Tuyên truyền, phổ biến kết quả áp dụng chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp
Thứ Năm, Tháng Mười Hai 12, 2024 | 14:20
Ngày 11/12/2024, Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo tuyên truyền phổ biến về kết quả áp dụng chương trình đảm bảo đo lường cho các doanh nghiệp điểm trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Sự – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội giới thiệu Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 12/01/2022 của Thành phố về việc thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có mục tiêu hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho ít nhất 1.000 lượt cán bộ; triển khai chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 1.500 doanh nghiệp…
“Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Đào tạo từ công tác phổ biến, khảo sát lựa chọn doanh nghiệp, thực hiện tư vấn cho 03 doanh nghiệp điểm và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các bên tham gia chương trình”, ông Sự khẳng định.
Ông Đặng Thanh Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giới thiệu chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp, các văn bản quản lý nhà nước liên quan, kết quả triển khai Nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm về đảm bảo đo lường nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” tại 05 địa phương: TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Giang.
Báo cáo tập trung giới thiệu ý nghĩa của chương trình đảm bảo đo lường, hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, đem lại giá trị về uy tín, thương hiệu cho tổ chức.
Ông Tùng cho biết, việc triển khai xây dựng mô hình điểm gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp chưa dành sự quan tâm và đầu tư nguồn lực phù hợp vì chưa hiểu hết ý nghĩa của hoạt động đảm bảo đo lường trong tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, nhóm công tác đã hoàn thành tư vấn cho 15 doanh nghiệp, qua đó xây dựng chương trình khung đảm bảo đo lường cho một số nhóm ngành chính như doanh nghiệp sản xuất hàng đóng gói sẵn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thử nghiệm – kiểm định – hiệu chuẩn, doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, sản xuất thiết bị đo lường…
Đại diện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình, Công ty TNHH Phát Triển Nông Nghiệp và Tư vấn Môi trường – DACE đã có bài trình bày chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình đảm bảo đo lường.
DACE được thành lập năm 2013, là một trong những công ty hàng đầu về gia vị hữu cơ, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao từ Việt Nam với sứ mệnh “Đưa hương vị Việt Nam chinh phục bàn ăn thế giới”. Các sản phẩm chính của công ty hiện đang xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU có thể kể đến các sản phẩm quế, gừng, nghệ, sả, hồi, ngũ vị hương…
Qua quá trình làm việc, DACE nhận diện các điểm hạn chế chính trong hoạt động đo lường và đề xuất kế hoạch thực hiện chương trình đảm bảo đo lường của Công ty trong giai đoạn 2025-2026. Một số hoạt động chính được đề cập đến như: Xây dựng và ban hành bổ sung quy trình tự kiểm tra các phương tiện đo (cân, nhiệt kế, lò sấy, …), quy trình kiểm soát lượng của hàng đóng gói sẵn; Sửa đổi quy trình đo, thử nghiệm, kiểm tra chất lượng từ giai đoạn tiếp nhận nguyên liệu, qua nghiệm thu, đóng gói, đến giai đoạn lưu trữ và phân phối…; Đầu tư mua sắm 02 bộ quả cân chuẩn để định kỳ kiểm tra các cân trong sản xuất và cân phân tích trong phòng thử nghiệm; Mua máy đo nhiệt độ có dải nhiệt từ -500C – 10000C để kiểm soát nhiệt độ lò sấy, tủ sấy; Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn toàn bộ trang thiết bị đo lường trong sản xuất và thử nghiệm; Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý phòng thử nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IE 17025:2017.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quý Giầu – Trưởng ban Đo lường, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội, Trung tâm Đào tạo và các doanh nghiệp trong việc xây dựng mô hình điểm về chương trình đảm bảo đo lường.
Ông Giầu nhấn mạnh, đảm bảo đo lường đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của doanh nghiệp. Hoạt động đảm bảo đo lường góp phần quan trọng trong xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI).
Thời gian tới đây, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia sẽ chỉ đạo, định hướng cụ thể hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chương trình đảm bảo đo lường.
Toàn cảnh hội thảo.
Trần Huy Nam – Trung tâm Đào tạo