Tổng kiểm tra cửa hàng hoa quả nhập khẩu phát hiện nhiều sai phạm về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ

Thứ Sáu, Tháng Chín 16, 2022 | 10:12

Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội thực hiện tổng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu. Trong đó, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về hành vi buôn bán hàng lậu, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

 Nhiều cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ

Theo đó, Cục QLTT thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi Đội trưởng các Đội QLTT về việc tập trung kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển, lưu thông trái cây nhập lậu, trái cây giả mạo nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, vi phạm về an toàn thực phẩm, không đảm bảo chất lượng và gian lận khác.

Từ ngày 14-15/9, Đội QLTT đã kiểm tra 6 vụ, đơn vị kinh doanh trái cây nhập khẩu.

Trong đó, Đội QLTT số 17 đã “đột kích” cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu “Huyền Long Biên” ở địa chỉ số 39, phố Hồng Hà (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) thu giữ 120kg hoa quả nhập khẩu nhưng không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm không có nhãn phụ theo quy định, trị giá hàng hoá 9,9 triệu đồng.

“Toàn bộ hàng hoá đều do nước ngoài sản xuất, nhưng không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng sản phẩm”, Đội QLTT số 17 cho hay.

Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, Đội đã tạm giữ nhiều mặt hàng như nho, lê, mận, táo, kiwi… của các cơ sở và đầu mối kinh doanh.

Các mặt hàng trên đều do nước ngoài sản xuất, nhập khẩu về Việt Nam nhưng không có hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá trên.

Theo ông Nguyễn Đức Ngãi Hà – Đội phó Đội QLTT số 17, do là hàng hoá nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, toàn bộ hàng hoá trên, sau khi xử phạt vi phạm hành chính sẽ buộc phải tiêu huỷ theo quy định.

Trước đó, Đội QLTT số 13 kiểm tra cơ sở kinh doanh trái cây biển hiệu Fresh Fruits (thuộc Công ty TNHH thương mại và XNK Anh Thư do ông Nguyễn Chí Thanh là giám đốc) tại địa chỉ số 160 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Kết quả kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện tại cơ sở bày bán hàng hóa gồm dưa lưới Nhật Bản và lựu Peru không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có thông tin về đơn vị nhập khẩu và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, không rõ chất lượng, là hàng hóa nhập lậu. 

Đội QLTT số 13 đã phạt hành chính số tiền 3 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng.

Tại cơ sở kinh doanh trái cây địa chỉ số 296 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Đội QLTT số 13 kiểm tra cơ sở kinh doanh trái cây (thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ XNK Hồng Điệp do bà Nguyễn Thị Thoa là giám đốc) tại địa chỉ số 296, Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Kết quả kiểm tra, tại cửa hàng  không niêm yết giá hàng hóa. Đội QLTT số 13 đã phạt hành chính số tiền 1,5 triệu đồng.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng đang chỉ đạo các đơn vị khác tiếp tục thanh-kiểm tra trên địa bàn Hà Nội để xử lý việc bán hàng lậu, không rõ nguồn gốc. 

Theo quy định của Nghị định 98 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 10.2020, hành vi kinh doanh, bán hàng xách tay sẽ bị coi là bán hàng nhập lậu và sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền lên đến hàng trăm triệu đồng nếu hàng hóa đó không có hóa đơn chứng từ.

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc các loại quả như anh đào, bưởi, cam, chanh, đào, dâu tây, dưa (dưa hấu, dưa lê, dưa vàng), hồng, kiwi, lê, lựu, mận, nhãn, nho, quất, quýt, táo, táo ta, vải, xoài. Nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ các loại quả anh đào, lê, nho, táo, việt quất, cam; nhập ở Úc là quýt, nho, anh đào; Nhập từ New Zealand các loại anh đào, chanh leo, hồng, kiwi, mơ, táo, việt quất; từ Hàn Quốc là nho, táo, dâu tây; từ Nhật Bản nhập về táo, lê, cam và từ Nam Phi có nhập khẩu táo, lê, nho.

Các loại quả như dâu tây, dưa Nhật; lựu Peru, Ai Cập, Úc, Ấn Độ; mận Mỹ… đều chưa được Bộ NNPTNT cho phép nhập khẩu vào Việt Nam. Điều đó có nghĩa, những loại quả nêu trên đang được bày bán trên thị trường, một là hàng xách tay, có dấu hiệu trốn thuế; hai là hàng giả mạo nguồn gốc, xuất xứ.

Theo VietQ