Vai trò của chuyển đổi số đối với nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Tám 30, 2024 | 11:11 - Lượt xem: 117
Những thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò, tác động to lớn của chuyển đổi số trong mọi mặt đời sống xã hội.
Theo chuyên gia, chuyển đổi số sẽ trở thành cú huých thúc đẩy năng suất lao động của khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Thế nhưng vẫn còn điểm hạn chế là đổi mới sáng tạo lại không dẫn đến tăng năng suất ở châu Á.
Điều này cho thấy, chất lượng đổi mới sáng tạo không phải lúc nào cũng cao một cách nhất quán và đòi hỏi phải có sự cải thiện về chất lượng các sáng chế để chuyển hóa thành năng suất cao hơn. Đồng thời, tốc độ truyền bá công nghệ từ doanh nghiệp đi đầu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, không có được sự chuyển giao công nghệ, truyền bá tri thức mạnh mẽ khiến hoạt động đổi mới sáng tạo đang tập trung vào một nhóm doanh nghiệp lớn, trong khi số đông gồm các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang tụt hậu phía sau.
Để thúc đẩy chuyển đổi số tăng năng suất lao động, chuyên gia năng suất cho rằng, cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục. Cùng với đó là tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp, nhất là đầu tư mạo hiểm; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng, hiệu quả hơn với khu vực tư nhân, giảm bớt rào cản hành chính đối với việc thành lập doanh nghiệp và tăng cường khả năng dự báo chính sách.
Chuyển đổi số sẽ trở thành cú huých thúc đẩy năng suất lao động khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh đó, cần có tư duy và hành động mới để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hướng đến chiều sâu. Cụ thể là đánh giá mức độ chuyển đổi số chi tiết theo các tiêu chí khoa học, rõ ràng, từ đó có những thay đổi, chiến lược và kế hoạch phát triển phù hợp.
Khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp luôn trăn trở giữa lựa chọn phương án mua công nghệ mới hoàn toàn hay cải tạo công nghệ cũ, điều này phụ thuộc rất nhiều về nguồn tài chính và nhân lực của doanh nghiệp và cả ngành kinh tế. Vì vậy, để chuyển đổi số thành công phải có tầm nhìn xa nhưng bước đi nhỏ.
Tầm nhìn xa là phải có chiến lược phát triển, có bộ chỉ số thể hiện mức độ trưởng thành số trong từng ngành và bước đi nhỏ là để nếu phải làm lại thì chi phí cũng không lớn. Quan trọng hơn cả là cần có thể chế đi trước mở đường, vì chuyển đổi số và kinh tế số không đơn thuần chỉ là bài toán công nghệ mà liên quan đến cái mới. Trong quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp, thể chế có tính chất mở đường, công nghệ giữ vai trò quan trọng, con người là yếu tố quyết định.
Theo VietQ