Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh: Khung pháp lý về đo lường của Việt Nam hài hòa với khu vực và quốc tế
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Mười Một 7, 2019 | 17:05 - Lượt xem: 2053
Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Châu Á – Thái Bình Dương về Đo lường pháp định lần thứ 26, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, khung pháp lý về đo lường pháp định của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh cho biết, việc Việt Nam là thành viên của APLMF – một tổ chức khu vực Châu Á Thái Bình Dương có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới về đo lường pháp định với sự tham gia của những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, những năm qua, Việt Nam mà đại diện là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đã tích cực tham gia vào các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Chương trình Đo lường Châu Á Thái Bình Dương (APMP) vào năm 1995, Diễn đàn Đo lường pháp định châu Á Thái Bình Dương (APLMF) năm 1996 và Tổ chức Đo lường Pháp định Quốc tế (OIML) vào năm 2003.
Cùng với việc đăng cai và tổ chức thành công hội nghị lần thứ 18 APMP và Cuộc họp lần thứ 9 APLMF (2002) cũng như sự kiện phiên họp lần thứ 48 của Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế OIML (2013). Năm 2019, lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 26 của APLMF.
Với sự hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, đặc biệt năm 2018 với sự phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), nhằm tạo thuận lợi thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực xây dựng một khung pháp lý bao gồm cả khung pháp lý về đo lường pháp định hài hòa với thông lệ của khu vực và quốc tế.
“Gần đây, lĩnh vực đo lường đối mặt với nhiều thách thức mới với yêu cầu xây dựng Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) đồng thời tiếp cận và tận dụng được lợi thế cũng như đối phó với thách thức trong quá trình tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”, ông Vinh nhận định.
Đề cập về ý nghĩa củ lần này, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, hội nghị bàn thảo và thống nhất các phương pháp đo để đảm bảo tính thống nhất và độ chính xác cần thiết; đảm bảo độ chính xác của phương tiện đo; đảm bảo sự thống nhất của phép đo và phương pháp đo; đảm bảo sự công bằng giữa người mua và người bán trong định lượng hàng hoá, dịch vụ mua bán và thanh toán; đảm bảo công bằng trong giao dịch thương mại; đảm bảo sự an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; phục vụ việc giám định tư pháp; hoạt động công vụ khác của nhà nước, đồng thời đưa ra những chuẩn mực chung tạo thuận lợi thương mại trong nước và quốc tế.
“Hội nghị sẽ tập trung vào phần đo lường chính xác, để thuận lợi trong việc giao thương các mặt hàng như điện, dầu mỏ, nước… “, ông Vinh cho biết.
Định hướng đẩy mạnh các hoạt động về đo lường pháp định trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, về hạ tầng đo lường Việt Nam đang đứng trong top 5 khu vực Đông Nam Á, trong thời gian tới cần đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao chuẩn cao hơn để ngang bằng với các nước như Malaysia, Singapore,… và để đảm bảo độ chính xác đo lường đúng theo thông lệ của quốc tế.
Được biết, Luật Đo lường Việt Nam đã được Quốc hội thông qua tháng 11 năm 2011 và có hiệu lực vào tháng 7 năm 2012, đánh dấu sự ra đời của văn bản pháp lý nền tảng cao nhất về quản lý hoạt động đo lường của Việt Nam. Luật Đo lường cũng như các văn bản quy định cụ thể dưới luật cũng như các văn bản kỹ thuật đo lường (ĐLVN) là kết quả của nhiều năm hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường trong đó có APLMF. APLMF thông qua sự hỗ trợ của Viện Vật lý Đức (PTB) qua chương trình MEDEA cũng như các nhóm công tác chuyên môn giúp đào tạo nhân lực và cập nhật kiến thức với những văn bản quốc tế mới nhất, giúp Việt Nam một hệ thống các quy định về đo lường không chỉ phù hợp với điều kiện ở trong nước mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thanh Uyên/VietQ