Truy xuất nguồn gốc để xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Năm 7, 2019 | 8:43 - Lượt xem: 1433
Khi thu nhập ngày càng cao thì người dân sẽ có xu hướng sử dụng thực phẩm sạch ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thực phẩm an toàn và cơ chế kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là chưa hình thành cơ chế vận hành liên kết chuỗi; các hộ dân, cơ sở sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn ít…
Thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, nguồn hàng nông sản do thành phố tự cung cấp tương đối hạn chế, chỉ chiếm khoảng 20%. Dù vậy, hoạt động liên kết cung ứng nông sản giữa thành phố và các địa phương vẫn còn diễn ra một cách ngẫu nhiên, thiếu chặt chẽ. Trong đó, thị phần bán lẻ chiếm khoảng 75% (bao gồm các chợ truyền thống, chợ vỉa hè…), số còn lại là thông qua kênh bán lẻ hiện đại, chiếm 25%.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 5.000 trang trại, 68 hợp tác xã và gần 230 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay, số lượng nông sản được tham gia vào các chuỗi tiêu thụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chủ yếu do sản phẩm có tính cạnh tranh thấp. Theo các chuyên gia, để bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng, thành phố cần liên kết chặt chẽ tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam đi vào thực chất, có chiều sâu; hình thành các chuẩn mực cho hàng hóa như VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi…
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho biết: “Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm, tìm kiếm và mua sắm các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có đầy đủ các chứng nhận về chất lượng. Đối với mặt hàng rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay ưa chuộng và tìm mua những sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, được nuôi trồng, sơ chế và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm, tìm kiếm và mua sắm các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (ảnh minh họa)
Trước sự chuyển biến về nhận thức của người tiêu dùng, sự kiên quyết trong kiểm soát VSATTP của thành phố, đòi hỏi các cơ sở, đơn vị sản xuất cần phải có sự thay đổi trong tư duy để nông sản, thực phẩm có thể chinh phục người tiêu dùng, xâm nhập thị trường thành phố một cách bền vững. Trong đó, trọng tâm là xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người sản xuất”.
Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đang triển khai các phương pháp để thực hiện thống nhất các tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường thành phố. Hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố ký hợp đồng bao tiêu và chỉ tiếp nhận, tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất; gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố.
Để cụ thể hóa những mục tiêu nêu trên, trong năm nay, Sở Công thương thành phố tiếp tục triển khai kết nối cung – cầu hàng hóa giữa nhà sản xuất với hệ thống phân phối thị trường nội địa; tập trung đẩy mạnh công tác sơ chế tại nguồn đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm trước khi đưa vào thị trường thành phố và tiến đến truy xuất nguồn gốc để xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả…
TH (t/h theo nhandan.com.vn)