Truy xuất nguồn gốc – Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Ba 22, 2022 | 17:06 - Lượt xem: 1439

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng.

Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đoàn thanh niên Bộ Công Thương vừa cùng tổ chức Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt”.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Nguyễn Văn Trường – Phó Bí thường trực Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc 3 Bộ, các đoàn thanh niên các Tỉnh, Thành Đoàn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Doãn Trung

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, trong nền kinh tế 4.0, thông tin về sản phẩm hàng hoá từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ đều được theo dõi đến từng bước nhỏ phản ánh toàn diện các yếu tố khách quan. Nguồn thông tin này có thể được dùng vào rất nhiều việc trong đó có việc tối ưu hoá quá trình sản xuất, phân phối, dự báo, tuân thủ quy định xuất nhập khẩu … Nói một cách khác, đó chính là truy xuất nguồn gốc và hoạt động này góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế 4.0.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng nền tảng số được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Lễ kí kết biên bản ghi nhớ phối hợp thực hiện công tác đoàn và phong trào thanh niên.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, hiện nay, chúng ta đang đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động bởi đại dịch COVID-19. Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, hồi phục sau đại dịch và phát triển.

“Truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Tham luận tại hội thảo, ông Lê Nhật Thành – Giám đốc Trung tâm kiểm dịnh thực vật sau nhập khẩu I – Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT chia sẻ về vai trò của truy xuất nguồn gốc trong nâng cao giá trị nông sản Việt xuất khẩu, nhằm đáp ứng các điều kiện bắt buộc tuân thủ trong thỏa thuận kí kết giữa hai cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia về chương trình làm việc/nghị định thư xuất khẩu quả tươi từ Việt Nam sang nước nhập khẩu tương ứng có yêu cầu. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý được những loài dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu theo yêu cầu nhập khẩu của các nước. Kiểm soát được việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản xuất khẩu.

Cũng theo ông Thành, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam vào thị trường có giá trị cao để việc đàm phán mở cửa hàng nông sản vào các thị trường khác được thuận lợi. Qua đó, các cơ quan khác tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Nông nghiệp của Việt Nam được thuận lợi.

Chia sẻ tại Hội thảo, theo ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục TCĐLCL cho biết, hiện nay Việt Nam đã hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy phạm, pháp luật, TCVN, QCVN về truy xuất nguồn gốc và đang tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy truy xuất nguồn gốc, thừa nhận kết quả  truy xuất nguồn gốc lẫn nhau. Bên cạnh đó, với mục tiêu kết nối – chia sẻ và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia đang được Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia triển khai xây dựng, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2022.

Diễn giả Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục TCĐLCL

Cũng theo ông Chính, truy xuất nguồn gốc những năm gần đây đã từng bước góp phần chuyển đổi số trên thực tế doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tạo cơ sở dữ liệu được cập nhật và bổ sung theo thời gian thực giúp thống kê báo cáo chính xác phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng và thực thi chiến lực, chính sách, kế hoạch. Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả đã có những bài tham luận liên quan đến truy xuất nguồn gốc và ứng dụng số hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ sản phẩm Việt, ứng dụng truy xuất nguồn gốc, chuỗi giá trị số hóa, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm sang thị trường Trung Quốc…

Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc – Ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt” được tổ chức bởi Đoàn thanh niên 3 Bộ KH&CN – NN&PTNT – Công Thương cùng sự đồng hành của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia; Nền tảng triển lãm thực tế ảo Techfest 247; Thương hiệu Freshdi…và sự tham gia của các đơn vị thuộc 3 Bộ, các cơ quan báo chí, truyền thông là sự kiện ý nghĩa trong bối cảnh nông sản Việt Nam đang từng bước khẳng định giá trị trên thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Theo VietQ