Triển khai dự án thí điểm truy xuất nguồn gốc cho trái thanh long

Thứ Tư, Tháng Sáu 29, 2022 | 9:49

Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Châu Á – ADB tổ chức phiên họp thường niên các nhóm làm việc của ADB về nông nghiệp tại khu vực tiểu vùng sông Mekong lần thứ 19. Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia tham gia với vai trò phụ trách kĩ thuật triển khai thí điểm mô hình truy xuất nguồn gốc.

Phiên họp có sự tham gia của các chuyên gia ADB, đại diện các nước tham gia dự án (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc), các chuyên gia kỹ thuật chuyên môn, nhóm tư vấn TA 9916 và doanh nghiệp liên quan.

Đại diện Việt Nam có Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn và ông Jiangfeng Zhang – Giám đốc Ban Môi trường, Tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp của ADB đã có bài phát biểu khai mạc. Phiên họp gồm 8 phiên báo cáo từ 8 nhóm làm việc của dự án GMS chia sẻ tình hình chung, tiến độ thực hiện và kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai dự án.

Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia tham gia với vai trò phụ trách kĩ thuật triển khai thí điểm mô hình truy xuất nguồn gốc. Tại phiên làm việc, Trưởng nhóm tư vấn TA 9916, ông Stewart Pittaway đã giới thiệu về hoạt động của dự án TA 9916 và các định hướng trong tương lai.

Bà Vichelle Roaring báo cáo tình hình triển khai thí điểm cho dự án mô hình thí điểm Truy xuất nguồn gốc xuyên biên giới cho nông sản đạt chứng nhận GAP tại Việt Nam – Thái Lan – Trung Quốc.

Trong khuôn khổ kỳ họp, dự án thí điểm cũng tổ chức buổi họp khai mạc triển khai thí điểm. Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) tin tưởng truy xuất nguồn gốc là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.

“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc và kinh nghiệm quốc tế từ tổ chức mã số mã vạch – GS1, GS1 Việt Nam trong vai trò phụ trách kĩ thuật có thể giúp dự án hoàn thành mục tiêu đặt ra, giúp nông sản an toàn của Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế”, ông Linh nhấn mạnh.

Đại diện phụ trách kỹ thuật của dự án, ông Bùi Bá Chính – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã đưa ra kế hoạch tổng thể triển khai dự án. Sau cuộc họp, đoàn đã có buổi tham quan, khảo sát, đánh giá tại một số doanh nghiệp, vườn thanh long có khả năng tham gia dự án.

Dự án hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc trong quản lý an toàn và chất lượng thuộc Chương trình Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực tại các nước Tiểu vùng Mekong của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia phối hợp thực hiện triển khai.

Dự án thí điểm nhằm mục đích áp dụng truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi cung ứng nông sản, từ đó giảm thiểu rủi ro trong hệ thống cung ứng thực phẩm, đồng thời giải quyết những thách thức của các quy định mới, chặt chẽ hơn về thương mại xuyên biên giới.

Các doanh nghiệp tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ áp dụng truy xuất nguồn gốc, nông nghiệp bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm; áp dụng hệ thống TXNG theo tiêu chuẩn toàn cầu GS1; đăng kí mã định danh quốc tế GS1, mã vùng trồng, mã xưởng; được cấp lại chứng chỉ GAP và tham gia các khóa đào tạo về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, các yêu cầu về nhập khẩu của Trung Quốc.

Bảo Anh