Truy xuất nguồn gốc – điều kiện để xuất khẩu nông sản thành công vào Trung Quốc
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2019 | 17:15 - Lượt xem: 3982
Trung Quốc có quy định, yêu cầu cao về kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa, chứng nhận chất lượng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sâu bệnh… đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
Vì vậy, việc đáp ứng các yêu cầu, quy định nêu trên là điều kiện tiên quyết nếu hàng nông thủy sản Việt Nam muốn xuất khẩu thành công sang thị trường này.
Tại hội thảo Các yêu cầu liên quan đến Truy xuất nguồn gốc mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức mới đây, ông Trần Minh Hồng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Chứng nhận và kiểm định Trung Quốc (CCIC) cho biết, từ năm 2011 Trung Quốc đã có quy định và chính sách truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các mặt hàng như: sữa bột, thịt, rau củ, rượu bia, thực phẩm chức năng đã được đưa vào danh sách truy xuất nguồn gốc điện tử. Tiếp theo hàng loạt các mặt hàng nông sản, dược phẩm, vắc xin… cũng được quốc gia này áp dụng truy xuất nguồn gốc. Năm 2018 Trung Quốc chính thức thiết lập luật truy xuất tại quốc gia này.
“Để điều chỉnh thêm các vấn đề liên quan đến việc quản lý truy xuất nguồn gốc mặt hàng trái cây nhập khẩu, từ ngày 1/4/2018 doanh nghiệp nhập khẩu phải báo cáo cho cửa khẩu nhập cảnh các tài liệu quản lý truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm nhập khẩu. Từ 1/5/2018 trái cây nhập khẩu phải được kiểm tra thực tế, trái cây nào không có thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng trên bao bì sẽ được xem là sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, sẽ được trả lại hoặc tiêu hủy theo quy định”, ông Hồng cho hay.
Theo ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, việc thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với CCIC cùng nhau xây dựng và khai thác hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc vào hồi tháng 7/2019 đã là một bước triển khai rất tích cực của Việt Nam nhằm thúc đẩy các hoạt động giúp thuận lợi hóa cho hoạt động xuất khẩu.
“Bước đầu, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam sẽ được thực hiện trên các mặt hàng hoa quả, trái cây. Các loại hoa quả Trung Quốc đã yêu cầu sẽ được áp dụng thực hiện theo lộ trình: thanh long, chôm chôm, xoài (tháng 8-9), sầu riêng (tháng 11-12). Riêng mảng thủy sản để sang đầu năm 2020”, ông Chính cho biết.
Đề cập đến hoạt động xúc tiến nghiệp vụ truy xuất nguồn gốc với sản phẩm nhập khẩu của hai nước Việt Nam – Trung Quốc, ông Hồng cho biết hai bên sẽ tích hợp chung hệ thống truy xuất và sử dụng một mẫu tem chung. Việc này sẽ giúp hải quan, doanh nghiệp hai nước thuận lợi trong việc thực hiện khả năng giám sát của các cơ quan chức năng và nhu cầu kiểm tra thông tin của người tiêu dùng.
Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ hàng nông, thủy sản số 1 của Việt Nam chiếm tỷ trọng 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước năm 2018. Tuy nhiên, nhiều yêu cầu ngày càng chặt chẽ được ra với hàng xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo các cam kết khi gia nhập các tổ chức quốc tế và khuôn khổ luật pháp quốc tế, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng nông sản nhập khẩu nhằm bảo hộ thị trường và ngành sản xuất trong nước, đối với những lô hàng ngoài hạn ngạch nhập khẩu sẽ bị áp thuế rất cao so với hàng nhập khẩu trong hạn ngạch. Mặt khác, việc mở cửa thị trường các quốc gia này cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu (như mặt hàng trái cây) của Việt Nam cũng cần trải qua các quy trình về đánh giá rủi ro dịch bệnh và căn cứ theo thứ tự ưu tiên đối với từng mặt hàng riêng lẻ với thời gian dài trước khi có thể ký kết Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính thức (thông thường mất từ 3-4 năm để hoàn tất thủ tục cho 1 loại mặt hàng). Ngoài một số quy định theo thông lệ quốc tế, Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây (như động thái gần đây của thị trường Trung Quốc) đối với nông thủy sản nhập khẩu. Cụ thể, chỉ định cửa khẩu nhập khẩu, bao gồm cửa khẩu đường bộ, hàng không và đường thủy đối với các mặt hàng cụ thể như trái cây, thủy sản, lương thực… Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đối với nông thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nước xuất khẩu. |
Bảo Anh