Vai trò của hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong phát triển kinh tế – xã hội

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Mười Một 18, 2019 | 9:01 - Lượt xem: 1969

Cùng với sở hữu trí tuệ, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong giai đoạn này đã đóng góp tích cực cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

 Ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN).
LTS: Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh đã có bài viết về vai trò của hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong phát triển kinh tế – xã hội. Chất lượng Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Tác động tích cực đối với nền kinh tế

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 04 tháng 3 năm 1959 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 9-1979, Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) Nhà nước được thành lập theo Quyết định số 325-CP của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất 4 đơn vị: Cục Tiêu chuẩn, Cục Đo lường Trung ương, Cục Kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Viện Định chuẩn. Sau 5 năm hoạt động, tháng 2-1984, Cục này được nâng cấp thành Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo Nghị định số 22-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và tên gọi này tồn tại cho đến ngày nay.

Trước xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, từ năm 2003 đến nay, để KH&CN ngày càng đóng góp thiết thực và toàn diện hơn cho phát triển kinh tế – xã hội, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) không ngừng được kiện toàn và củng cố. Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ khẳng định “Bộ KH&CN là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước về dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật”.

Hai lĩnh vực TĐC và sở hữu trí tuệ trong giai đoạn này đã đóng góp tích cực cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; về hoạt động của các tổ chức công nhận và chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa; việc chủ trì tổ chức giải quyết các tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về sở hữu công nghiệp và tranh chấp thương mại liên quan đến sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật được làm rõ tại Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP.

Theo đó, hoạt động quản lý TĐC đã có những tác động tích cực đối với nền kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và trật tự trong sản xuất, kinh doanh. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng được hoàn thiện với ba đạo luật cơ bản (Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Đo lường) và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý toàn diện và đồng bộ điều chỉnh các hoạt động tiêu chuẩn hoá, quản lý chất lượng sản phẩm và đo lường trên phạm vi cả nước.

Từ những năm đầu của thập kỷ 60, khi Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đầu tiên được ban hành (năm 1962), đến nay, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của nước ta đã ngày càng phát triển với trên 11.500 TCVN, hơn 780 quy chuẩn kỹ thuật và hàng vạn tiêu chuẩn cơ sở, làm chuẩn mực quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Tỷ lệ hài hòa của TCVN với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực không ngừng được nâng lên, đến nay đã đạt 54%. Hệ thống này đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều chương trình tiêu chuẩn hoá cấp nhà nước, ngành và đặc biệt ở cấp cơ sở (doanh nghiệp) đã được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ, giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về công tác tiêu chuẩn và chất lượng, phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Xuất phát chỉ hơn hai chục người với cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nghèo nàn, lạc hậu và thiếu thốn. Đến nay, Tổng cục TĐC đã có gần 1.700 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị của Tổng cục trên khắp mọi miền đất nước. Cùng với Tổng cục, mạng lưới Chi cục TĐC của 63 tỉnh, thành phố và các cơ quan chuyên trách TĐC tại Bộ, ngành Trung ương đã tạo thành hệ thống quản lý thống nhất hoạt động TĐC trên cả nước đã đóng góp to lớn vào sự phát triển của nền kinh tế xã hội nói chung và ngành TĐC nói riêng.

Ngoài việc ngày càng được tăng cường đầu tư phát triển theo chiều sâu, với hạ tầng chuẩn đo lường quốc gia và hệ thống các phòng thử nghiệm tiên tiến đạt trình độ quốc tế, phục vụ kịp thời cho hoạt động nghiên cứu và kiểm định chất lượng hàng hóa. Hệ thống chuẩn đo lường được xác lập gồm 27 chuẩn quốc gia là cơ sở để kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo trong các ngành, lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế; hơn 5.000 chuẩn từ trung ương đến địa phương và một lượng lớn chuẩn đo lường đang được sử dụng trong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã tự nghiên cứu sản xuất được các chuẩn đo lường: quả cân chuẩn, bình chuẩn dung tích, thiết bị kiểm định công tơ điện, nước, thiết bị kiểm định huyết áp kế, bàn tạo áp suất, tiết kiệm cho Nhà nước lượng ngoại tệ đáng kể do không phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đã hình thành được hệ thống hàng chục phòng hiệu chuẩn, hàng trăm tổ chức kiểm định phương tiện đo trên cả nước, trong đó có Viện Đo lường Việt Nam; các Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng 1, 2, 3; các chi cục/phòng tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng ở 63 tỉnh/thành phố và các cơ sở được công nhận khả năng kiểm định.

Công tác quản lý chất lượng được quan tâm chỉ đạo theo các định hướng, mục tiêu, giải pháp lớn trong từng thời kỳ, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, doanh nghiệp và hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước. Năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiếp tục được đầu tư tăng cường; mạng lưới các tổ chức đánh giá sự phù hợp ngày càng phát triển, hướng tới đạt chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia, giúp thuận lợi hóa hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Đến nay, cả nước đã có 863 tổ chức thử nghiệm, 77 tổ chức chứng nhận, 192 tổ chức giám định và 265 tổ chức kiểm định.

Nhằm nâng cao hoạt động năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, Hiện nay Tổng cục TĐC được giao chủ trì Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, sẽ tạo ra một phong trào tăng năng suất chất lượng một cách bền vững qua việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ của doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, nguyên, nhiên vật liệu, tiết kiệm thời gian… cho doanh nghiệp.

Đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển

Trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hoá sản xuất, lưu thông trên thị trường và xuất nhập khẩu luôn được chú trọng tăng cường, đặc biệt đối với các mặt hàng nhạy cảm liên quan tới an toàn cho con người và môi trường. Gần đây, đã chú trọng đổi mới phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đơn giản hóa được nhiều thủ tục kiểm tra hàng hóa nhập khẩu; tích cực tham gia Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020. Cơ sở dữ liệu về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được hình thành; hệ thống thông tin cảnh báo trong nước về chất lượng được thực hiện thường xuyên có kết nối với hệ thống cảnh báo quốc tế, qua đó, nhiều sản phẩm mất an toàn đã được thông tin kịp thời đến người tiêu dùng trong nước.

Các hệ thống quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế được đưa vào áp dụng rộng rãi. Đến nay, cả nước có hàng vạn doanh nghiệp, tổ chức áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất, chất lượng tiên tiến khác nhau, trong đó có hàng vạn doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001. Hoạt động phổ biến, truyền bá kiến thức, phong trào năng suất, chất lượng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được phát triển trong phạm vi cả nước, tạo động lực cho các tầng lớp nhân dân chủ động sáng tạo, ứng dụng KH&CN trong lao động sản xuất. Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã góp phần giúp doanh nghiệp tiếp cận và làm chủ các công nghệ quản lý tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Chất lượng hàng hóa Việt Nam lưu thông nội địa và xuất khẩu ngày càng được cải thiện, chinh phục được người tiêu dùng trong nước và tiếp cận được các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Bắc Mỹ.

Có thể nói, hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực TĐC đã được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Tổng cục TĐC hiện nay làm đại diện Việt Nam tại 14 tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng và mã số mã vạch; duy trì hợp tác thường xuyên với hơn 30 tổ chức quốc tế, một số nước trên thế giới và khu vực. Việc tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực trong nhiều năm qua đã giúp xây dựng nên chính sách về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phù hợp với bài bản quốc tế, góp phần tích cực tạo thuận lợi cho thương mại, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực, đảm bảo sự hội nhập của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong quá trình đàm phán các hiệp định và tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, Tổng cục luôn đảm bảo lợi ích quốc gia, tranh thủ và khai thác tối đa sự giúp đỡ và ủng hộ của các tổ chức này nhằm thúc đẩy hoạt động TĐC ở nước ta.

Ngoài ra, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã được đẩy mạnh xã hội hóa, các Tổ chức Đo lường cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đảm bảo đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, trong quản lý thị trường và xuất nhập khẩu. Nhiều chương trình đảm bảo đo lường đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì, nâng cao năng suất, chất lượng; Hoạt động thử nghiệm, phê duyệt mẫu phương tiện đã được tổ chức thực hiện bài bản phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các hoạt động quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng và đánh giá sự phù hợp đã được đẩy mạnh và đáp ứng đúng với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; Các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế là nền tảng cho hoạt động kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước; thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực, quốc tế, giúp xoá bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, doanh nghiệp giảm được chi phí, thời gian xuất nhập khẩu nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, ISO 22000, HACCP… đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia, được phổ biến áp dụng thành công ở hàng ngàn doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng làm cơ sở cho sự hội nhập, thừa nhận và công nhận lẫn nhau theo tập quán và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, Tổng cục TĐC đã và đang tổ chức xây dựng, triển khai, cấp và quản lý hệ thống mã số mã vạch quốc gia cho sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, cung cấp thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, tạo ra sự minh bạch trong sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất đối với doanh nghiệp góp phần nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày nay, sáu mươi năm – một chặng đường nhìn lại, khoa học và công nghệ tiếp tục có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, chủ động kết nối và hợp tác đối tác chiến lược với các quốc gia tiên tiến trên thế giới, phát triển bền vững đất nước.

Thời gian tới, để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu của đất nước, Tổng cục sẽ tập trung định hướng vào một số nội dung trọng điểm như: tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành, chuyển sang áp dụng biện pháp hậu kiểm để thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ; đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng đồng bộ, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đối với nhóm sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu cũng như xây dựng các nhóm tiêu chuẩn quốc gia đối với các nhóm sản phẩm mới, chủ lực của Việt Nam; đổi mới hoạt động mã số mã vạch, trong đó trước mắt đẩy mạnh hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm, hàng hóa; ưu tiên mọi nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của kinh tế xã hội…

Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng