Trọng tâm chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp
Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Mười 10, 2022 | 11:29 - Lượt xem: 698
Trọng tâm của chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua phổ cập dịch vụ trực tuyến; phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.
Theo thống kê mới nhất của Cục Chuyển đổi số quốc gia, tính đến tháng 6/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng so với mức 9,6% cuối năm 2021. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra là 20% GDP vào năm 2025…
Vì vậy, năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, với những hành động cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Về chuyển đổi số tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Khối nghiệp vụ doanh nghiệp và tư vấn giải pháp FPT Digital khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành hướng đi chiến lược cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp nên bắt đầu bằng cách xác định lộ trình phù hợp; thiết lập cơ cấu tổ chức chuyên trách điều hành giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi số. Tiếp đó là tận dụng xu hướng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu chi phí, cùng với quá trình phối hợp các đơn vị chuyên môn nhằm tháo gỡ những vướng mắc…
“Chuyển đổi số không phải là đích đến mà là một hành trình dài theo cùng sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Minh tổng kết.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc tăng trưởng GapoWork cho biết, hoạt động chuyển đổi của doanh nghiệp nên tập trung từ khâu quản trị, giám sát đến kiến tạo môi trường làm việc số. Không gian làm việc số cung cấp cho nhân viên các công cụ, nền tảng và dịch vụ công nghệ thông tin để làm việc mọi lúc, mọi nơi, từ đó thúc đẩy năng suất. Nếu không có không gian làm việc số, việc chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ gặp hàng loạt trở ngại, như: Độ trễ và sự minh bạch trong trao đổi công việc giữa các cấp; chất lượng, tốc độ phối hợp công việc bị hạn chế; tính liên thông dữ liệu kém hơn, phát sinh nhiều tác vụ thủ công, tốn nguồn lực và tạo nhiều lỗ hổng trong đồng bộ thông tin…
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia nêu rõ, định hướng trọng tâm của chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua phổ cập dịch vụ trực tuyến; phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.
Cổng chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, cung cấp thông tin, công cụ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong hành trình chuyển đổi số. Cổng được tích hợp nhiều chuyên trang với những thông tin hữu ích, như: Cẩm nang chuyển đổi số dành cho mọi người; chuyên trang về chính phủ số cho cơ quan nhà nước; chuyên trang SMEdx dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chuyên trang xã hội số cho người dân.
Đáng chú ý, tại cổng dx.gov.vn, Bộ Thông tin và Truyền thông tập hợp, đăng tải các bài toán, câu chuyện chuyển đổi số, đồng thời, cung cấp những khóa bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch; hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người dân…
“Bộ Thông tin và Truyền thông đã hành động và sẽ hành động để cùng đồng hành với các tổ chức, cá nhân trên hành trình chuyển đổi số. Những kết quả trên có thể chưa làm thỏa mãn kỳ vọng, nhưng Bộ hy vọng nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng để chúng ta cùng nhau tạo nên một câu chuyện đáng để kể về chuyển đổi số Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Theo VietQ