Tuân thủ các quy trình đánh giá tác động chính sách góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (phần 3)

Thứ Ba, Tháng Bảy 16, 2024 | 15:46

Đánh giá tác động của chính sách (ĐGTĐCS) là việc phân tích, dự báo tác động của chính sách được xây dựng đối với nhóm đối tượng khác nhau nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện chính sách (khoản 2 Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). Luật năm 2015 quy định về nội dung đánh giá tác động chính sách tại khoản 2 Điều 35, theo đó “Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phải nêu rõ: vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính; tác động về giới (nếu có)”. Do đó, có thể hiểu ĐGTĐCS theo tinh thần của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP là quá trình phân tích, dự báo về tác động tích cực và tiêu cực của chính sách đang được xây dựng; về chi phí, lợi ích của các giải pháp được dự kiến để thực hiện chính sách đối với các nhóm đối tượng khác nhau, từ đó, so sánh chi phí, lợi ích giữa các giải pháp để đề xuất lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện chính sách nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn phù hợp với mục tiêu chính sách đặt ra.

Theo quy định của Luật năm 2015, ĐGTĐCS có thể tiến hành ở tất cả giai đoạn của quá trình xây dựng VBQPPL: lập đề nghị VBQPPL, soạn thảo VBQPPL, thẩm định, thẩm tra VBQPPL. Theo tinh thần của Luật năm 2015, nhà làm luật khuyến khích các chính sách được xác định, định hướng và đánh giá tác động ngay từ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL. Các chính sách được đề xuất ở giai đoạn này thường lớn và có tính chất định hướng nên cần ĐGTĐCS cẩn thận, toàn diện, từ đó các giải pháp chính sách đưa ra để lựa chọn mới đảm bảo thực sự thiết thực và có hiệu quả thực tiễn. Ở các giai đoạn tiếp theo, có thể phát sinh các chính sách (giải pháp chính sách cụ thể hơn). Các chính sách/giải pháp chính sách này cũng cần phải được đánh giá tác động theo đúng quy trình luật định.

Quy trình ĐGTĐCS theo Luật năm 2015 có sự khác biệt so với Luật năm 2008, khi đánh giá tác động văn bản (RIA) được tiến hành ở 3 thời điểm: RIA sơ bộ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL, RIA đầy đủ khi soạn thảo và RIA sau 03 năm thi hành VBQPPL. Quy định mới của Luật năm 2015 đảm bảo các chính sách được lựa chọn là những chính sách đã được cân nhắc, đánh giá tác động cẩn thận ngay từ khi mới được đề xuất.

Quy trình này gồm 5 bước: (1) Lập kế hoạch ĐGTĐCS; (2) Thực hiện ĐGTĐ của các giải pháp chính sách; (3) Tổng hợp và so sánh kết quả ĐGTĐ của các giải pháp, đề xuất lựa chọn giải pháp; dự thảo Báo cáo ĐGTĐCS; (4) Lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo ĐGTĐCS; (5) Hoàn thiện Báo cáo ĐGTĐCS và trình duyệt Báo cáo.

Trong 5 bước của quy trình ĐGTĐCS có những bước có liên quan chặt chẽ và thực hiện lồng ghép với các công đoạn của quy trình xây dựng chính sách, cụ thể:

Bước 1 – Lập kế hoạch ĐGTĐCS:

Các thông tin đầu vào để lập kế hoạch ĐGTĐCS là kết quả của công đoạn 1 trong quy trình xây dựng chính sách, bao gồm: mô tả vấn đề thực tiễn cần giải quyết, mục tiêu chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách được dự kiến; ngoài ra, ở bước này còn phải xác định các đối tượng chính chịu tác động và đối tượng ảnh hưởng (chịu trách nhiệm tổ chức, thi hành chính sách); xác định các loại tác động chính, phương pháp chính cần sử dụng để ĐGTĐ và xác định các nguồn lực (nhân lực, kinh phí, thời gian vật chất) để thực hiện ĐGTĐCS.

Bước 2 – Thực hiện đánh giá tác động của chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách:

Bước này gồm 3 công việc chính: (1) xác định các chỉ tiêu tác động về kinh tế, về xã hội, về giới cần đánh giá; (2) thu thập số liệu, thông tin, dữ liệu, chủ yếu từ các nguồn có sẵn, đã được công bố chính thức, trong trường hợp cần thiết có thể tiến hành hoạt động khảo sát, điều tra. (3) đánh giá tác động của từng chính sách và các giải pháp dự kiến để thực hiện chính sách theo các chỉ tiêu tác động về kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính đã lựa chọn và dựa trên các thông tin, số liệu dữ liệu đã thu thập và sử dụng các công cụ tính toán, bảng biểu mẫu.

Bước 3 – Tổng hợp kết quả đánh giá tác động của từng chính sách:

Bước này gồm 2 công việc chính: (1) tổng hợp kết quả đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính của các giải pháp thực hiện từng chính sách theo các biểu mẫu tổng hợp; (2) Xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá tác động (Báo cáo ĐGTĐ) của chính sách theo Mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Bước 4 – Lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo ĐGTĐ của chính sách:

Trong quá trình thực hiện các bước và các kỹ thuật ĐGTĐ của chính sách, việc lấy ý kiến các đối tượng liên quan được thực hiện thường xuyên, ngay từ khâu xác định đối tượng chịu tác động, loại tác động cần đánh giá…

Lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo ĐGTĐCS cần được làm trước khi thực hiện lập hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL (hồ sơ đề nghị xây dựng chính sách). Kết quả của Báo cáo ĐGTĐCS là cơ sở để cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng VBQPPL, xây dựng Tờ trình là căn cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất chính sách/giải pháp chính sách.

Bước 5 – Hoàn thiện Báo cáo ĐGTĐCS và Hồ sơ ĐGTĐCS:

Trên cơ sở kết quả của Bước 4, hoàn thiện Báo cáo ĐGTĐ của chính sách và các Phụ lục (số liệu, bảng biểu tính toán) kèm theo.

Báo cáo và hồ sơ ĐGTĐCS là một bộ phận của Hồ sơ lập đề nghị xây dựng VBQPPL được trình cơ quan có thẩm quyền (cơ quan lập đề nghị xây dựng VBQPPL) trong công đoạn 4 của quy trình xây dựng chính sách.

Tóm lại, ĐGTĐCS là công cụ thực hiện dự báo tổng thể và toàn diện các tác động tích cực và tác động tiêu cực của từng chính sách, chi phí – lợi ích của từng giải pháp được dự kiến để thực hiện chính sách, từ đó lựa chọn giải pháp có thể mang lại nhiều lợi ích nhất với chi phí hợp lý nhất đối với các đối tượng chịu sự tác động hay đối tượng phải thực thi chính sách (người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước…)  hoặc giải pháp giúp Nhà nước giải quyết được các vấn đề nhất định của xã hội (tùy thuộc vào mục đích khi lựa chọn chính sách của Nhà nước đối với chính sách đang được đánh giá tác động). ĐGTĐCS đưa ra các kết quả đánh giá rõ ràng, dựa trên các luận cứ, thông tin, dữ liệu công khai, xác thực với sự tham gia góp ý, phản biện của chính các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, các chuyên gia trong lĩnh vực chính sách tác động đến sẽ giúp cho quá trình làm chính sách minh bạch, dân chủ hơn, chất lượng của chính sách được lựa chọn đảm bảo phù hợp, giải quyết vấn đề thực tiễn, tiết kiệm nguồn lực.

 (Hết)

Nguồn: Vụ Pháp chế – Thanh tra