Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động
Chủ Nhật, Tháng Một 22, 2023 | 8:32
Năm 2022 đánh dấu một năm thành công, thể hiện dấu ấn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) trong bức tranh chung của nền kinh tế – xã hội đất nước. Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp đã dành cho Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) cuộc trao đổi về kết quả hoạt động năm 2022 và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Năm 2022 là một năm với đầy ắp hoạt động, cho thấy vai trò tích cực của ngành TCĐLCL với sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước, xin ông cho biết Tổng cục TCĐLCL đã triển khai và đạt kết quả như thế nào trong năm vừa qua?
Trong năm 2022, Tổng cục TCĐLCL đã thực hiện rất nhiều hoạt động để lại dấu ấn quan trọng. Nhóm công việc thứ nhất, đánh giá lại hệ thống văn bản chính sách trong đó có Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Việc rà soát chính sách này giúp Tổng cục hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực tiêu chuẩn chất lượng.
Nhóm công việc thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ, giải pháp về TCĐLCL để tăng trưởng năng suất. Trong đó, Chương trình năng suất chất lượng đã triển khai từ năm 2022 với những dự án và chương trình mới. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình bảo đảm đo lường cho doanh nghiệp. Có thể thấy, năm 2022 được đánh giá là năm thành công của Chương trình với sự tham gia của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp về đảm bảo đo lường.
Nhóm công việc thứ ba, Tổng cục đã xem xét và thống nhất chuyển dịch sang phương thức làm việc mới đó là phương thức làm việc trên nền tảng số. Tổng cục đã nghiên cứu và xây dựng Đề án chuyển đổi số trong ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Năm qua, Chương trình đảm bảo đo lường được triển khai rộng khắp tại các tỉnh, thành trên cả nước, với nhiều địa phương điểm, doanh nghiệp điểm, vậy theo ông chương trình này đã mang lại ý nghĩa như thế nào?
Đo lường là vấn đề kỹ thuật khá khó, theo quy định tại Luật Đo lường và thông lệ quốc tế doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện biện pháp đảm bảo đo lường bởi phương tiện đo nhóm 2, tuy nhiên phương tiện đo nhóm 2 rất ít. Bên cạnh đó chúng ta có nhiều phương tiện đo nhóm 1 cũng tác động trực tiếp đến nền kinh tế, trực tiếp đến sản phẩm, chính vì vậy, Chương trình đảm bảo đo lường sẽ khuyến khích doanh nghiệp làm sao để quan tâm bảo đảm đo lường cho các phương tiện đo nhóm 1.
Tổng cục đã xây dựng các chương trình đào tạo về chuyên gia tư vấn đối với chương trình đảm bảo đo lường với hai cấp độ là đào tạo cơ bản và nâng cao. Thời gian qua, Tổng cục đã tổ chức đào tạo rất thành công ở khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam với sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp trong lĩnh vực đo lường.
Những năm gần đây, Việt Nam lọt vào top 5 nền kinh tế có năng suất tăng trưởng mạnh của châu Á, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” khiến tốc độ tăng năng suất chưa bền vững. Theo ông, chúng ta cần giải pháp, chiến lược gì để tháo gỡ những “nút thắt” đó?
Dư địa tăng năng suất dựa trên lao động và vốn không còn nhiều, để tăng năng suất bền vững bắt buộc cần dựa trên yếu tố khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nói như vậy, mỗi người lao động khi bước vào quá trình làm việc phải luôn ý thức, tư duy về năng suất dựa trên các yếu tố kỹ thuật, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Để thực hiện được, chúng ta cần tổ chức đào tạo cho doanh nghiệp các hệ thống công cụ, giải pháp về năng suất. Bên cạnh đó, lực lượng lao động rất lớn là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng và trường nghề – những đối tượng cần trang bị kiến thức làm sao để tăng năng suất, có được giải pháp và công nghệ để thúc đẩy năng suất dựa trên yếu tố về kỹ thuật, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong năm 2022, Tổng cục đã thực hiện Chương trình năng suất chất lượng và tiến tới tổ chức đào tạo cho sinh viên tại 21 trường trên cả nước, đây là ý tưởng và cách làm mới. Có thể thấy, lực lượng sinh viên được trang bị kiến thức, nhận thức về vấn đề năng suất chắc chắn sẽ đóng góp rất nhiều trong thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững nền kinh tế. Trong thời gian tới, Tổng cục mong muốn phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có thể kết hợp đưa chương trình năng suất vào các trường Đại học, Cao đẳng và trường nghề.
Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu đưa nền kinh tế nước ta bắt nhịp cùng thế giới, xin ông cho biết hoạt động chuyển đổi số của ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã được triển khai như thế nào ở khía cạnh quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp?
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Tổng cục đã xây dựng đề án chuyển đổi số trong ngành TCĐLCL, đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, vì khi chuyển sang phương thức làm việc mới đòi hỏi phải thay đổi về văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi về nhận thức, thay đổi về phương thức làm việc. Trong đề án, Tổng cục dự kiến triển khai 6 nhóm công việc, trong đó, đầu tiên là thay đổi quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, phương thức chuyển đổi số, quy trình làm việc bằng nền tảng số được chấp nhận bằng quy định của pháp luật.
Thứ hai, đánh giá toàn bộ và xây dựng bản đồ số trong ngành TCĐLCL. Bản đồ số rất quan trọng giúp chúng ta chủ động quá trình chuyển đổi số, và bản đồ số được xây dựng dựa trên kỹ thuật về Quản trị tinh gọn Lean để tối ưu hóa bản đồ số và quá trình công việc.
Thứ ba, Tổng cục tập trung hoàn thiện dữ liệu số, nền tảng số và giải pháp số. Dữ liệu về tiêu chuẩn, về tổ chức đánh giá sự phù hợp, đo lường, mã số mã vạch, dữ liệu về truyền thông… tất cả sẽ được tích hợp trên nền tảng số và dựa trên dữ liệu và nền tảng số sẽ xây dựng giải pháp số phục vụ doanh nghiệp, đó chính là giải pháp về hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, đo lường… Như vậy, người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận trực tiếp và xử lý thông tin trên nền tảng số.
Thứ tư, tập trung thực hiện việc đào tạo cán bộ, trong nền tảng số những con người với xã hội số đang cần thay đổi phương thức làm việc.
Thứ năm, nền tảng số kết nối với quốc tế, quá trình trao đổi thông tin với quốc tế được thuận lợi.
Thứ sáu, thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt cho các cán bộ làm về TCĐLCL từ Trung ương đến địa phương bảo đảm thống nhất và nhất quán trong hoạt động này.
Năm 2023 được giới chuyên gia dự báo sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức với nền kinh tế đất nước. Trước thềm năm mới Quý Mão, ông chia sẻ gì về những định hướng và mục tiêu phát triển hoạt động TCĐLCL thời gian tới?
Năm 2023, một trong những hoạt động hết sức quan trọng là tập trung sửa đổi Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật. Có thể thấy, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong bối cảnh hiện nay khác rất nhiều so với 16 năm trước, chính vì vậy việc sửa đổi Luật là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, năm 2023 Tổng cục tập trung vào 5 Đề án. Thứ nhất: Đề án Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, chiến lược này sẽ giúp chúng ta thay đổi cách thức xây dựng tiêu chuẩn hiện nay, thay vì làm tiêu chuẩn theo kế hoạch từng năm thì có thể làm theo từng giai đoạn, thay vì nhận tiêu chuẩn từ các bộ ngành chúng ta sẽ nhận đặt hàng tiêu chuẩn từ doanh nghiệp, địa phương, thay vì nâng cao tỷ lệ hài hòa với quốc tế chúng ta sẽ chủ động có những tiêu chuẩn Việt Nam trở thành tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai: Đề án về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất và hội nhập quốc tế. Có thể thấy tiêu chuẩn, đo lường, công nhận chứng nhận là ba cấu phần hết sức quan trọng của hạ tầng chất lượng quốc gia, để có thể tập trung khai thác được hệ thống thiết bị, con người của cả quốc gia trong vấn đề TCĐLCL, thì Đề án hạ tầng chất lượng quốc gia giúp chúng ta thực hiện những việc đó. Qua việc xây dựng Đề án, chúng ta sẽ nâng được chỉ số hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam.
Thứ ba: Đề án chuyển đổi số sẽ thay đổi phương thức làm việc của ngành TCĐLCL.
Thứ tư: Đề án điều chỉnh Quyết định 19/QĐ-TT về hệ thống quản lý ISO hành chính công, sau thời gian triển khai có thể thấy các cơ quan, tổ chức thực hiện rất tốt công việc này. Đề án thời gian tới sẽ nâng lên tầm cao mới, trong đó, các địa phương sẽ áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 18091 từ đó tạo nền tảng cho các địa phương chuyển sang quá trình chuyển đổi và đô thị thông minh. Với các bộ, ngành sẽ triển khai hệ thống quản lý chất lượng đặc trưng cho các ngành, lĩnh vực.
Thứ năm: Đề án thay đổi phương thức phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra và giám sát hoạt động TCĐLCL trong bối cảnh mới. Việc chuyển đổi số cùng với hoạt động điện tử online bắt buộc phương thức kiểm tra, thanh tra, giám sát cần có sự thay đổi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nội dung – Hà My
Thiết kế – Ngọc Xen