Ủy ban TCĐLCL Quốc gia hướng dẫn các địa phương về truy xuất nguồn gốc
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Mười 25, 2024 | 19:34 - Lượt xem: 268
Chiều ngày 25/10/2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tổ chức buổi làm việc trực tuyến với Sở Khoa học và Công nghệ 63 địa phương trên cả nước (Qúy IV) với chủ đề “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”.
Tham gia chương trình, về phía Ủy ban có TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch; ông Nghiêm Thanh Hải – Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chất lượng và Đánh giá sự phù hợp; ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã Vạch Quốc gia; lãnh đạo, đại diện các đơn vị quản lý, đơn vị sự nghiệp trực thuộc…
Về phía địa phương có lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và gần 400 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoạt động trong công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại các điểm cầu.
Phát biểu tại chương trình, TS. Hà Minh Hiệp khẳng định, trong bối cảnh chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc là một trong những nội dung được xã hội vô cùng quan tâm.
“Buổi làm việc hôm nay xoay quanh hai vấn đề, thứ nhất về hướng dẫn quản lý truy xuất nguồn gốc và thứ hai là về Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia. Mọi trao đổi dựa trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan”, ông Hiệp chia sẻ.
Tiếp theo đó, ông Nghiêm Thanh Hải – Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chất lượng và Đánh giá sự phù hợp đã trao đổi về những nội dung chính trong Thông tư số 02/2014/TT-BKHCN Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Trong đó, Thông tư quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa gồm: quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, vật mang dữ liệu; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa.
Tại bài trình bày, ông Hải đã nêu khá chi tiết một số nội dung cốt yếu của Thông tư như: Đối tượng áp dụng; Nguyên tắc áp dụng; Quy định các nguyên tắc cơ bản trong truy xuất nguồn gốc,… mang đến cái nhìn khái quát nhất về Thông tư cũng như vấn đề truy xuất nguồn gốc hiện nay.
Tiếp nối chương trình, ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã Vạch Quốc gia đã trao đổi về “Kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc với Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia”. Nội dung gồm 3 điểm chính: Mô hình hoạt động Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia; Cách thức và quy trình kết nối với Cổng thông tin; Tình hình triển khai, kết nối với Cổng thông tin.
Ông Chính cho hay, đến nay có trên 30 tỉnh, thành phố đã và đang xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; 17 tỉnh, thành phố có hệ thống truy xuất nguồn gốc và liên hệ với Trung tâm để được hỗ trợ kết nối: Cần Thơ, Đắk Nông, Sóc trăng, Cà Mau, Thái Bình, Hưng Yên, Long An, Cao Bằng, Hòa Bình, Trà Vinh, Vĩnh Long,…; 02 địa phương kết nối và đồng bộ dữ liệu lên Cổng thông tin; 13 địa phương thực hiện kết nối kỹ thuật với môi trường Cổng: Long An, Trà Vinh, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long, Đắk Nông, Cao Bằng,…
Cuối chương trình là phần thảo luận, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề kết nối với Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia được đại diện các đơn vị đưa ra. Phía Ủy ban cũng như Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã giải đáp kịp thời, đáp ứng mong muốn của các đơn vị.
Có thể khẳng định, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nói chung và đưa vào vận hành Cổng thông tin nói riêng rất được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân quan tâm. Cổng thông tin được coi là nền tảng số, giải pháp quan trọng xây dựng thị trường trong sạch, minh bạch và hướng đến phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Thanh Tùng