Vai trò của cơ sở hạ tầng chất lượng đối với mục tiêu phát triển bền vững (Phần 2)

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Tám 30, 2023 | 9:08 - Lượt xem: 950

Cơ sở hạ tầng chất lượng có tác động tích cực tới mục tiêu phát triển bền vững, do đó để đo lường mức độ phát triển của Cơ sở hạ tầng chất lượng đối với mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) đã xây dựng Chỉ số Hạ tầng chất lượng với phát triển bền vững và xếp hạng 137 nền kinh tế trên thế giới.

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainability Development Goals – SDGs) là định hướng được Liên Hợp Quốc thông qua và ban hành vào năm 2015, gồm có 17 mục tiêu lớn, trong đó có 169 chỉ tiêu nhỏ và hàng trăm chỉ số khác nhau nhằm đạt được tương lai bền vững trên toàn thế giới.

Các chuyên gia đã phân tích, nhận định các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, bao gồm: đói nghèo, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, hòa bình và công lý, vì vậy, 17 mục tiêu lớn được xây dựng nhằm giảm bớt các thách thức nêu trên. Mục tiêu phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu trọng tâm cho các tổ chức quốc tế và Chính phủ trên toàn thế giới.

Một trong các cách thức để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đó là xây dựng, phát triển Cơ sở hạ tầng chất lượng. Cơ sở hạ tầng chất lượng có tác động tích cực tới mục tiêu phát triển bền vững, do đó, để đo lường mức độ phát triển của Cơ sở hạ tầng chất lượng đối với mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) đã xây dựng Chỉ số Hạ tầng chất lượng với phát triển bền vững (Quality Infrastructure for Sustainable Development – QI4SD) và xếp hạng 137 nền kinh tế trên thế giới.

Báo cáo Chỉ số Hạ tầng chất lượng với phát triển bền vững giúp cung cấp nền tảng về các chỉ tiêu, từ đó khát quát được tình hình phát triển và đóng góp của Cơ sở hạ tầng chất lượng của một quốc gia tới mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời cung cấp thông tin về mối quan hệ giữa Hạ tầng chất lượng với sự phát triển kinh tế, thương mại thế giới.

Phát triển bền vững có các tiêu chí đi kèm

Chỉ số Hạ tầng chất lượng với phát triển bền vững được xây dựng bởi các tổ chức uy tín hàng đầu thế giới, từ việc thu thập dữ liệu đến tổng hợp, phân tích, sàng lọc, xếp hạng chỉ số đều có sự tham gia của chuyên gia từ Mạng lưới quốc tế về Cơ sở hạ tầng chất lượng (International Network on Quality Infrastructure – InetQI).

Thành viên của InetQI là các tổ chức uy tín hàng đầu thế giới với mục tiêu: tập hợp các tổ chức quốc tế chuyên ngành có thể thúc đẩy và thực thi các hoạt động để phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng (tiêu chuẩn hóa, đo lường, đánh giá sự phù hợp). Hiện nay, InetQI gồm có 14 thành viên hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, công nghiệp và thương mại, cụ thể: Văn phòng Cân đo Quốc tế (BIPM), Diễn đàn công nhận quốc tế (IAF), Tổ chức Chứng nhận quốc tế độc lập (IIOC), Hiệp hội công nhận phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Tổ chức Đo lường hợp pháp quốc tế (OIML), Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), Mạng lưới Chứng nhận quốc tế (IQNET), Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc khu vực Châu Âu (UNECE), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).

Theo UNIDO, cơ sở hạ tầng chất lượng (Quality Infrastructure – QI) trong mối quan hệ với sự phát triển bền vững thông qua 3 trụ cột phát triển bền vững (thịnh vượng, con người, sinh thái toàn cầu) có tác động tích cực tới nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy nền sản xuất, tăng năng suất chất lượng, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia ngày càng tham gia sâu rộng vào thị trường thương mại tự do (FTAs), thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, phát triển các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn, sức khỏe, môi trường (chất lượng sản phẩm thực phẩm, chất lượng nguồn nước, chất lượng môi trường sống của con người, động thực vật,…).

Đồng thời kiểm soát được việc thực hiện thông qua Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong khuôn khổ khu vực hoặc toàn cầu nhằm giúp cho các quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được sinh thái bền vững và hiệu quả (ví dụ, thông qua áp dụng các tiêu chuẩn nhằm giám sát chất lượng không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan, …).

Như đã đề cập tại bài trước, NQI có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Cụ thể, NQI thể hiện vai trò đóng góp cho 3 trụ cột phát triển bền vững thông qua:

1. Đối với trụ cột thịnh vượng:

– NQI đóng góp vào sự phát triển thương mại thế giới thông qua các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA), Thỏa thuận công nhận quốc tế/khu vực và hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Những thỏa thuận này giúp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được cấp chứng chỉ công nhận tại một quốc gia cũng có thể được công nhận tại một quốc gia khác; hệ thống tiêu chuẩn quốc tế giúp đảm bảo tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân, quốc gia.

Thông qua việc xây dựng, duy trì, phát triển hệ thống NQI, chất lượng, độ an toàn của sản phẩm, hàng hoá, quy trình, dịch vụ của một quốc gia sẽ đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Từ đó, rào cản kỹ thuật trong thương mại sẽ giảm đáng kể (là các biện pháp kỹ thuật TBT do các quốc gia xây dựng gây ảnh hưởng thương mại không cần thiết)[1].

 Ngoài ra, NQI có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và nâng cao khả năng cạnh tranh giữa quốc gia nói chung. Theo nghiên cứu của các chuyên gia trong lĩnh vực TCĐLCL quốc tế, các quốc gia có hệ thống NQI hoàn thiện, phát triển là các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu trên thế giới (Đức, Mỹ, Anh,…)[2]. Theo Viện Đo lường Quốc gia Đức (PTB), NQI là câu trả lời cho những thách thức trong lĩnh vực chất lượng trên thế giới. Đây cũng là tiền đề để các nước đang phát triển tiếp cận thị trường quốc tế theo nguyên tắc hiện đại.

– NQI đóng góp sự phát triển công nghiệp và các sáng kiến thông qua các tiêu chuẩn về quản lý đổi mới (sê-ri ISO 56000) và đo lường trong các lĩnh vực công nghệ cao như: 5G, trí tuệ nhân tạo, bigdata.

2. Đối với trụ cột con người:

– Một trong những sự đóng góp nền tảng của NQI đối với trụ cột con người là thông qua sự phát triển thực phẩm có chất lượng cao, an toàn, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, từ đó giúp con người có cuộc sống lành mạnh và an toàn.

– NQI cũng vai trò quan trọng trong ngành y tế, cụ thể: các hệ thống đo lường có độ chính xác cao giúp cung cấp phép đo chính xác, các tiêu chuẩn phục vụ xây dựng, vận hành phòng lab, các tiêu chuẩn liên quan đến trang thiết bị y tế.

– Đóng góp vào phát triển năng lượng sạch thông qua các tiêu chuẩn, ĐGSPH và hoạt động giám sát thị trường.

3. Đối với trụ cột sinh thái toàn cầu:

– NQI góp phần bảo vệ sự sống dưới nước và trên mặt đất bằng cách tổ chức và cung cấp dịch vụ đóng góp vào việc thực hiện các chính sách giúp vận hành có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên biển, tài nguyên đất và hệ sinh thái trên toàn cầu.

– NQI giúp giảm sự tiêu thụ năng lượng của sản phẩm, cụ thể, giúp cung cấp các phép đo đáng tin cậy về tác động của việc sản xuất các sản phẩm khác nhau và theo dõi quá trình chuyển đổi, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, từ đó hướng tới xã hội bền vững.

Như vậy, có thể thấy, NQI có vai trò rất quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững.

(còn tiếp)

Lê Bích Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra



[1] P18, PT, https://www.ptb.de/cms/fileadmin/internet/fachabteilungen/abteilung_9/9.3_internationale_zusammenarbeit/publikationen/102_National_QI/PTB_Q5_National_QI_EN.pdf

[2] GQII 2021, page 3