TPI – giúp ngành công nghiệp bứt phá năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh

Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Sáu 10, 2025 | 11:05 - Lượt xem: 75

Mô hình cải tiến năng suất tổng thể (TPI) được xem là công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là khối công nghiệp nâng cao năng suất nội tại, cải thiện hiệu quả vận hành và phát triển bền vững.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ theo xu hướng số hóa, xanh hóa và tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành Công Thương nói riêng đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt. “Muốn đứng vững, doanh nghiệp không thể trông chờ mãi vào lợi thế lao động giá rẻ hay khai thác tài nguyên mà phải chuyển sang phát triển dựa trên năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo”, ông Lâm nhấn mạnh.

Áp dụng TPI giúp ngành công nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và gia tăng năng lực cạnh tranh.

Từ yêu cầu đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam triển khai mô hình cải tiến năng suất tổng thể (Total Productivity Improvement – TPI) trong nhiều doanh nghiệp công nghiệp. Không giống các công cụ cải tiến đơn lẻ như ISO, Kaizen, Lean hay 5S, TPI là một hệ thống cải tiến đồng bộ từ cấp chiến lược đến hành động cụ thể, từ lãnh đạo đến từng nhân viên. Mô hình cung cấp phương pháp tiếp cận toàn diện, hệ thống và linh hoạt, tác động sâu đến các yếu tố nền tảng như chiến lược, công nghệ, con người, quy trình và quản trị nhằm nâng cao năng suất một cách bền vững.

Đặc biệt, trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp vốn yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao, đổi mới công nghệ liên tục và mức độ hài lòng khách hàng ngày càng khắt khe TPI được đánh giá là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả vận hành, tối ưu chi phí và củng cố năng lực cạnh tranh trong nước lẫn quốc tế.

Dữ liệu thực tiễn cho thấy, từ năm 2018 đến 2021, mô hình TPI đã được triển khai tại 21 doanh nghiệp thuộc các ngành dệt may, nhựa, cơ khí, hóa chất, thép, da giày, năng lượng và điện tử. Kết quả cho thấy năng suất lao động tăng từ 15-30%, chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng, mức độ hài lòng của khách hàng được cải thiện rõ rệt và đặc biệt, tư duy cải tiến được lan tỏa tới từng bộ phận trong doanh nghiệp.

Tiếp nối thành công đó, giai đoạn 2 của chương trình đã chọn 6 doanh nghiệp ngành Công Thương để áp dụng điểm mô hình TPI. Bước đầu, mô hình tiếp tục chứng minh tính khả thi và hiệu quả trong việc nâng cao năng suất chất lượng tổng thể, từ đó tạo động lực nhân rộng trong toàn ngành.

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, việc triển khai TPI không chỉ là áp dụng kỹ thuật, mà là thay đổi tư duy phát triển doanh nghiệp hiện đại: lấy đổi mới làm trung tâm, lấy con người làm động lực và lấy giá trị khách hàng làm mục tiêu. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Duy Trinh