Tràn lan kẹo cao su cuộn Hubba Bubba giả

Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Ba 18, 2019 | 11:07 - Lượt xem: 2277

Đánh trúng tâm lý hiếu kỳ, thích những đồ vật màu sắc, kiểu dáng lạ mắt, các nhà sản xuất cho ra đời các sản phẩm bánh kẹo hấp dẫn dành cho trẻ em. Thời gian gần đây, kẹo cao su Hubba Bubba nổi lên như một “hiện tượng” được trẻ em đặc biệt yêu thích và sử dụng.

Kẹo cao su cuộn Hubba Bubba là những sản phẩm có xuất xứ từ Đức, Mỹ…, bắt đầu du nhập nhiều vào Việt Nam khoảng nửa năm trở lại đây. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng được sở hữu những loại đồ ăn “chuẩn đét”, xách tay từ nước ngoài về. “Ăn theo” trào lưu này, gần đây trên thị trường Việt Nam xuất hiện rất nhiều sản phẩm giả, nhái, không đảm bảo chất lượng.

Qua khảo sát ở các nơi bán lẻ như các cổng trường tiểu học bày bán thì có 3 loại kẹo Bubba này với nguồn gốc xuất xứ là 3 nơi khác nhau với giá tiền khác nhau: Loại thứ nhất (được cho là xuất xứ từ Mỹ, Úc hay Đức) với giá tiền lên đến 60.000 đồng, vỏ ngoài được thiết kế khá chắc chắn, ruột bên trong có mùi thơm dịu nhẹ; loại thứ hai (được cho là xuất xứ Thái Lan) với giá tiền từ 20-30.000 đồng, mùi thơm nồng hơn, có nhiều bột trắng phủ lên kẹo; loại thứ ba (không ghi rõ nguồn gốc) có giá 3.000 đồng, kích thước bé, vỏ ọp ẹp, ruột kẹo mềm, dễ mủn.

Điều đáng nói, sau khi tiến hành check mã vạch của 3 loại kẹo này đều không ra kết quả về sản phẩm. Người bán hàng chia sẻ: “Trước đây kẹo Bubba này hiếm lắm, mà giá cũng đắt, gần 100 ngàn đồng 1 hộp. Mấy tháng gần đây loại kẹo này được trẻ con yêu thích nên hàng về nhiều, giá cả cũng rẻ hơn”. Tuy nhiên khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ có chuẩn “xịn” hàng Đức, Mỹ hay không thì người bán hàng không dám khẳng định.

Trước hiện trạng đó, chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải (Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khuyến cáo, phụ huynh cần phải hiểu rõ những tác động, hậu quả khôn lường của chất hóa học, chất bảo quản đến sức khỏe con trẻ. Đừng vì chiều con, thấy con đòi mà vô hình chung đã “tự tay” làm hại con. Không chỉ là gia đình mà nhà trường cũng cần phải có những hình thức tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tránh xa đồ ăn bẩn.

“Cách tuyên truyền tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của học sinh hiện nay là chính cha mẹ học sinh phải dạy con, thậm chí là răn đe để con từ bỏ thói quen ăn quà vặt cổng trường và nơi công cộng”, bà Hải cho hay. Tại Việt Nam chưa có vụ việc nào trẻ tử vong do ăn đồ ăn vặt bán tại các cổng trường, song những trường hợp trẻ ăn quà vặt dẫn đến rối loạn tiêu hoá, bị các bệnh về đường ruột… không phải là không có.

Ngoài ra, để giảm thiểu tối đa những hậu quả đáng tiếc, các cơ quan chức năng, cấp ngành địa phương cần phối hợp với cơ quan y tế, trường học tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng cần phải giám sát, kiểm tra thường xuyên các cơ sở ăn uống xung quanh trường học, giải quyết triệt để vấn đề về hàng hóa, nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

TH