Tổng thư ký APO: Kế hoạch tổng thể về năng suất sẽ tháo gỡ nút thắt trong tăng trưởng tại Việt Nam
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Tám 21, 2020 | 17:15 - Lượt xem: 1026
Thưa ông, APO hiện đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổng thể quốc gia về năng suất hướng đến phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, vậy theo ông kế hoạch này sẽ tác động như thế nào đến tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong 10 năm tới?
Kế hoạch tổng thể về năng suất quốc gia là sáng kiến của APO nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên xây dựng các mục tiêu, chiến lược và hành động giúp nâng cao năng suất. Kế hoạch tổng thể về năng suất cũng góp phần đưa năng suất vào các chương trình phát triển quốc gia, tăng cường vai trò của năng suất đối với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi nền kinh tế thành viên APO. Trong lĩnh vực này, APO đã hỗ trợ Lào, Campuchia, Fiji, Bangladesh và Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể về năng suất hướng đến phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo.
Mặc dù phải mất nhiều năm mới có thể thấy được tác động của kế hoạch tổng thể đối với Việt Nam, tuy nhiên một khi đã được triển khai, Kế hoạch tổng thể sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái nâng cao năng suất, góp phần tháo gỡ những nút thắt lớn trong tăng trưởng năng suất tại Việt Nam ở khía cạnh đổi mới sáng tạo, phát triển kỹ năng và năng lực kỹ thuật vững chắc. Cụ thể hơn, Kế hoạch tổng thể sẽ đề xuất các hành động cần phải được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, xây dựng năng lực hấp thụ vốn con người, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông và hạ tầng logistic, bố trí và phân bổ các nguồn lực. Đây cũng là những nội dung quan trọng mà Việt Nam cần theo đuổi để có thể đi tắt đón đầu nhằm tối đa hóa các lợi thế của một nước đi sau.
Ông đánh giá thế nào về các hoạt động năng suất của Việt Nam trong những năm gần đây và vai trò của Việt Nam trong APO kể từ khi gia nhập?
Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng nhanh GDP bình quân trên đầu người có thể bắt nguồn từ tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Trong khi đó, vấn đề nghèo đói từng xảy ra ở hơn một nửa dân số của Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể và chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam đã cao hơn trước kia nhiều. Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đi kèm với sự hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế toàn cầu.
Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và việc triển khai áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại doanh nghiệp là ví dụ điển hình cho cách tiếp cập phong trào năng suất dưới sự chỉ đạo của nhà nước. Hiện tại, Việt Nam đang ở bước ngoặc của công cuộc đổi mới và phát triển. Các động lực tăng trưởng năng suất truyền thống đang dần trở nên suy yếu. Việc xác định các động lực tăng trưởng mới là chìa khóa để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và chuyển đổi thành công sang nhóm các nước có thu nhập cao hơn.
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế, ông nghĩ thế nào về mục tiêu trên và APO có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam để đạt được mục tiêu đó?
Chuyển đổi số nên được coi là một công cụ để đạt được tăng trưởng bao trùm và bền vững chứ không nên là một mục tiêu. Nếu có định hướng rõ ràng về lộ trình tăng trưởng kinh tế với vai trò cụ thể của chuyển đổi số, Việt Nam sẽ đạt được kết quả trong thời gian tới. Bằng cách từng bước nâng cao các nền tảng và công nghẹ số để tăng cường năng lực sản xuất, Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành một phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ các nền kinh tế thành viên APO tiên phong trong lĩnh vực công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hoặc hưởng lợi từ việc đối sánh với nhóm các nền kinh tế kế thừa như Malayisa, Ấn Độ… thông qua các chương trình đa quốc gia của APO.
APO đang xây dựng chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất và Việt Nam là một trong ba nền kinh tế thành viên được lựa chọn để triển khai hoạt động này. Ông đánh giá thế nào về vai trò và đóng góp của các chuyên gia năng suất được chứng nhận này đối với việc tăng năng suất tại Việt Nam?
Chương trình phát triển tổ chức chứng nhận (CBD) của APO hướng tới việc mở rộng vai trò của tổ chức năng suất quốc gia thành tổ chức chứng nhận triển khai chương trình chứng nhận của APO. Đây là sáng kiến nối tiếp các chương trình nâng cao năng lực khác lấy tổ chức năng suất quốc gia là trung tâm như Chương trình phát triển tổ chức năng suất quốc gia và các khóa đào tạo trong nước. Nếu các chương trình trước kia tập trung vào việc tăng cường năng lực của tổ chức năng suất quốc gia với tư cách là tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo thì chương trình này tập trung vào việc xây dựng năng lực cho các tổ chức năng suất quốc gia thông qua việc được công nhận là tổ chức chứng nhận.
Thông qua tư vấn, đào tạo về quy trình chứng nhận, năng lực của nhân viên và cơ cấu tổ chức, chương trình CBD hỗ trợ các tổ chức năng suất quốc gia tuân thủ yêu cầu của tổ chức chứng nhận của APO. Ở giai đoạn đầu tiên, Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) là một trong ba tổ chức năng suất quốc gia được lựa chọn để phát triển thành tổ chức chứng nhận. Trong năm 2020, APO dự kiến sẽ có 3 tổ chức năng suất quốc gia nữa tham gia vào nhóm này. Kinh nghiệm của Việt Nam sẽ rất quý báu để chia sẻ với các tổ chức chứng nhận sau này. Các chuyên gia năng suất được chứng nhận sẽ là những người triển khai quan trọng cho các phong trào năng suất do Chính phủ Việt Nam phát động ở cấp doanh nghiệp.
2020 là một năm thực sự khó khăn đối với các nền kinh tế thành viên APO nói chung và Việt Nam nói riêng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vậy APO có các hành động gì để hỗ trợ các nền kinh tế thành viên vượt qua giai đoạn khó khăn này? Theo ông Việt Nam cần làm gì để có thể ứng phó và vượt qua các ảnh hưởng do Covid-19 gây ra trong thời gian tới?
Khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra, các biện pháp như đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại được áp dụng trên toàn thế giới và hầu hết các nền kinh tế thành viên APO đều trong tình trạng cách ly một phần hoặc toàn bộ. Đại dịch đã khiến cho gần như tất cả các hoạt động của APO phải tạm dừng.
Trước tình hình đó, APO đã nhanh chóng triển khai Kế hoạch chiến lược về năng lực số để tối đa hóa việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số nhằm duy trì sự kết nối với các nền kinh tế thành viên và cộng đồng năng suất trong khu vực. Nền tảng học tập kỹ thuật số đã được APO sử dụng để truyền đạt kiến thức, tổ chức các buổi tọa đàm tương tác trực tuyến, các chương trình nâng cao năng lực trực tuyến bao gồm: các buổi tọa đàm về năng suất được phát trực tiếp trên kênh Youtube của APO, các dự án đa quốc gia được thực hiện theo hình thức hội nghị trực tuyến và các khóa đào tạo trực tuyến đa dạng. APO cũng thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin trong làm việc từ xa để minh chứng cho tầm quan trọng của năng suất. APO cũng đã thành lập một khoản ngân sách đặc biệt để hỗ trợ các thành viên tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp, phục hồi sau các tác động của Covid-19.
Việt Nam có thể tham gia vào sáng kiến kỹ thuật số của APO để tăng cường năng lực số của tổ chức năng suất quốc gia, khai thác các dịch vụ và hỗ trợ mới do APO cung cấp thông qua gói ngân sách đặc biệt. Việc đi đầu trong sáng kiến kỹ thuật số của Việt Nam cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nền kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đang hướng đến.
Xin trân trọng cảm ơn ông!