Truy xuất nguồn gốc: Rào cản lớn với doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập
Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Năm 27, 2025 | 15:17 - Lượt xem: 91
Việt Nam hiện được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại, khẳng định vị thế ngày càng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội mở rộng thị trường cũng phải đối mặt với nhiều yêu cầu khắt khe, trong đó nổi bật là vấn đề truy xuất nguồn gốc- tiêu chí ngày càng bắt buộc tại nhiều thị trường.
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở thành tiêu chí bắt buộc tại nhiều thị trường quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng. Ảnh minh họa
Nếu trước đây, truy xuất nguồn gốc chỉ được áp dụng cho một số mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm gỗ… thì hiện nay, yêu cầu này đã mở rộng ra hầu hết các ngành hàng, từ nông sản, thủy sản cho đến hàng dệt may, cơ khí. Điều này không chỉ dừng ở sản phẩm cuối cùng mà còn bao trùm toàn bộ chuỗi cung ứng – từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất đến thành phẩm.
Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đây là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ thống truy xuất đòi hỏi đầu tư bài bản về công nghệ, phần mềm, nhân lực, quy trình quản trị. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế về vốn, kinh nghiệm kỹ thuật, năng lực quản lý chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, việc công khai dữ liệu để phục vụ truy xuất khiến không ít doanh nghiệp lo ngại về rủi ro bảo mật, nhất là các thông tin liên quan đến bí mật thương mại hay dữ liệu cá nhân. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức rõ vai trò sống còn của truy xuất nguồn gốc trong việc tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu bền vững.
Hiện nay, phần lớn quy định về truy xuất nguồn gốc vẫn mang tính tự nguyện, khiến không ít doanh nghiệp chưa chủ động triển khai hoặc chưa muốn đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, yêu cầu truy xuất sẽ ngày càng trở nên bắt buộc và chặt chẽ hơn.
Để tháo gỡ nút thắt này, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm phối hợp xây dựng các giải pháp công nghệ khả thi, chi phí hợp lý, đồng thời thúc đẩy đào tạo, nâng cao nhận thức, xây dựng các quy định hỗ trợ đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường một cách hiệu quả, bền vững hơn.