Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Sáu 14, 2022 | 14:14 - Lượt xem: 1052
Sở KH&CN tỉnh Hậu Giang vừa có thông báo về việc tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn năm 2022.
Theo Sở KH&CN tỉnh Hậu Giang, nhằm phát huy kết quả đạt được, nhất là ngày càng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh, Sở KH&CN thông báo để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2022”.
Đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp (kể cả Hợp tác xã) sản xuất các sản phẩm công nghiệp được xác định giữ vai trò đột phá trong quá trình phát triển như công nghiệp chế biến (chế biến rau quả, thủy sản…); công nghiệp chế tạo (ngành cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản…); sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh; quần áo may sẵn, giày da, hàng tiêu dùng…
Về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, Chương trình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, mức hỗ trợ như sau:
Chi hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP…; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh;
Chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa: Mức chi hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện và tối đa không quá 65.000.000 đồng/hệ thống/doanh nghiệp/năm (tối đa không quá 35.000.000 đồng đối với tư vấn xây dựng hệ thống, 30.000.000 đồng đối với đánh giá chứng nhận);
Chi hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, Six Sigma, các công cụ thống kê…), công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố: Mức chi hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện và tối đa không quá 50.000.000 đồng/công cụ/doanh nghiệp/năm;
Chi hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, quy chuẩn kỹ thuật: Mức chi hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện chứng nhận sản phẩm, hàng hóa và tối đa không quá 5.000.000 đồng/sản phẩm;
Chi hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Mức chi hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện nhưng tối đa không quá 15.000.000 đồng/năm đối với doanh nghiệp tham gia và đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng.
Tổ chức khóa đào tạo chuyên gia đạt trình độ chuyên gia tư vấn về hệ thống quản lý chất lượng, năng suất chất lượng; Tổ chức 1 khóa đào tạo kiến thức về truy xuất nguồn gốc, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP… cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Liên quan tới vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Hậu Giang trước đó cũng ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo kế hoạch, các nội dung hỗ trợ nhằm triển khai thực hiện và cụ thể hóa mục tiêu của Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 và Quyết định 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 phù hợp với tình hình của tỉnh.
Mục tiêu đặt ra là hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn, trọng tâm là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.
Đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp (kể cả hợp tác xã) sản xuất sản phẩm công nghiệp được xác định giữ vai trò đột phá trong quá trình phát triển như công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh, quần áo may sẵn, giày da, hàng tiêu dùng…
Giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh hỗ trợ 24 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP…; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Hỗ trợ 16 doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, Six Sigma các công cụ thống kê…), công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố. Trong đó, có 8 sản phẩm của doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia. Đồng thời, các Sở còn tổ chức khác khóa đào tạo về hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc…
Tiếp theo giai đoạn 2026 – 2030 tiếp tục hỗ trợ cho 30 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP…; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Đồng thời, UBND tỉnh hỗ trợ 20 doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, Six Sigma, các công cụ thống kê…). 10 sản phẩm của doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, quy chuẩn kỹ thuật và 5 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia.
Qua đó, những ngành hàng mà UBND tỉnh hết sức quan tâm, xác định giữ vai trò đột phá trong quá trình phát triển như công nghiệp chế biến (chế biến rau quả, thủy sản…); công nghiệp chế tạo (ngành cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản…); sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh; quần áo may sẵn, giày da, hàng tiêu dùng…
UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, nguồn kinh phí tổng cho kế hoạch là hơn 7,2 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 là hơn 3,2 tỷ, giai đoạn 2 là hơn 4 tỷ đồng. UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan, tổ chức thực hiện chính sách của chương trình 1322 cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi địa phương.
Phong Lâm (theo VietQ)