Trụ cột giúp tăng năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thứ Năm, Tháng Một 14, 2021 | 14:01
Theo nghiên cứu của Viện Năng suất Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), có bốn trụ cột giúp tăng năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 36/QĐ/TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhân dịp này, TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL đã có những chia sẻ với Chất lượng Việt Nam Online về mục tiêu cũng như các giải pháp thực hiện hiệu quả kế hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt ban hành.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 36/QĐ/TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030. Phó Tổng cục trưởng có thể cho biết về vai trò của Bộ KH&CN nói chung và Tổng cục TCĐLCL nói riêng trong việc triển khai kế hoạch này?
Đây là bản kế hoạch đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt liên quan tới vấn đề năng suất. Trước đó, tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Thủ tướng đã đề nghị các Bộ KH&CN và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng thể để thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sau đó, Thủ tướng cũng có Chỉ thị giao cho Bộ KH&CN thực hiện việc này.
Trước tình hình đó, Bộ KH&CN cũng đã đề xuất với Tổ chức Năng suất châu Á (APO) hỗ trợ cho Việt Nam một dự án nghiên cứu về vấn đề trên. Cùng với Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) tham gia triển khai dự án này. Sau gần một năm nghiên cứu, chúng tôi cũng đã xây dựng được báo cáo hoạt động thúc đẩy năng suất tại Việt Nam dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đối với các chuyên gia nghiên cứu của KDI thì đây cũng là một nhiệm vụ rất mới và cũng là thách thức mới đối với họ. Tuy nhiên, qua một năm phối hợp nghiên cứu cùng với các bộ, ngành, cơ quan thì chúng ta đã xây dựng được báo cáo. Trên cơ sở của báo cáo này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030. Trong kế hoạch, Thủ tướng đã giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) là cơ quan chủ trì để triển khai.
Thời gian tới, Tổng cục sẽ triển khai những hoạt động, giải pháp nào nhằm thực hiện các mục tiêu mà kế hoạch đề ra?
Bản kế hoạch mới được Thủ tướng phê duyệt là bản kế hoạch tổng thể bao trùm gần như tất cả các vấn đề như: Làm sao để chúng ta tăng cường, nâng cao năng suất? Làm sao để chúng ta hình thành các phong trào năng suất ở các địa phương, các tập đoàn, các cơ sở giáo dục? Làm sao để chúng ta thúc đẩy năng suất trở thành động lực để tăng trưởng kinh tế?
Để thực hiện được việc này, đầu tiên Bộ KH&CN sẽ cùng với các bộ, ngành ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai kế hoạch của Thủ tướng. Đồng thời, với các địa phương, Thủ tướng cũng giao chỉ định đầu mối để triển khai thực hiện kế hoạch này. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các kế hoạch chi tiết nhằm triển khai kế hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 36/QĐ/TTg.
Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng của đổi mới sáng tạo là một định hướng mới được nêu ra trong kế hoạch, Phó Tổng cục trưởng có thể nói rõ hơn về nội hàm định hướng này?
Như các bạn đã biết, khi đề cập đến năng suất chúng ta thường nói đến năng suất lao động, năng suất vốn và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Trong bối cảnh năng suất lao động và năng suất vốn bị giới hạn về nguồn lực và không còn nhiều dư địa để khai thác, thì năng suất tăng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (hay nói cách khác là tăng năng suất dựa trên TFP) là một động lực vô hạn. Đó cũng chính là ý tưởng để chúng tôi xây dựng nên kế hoạch này.
Làm thế nào để chúng ta tăng năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo? Trả lời cho câu hỏi này, theo nghiên cứu của Viện Năng suất Việt Nam và KDI thì có bốn trụ cột.
Trụ cột đầu tiên là chúng ta cần quan tâm là thúc đẩy năng suất trong các tập đoàn, tổng công ty. Ngay trong quyết định của Thủ tướng cũng chỉ ra là từ nay đến năm 2030 chúng ta phải cùng với một số tập đoàn, tổng công ty xây dựng nên kế hoạch năng suất cho chính tập đoàn, tổng công ty đó.
Trụ cột thứ hai là việc thúc đẩy năng suất trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Làm sao để kéo gần khoảng cách giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp FDI. Đây cũng là nội dung mà Tổng cục TCĐLCL phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian vừa qua. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ triển khai các dự án, các chương trình để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất.
Trụ cột thứ ba mà chúng tôi đánh giá có vai trò hết sức quan trọng trong kế hoạch là trụ cột về giáo dục, đào tạo. Đối với chương trình năng suất chất lượng thì chúng ta cũng đã có thử nghiệm hoạt động đào tạo năng suất ở các trường cao đẳng, các trường nghề.
Qua quá trình thử nghiệm đã cho kết quả rất tốt. Chính vì vậy chúng tôi muốn kế hoạch lần này đưa hoạt động giáo dục, đào tạo lên một mức cao hơn nữa. Chúng ta sẽ khuyến khích các trường đại học xây dựng các chương trình đào tạo về năng suất, đặc biệt là hình thành các câu lạc bộ sinh viên vể năng suất hay tổ chức các cuộc thi về năng suất cho sinh viên để làm sao tạo thành phong trào năng suất trong sinh viên.
Trụ cột thứ tư chính là vai trò của Bộ KH&CN cũng như trách nhiệm của Tổng cục TCĐLCL trong việc chúng ta xây dựng, thiết kế các công cụ quản trị năng suất trong bối cảnh hội nhập, chuyển đổi số. Đặc biệt là các công cụ về sản xuất thông minh, quản trị số, các bộ tiêu chuẩn quản lý về đổi mới sáng tạo. Ví dụ như trong kế hoạch lần này Thủ tướng cũng nêu chúng ta tập trung triển khai mạnh bộ tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo.
Đó là 4 trụ cột mà trong quyết định của Thủ tướng cũng đã nêu rất rõ. Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung hoàn thiện các hành lang pháp lý cũng như tăng cường hoạt động tuyên truyền về năng suất, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực từ các chuyên gia nước ngoài…
Từ nay đến năm 2030, mục tiêu của kế hoạch là hình thành câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 10-20 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp? Vậy để đạt được mục tiêu này Tổng cục sẽ có những giải pháp nào?
Chúng tôi đã thực hiện chương trình hợp tác với các trường đại học như Trường đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân và một số trường đại học khác.
Trước đây chúng ta thường tập trung nhiều vào đào tạo các công cụ, các hệ thống năng suất cho các doanh nghiệp hoặc đối tượng làm trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đào tạo năng suất như vậy chưa phải là căn cốt mà chúng ta cần hướng mục tiêu đào tạo vào chính các em sinh viên. Bởi vì chính các em sinh viên sẽ là lực lượng lao động của xã hội trong tương lai.
Khi nội dung về năng suất được đưa vào chương trình đào tạo tại các trường đại học thì các em sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức hết sức bổ ích. Tổng cục trong thời gian tới sẽ phối hợp với các trường trong việc đào tạo thực hành cho các em sinh viên. Các em sinh viên có thể tham gia tư vấn tại doanh nghiệp cùng với các chuyên gia của Viện Năng suất, chuyên gia của Tổng cục TCĐLCL để tăng cường kiến thức cả về lý thuyết và thực hành.
Chúng tôi cũng khuyến khích hình thành các câu lạc bộ năng suất trong sinh viên, các cuộc thi sinh viên về năng suất để các em có cơ hội trao đổi, học hỏi, cùng nhau nâng cao kiến thức về năng suất chất lượng. Đây là công cụ, kiến thức vô cùng quý báu cho các em trong quá trình tham gia vào các doanh nghiệp, làm việc tại các doanh nghiệp về sau.
Phó Tổng cục trưởng đánh giá như thế nào về vai trò, định hướng hoạt động truyền thông trong thực hiện mục tiêu của kế hoạch (tổ chức diễn đàn năng suất, xây dựng tạp chí chuyên ngành về năng suất, xây dựng báo cáo năng suất…)
Đây là những hoạt động hết sức quan trọng. Chúng ta biết rằng Tổ chức Năng suất châu Á (APO) xác định có 4 nhóm chuyên gia năng suất. Đầu tiên là nhóm chuyên gia nghiên cứu năng suất. Nhóm thứ hai là chuyên gia đào tạo năng suất. Nhóm thứ ba là chuyên gia nghiên cứu chính sách năng suất. Nhóm thứ tư là chuyên gia quảng bá năng suất.
Trong đó, nhóm chuyên gia quảng bá về năng suất là nhóm/lĩnh vực hết sức quan trọng và là một trong 4 nhóm chuyên gia được APO chứng nhận. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động quảng bá về năng suất vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ.
Hiện nay, tại nhiều quốc gia, năng suất đã trở thành phong trào. Muốn năng suất trở thành phong trào thì bên cạnh các chuyên gia về tư vấn, chuyên gia đào tạo, chuyên gia nghiên cứu chính sách thì chúng ta cần có những chuyên gia quảng bá về năng suất. Chính vì vậy, chúng tôi cũng đánh giá trụ cột về quảng bá năng suất là một trụ cột quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch này.
Có thể thấy, trong năm 5 năm vừa qua, chúng ta đã có báo cáo năng suất Việt Nam nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta sẽ nâng tầm báo cáo này lên tương tự như báo cáo năng suất của các quốc gia khác.
Hàng năm, chúng ta cũng sẽ tổ chức các diễn đàn về năng suất, đây cũng là một cơ hội để các nhà chính sách, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đào tạo năng suất cũng như các chuyên gia quảng bá năng suất gặp gỡ để cùng trao đổi, cùng thảo luận, tìm giải pháp thúc đẩy phong trào năng suất tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng báo cáo, đề xuất với Thủ tướng rằng chúng ta cần có một tạp chí chuyên ngành về năng suất. Đây cũng là một kênh quan trọng để chúng ta thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về năng suất, quy mô nền kinh tế, quy mô nền công nghiệp, quy mô doanh nghiệp…
Trong những nhiệm vụ và giải pháp mà kế hoạch đề ra có đề cập tới việc xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chuyên gia năng suất của Việt Nam. Xin Phó Tổng cục trưởng cho biết, từ cơ sở (hiện trạng) như thế nào mà kế hoạch đề xuất nhiệm vụ này?
Việc này xuất phát từ hệ thống đánh giá chuyên gia năng suất của APO mà Việt Nam đang dự kiến trở thành 1 trong 3 thành viên đầu tiên được chỉ định là tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất của Tổ chức năng suất quốc tế. Chúng tôi đang tiến hành đánh giá cho 6 chuyên gia năng suất quốc tế đầu tiên ở Việt Nam và đang đợi sự phê chuẩn của APO.
Tuy nhiên, qua quá trình vừa rồi chúng ta tiến hành đánh giá các chuyên gia năng suất theo trình độ, tiêu chí mà APO đưa ra thì kết quả cho thấy rất khó để chuyên gia năng suất của Việt Nam đạt được trình độ như vậy.
Chính vì vậy chúng tôi đã đề xuất trong kế hoạch rằng chúng ta cần có một bước trung gian, xây dựng tiêu chí cho chuyên gia năng suất Việt Nam phù hợp với chuẩn mực của chuyên gia năng suất quốc tế, đáp ứng các yêu cầu hiện tại của Việt Nam để tạo thành bước đệm để chúng ta hình thành nguồn để tạo ra lực lượng chuyên gia năng suất quốc tế. Đây cũng là công việc quan trọng cần thực hiện mà kế hoạch nêu ra.
Xin cảm ơn ông!
Hán Hiển