứ không phải như hiện nay, việc xây dựng tiêu chuẩn chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước (chiếm 95%).

Theo đó, khu vực tư nhân, doanh nghiệp được khuyến khích từ việc tham gia các hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; chủ động đề xuất xây dựng TCVN, tham gia mạnh mẽ vào quá trình xây dựng TCVN, xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về tiêu chuẩn hóa nói chung và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chuyên ngành của doanh nghiệp nói riêng.

Theo VietQ