Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng luôn tiên phong trong sự nghiệp đổi mới của ngành
Thứ Bảy, Tháng Ba 4, 2023 | 9:13
“Trong vòng 05 năm trở lại đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã có những đóng góp nhất định và đạt những thành tựu nổi bật”, đây là nhận định của TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL tại Diễn đàn ISO Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra ngày 28/02/2023.
Theo TS. Hà Minh Hiệp, Tổng cục TCĐLCL luôn tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới của ngành, lĩnh vực và địa phương. Với môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động TCĐLCL đã được tạo lập một cách bền vững, ổn định, vì vậy đã có những đổi mới căn bản theo hướng hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động này, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp phát huy mọi năng lực sáng tạo đóng góp tích cực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập.
Các chương trình thúc đẩy năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam như Chương trình 712, 1322, Đề án TBT và nhiều cơ chế, chính sách khác do Tổng cục tham mưu xây dựng trong thời gian qua đã thực sự tạo ra bước đột phá mới gắn kết các hoạt động TCĐLCL với thị trường và doanh nghiệp. Hoạt động của Tổng cục đã có đóng góp đặc biệt, xuất sắc cho sự phát triển của ngành, góp phần vào sự đổi mới đất nước, ổn định chính trị và để lại dấu ấn trong và ngoài nước.
Hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thời gian qua đã có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tổng cục đã tổ chức thẩm định và công bố hơn 13.500 TCVN, trong đó năm 2021 là 389 TCVN và thẩm định hơn 800 QCVN. Với số lượng hơn 13.500 TCVN, tỷ lệ TCVN hài hòa với ISO là trên 70% (cao nhất trong tổng tỷ lệ hài hòa với Tiêu chuẩn quốc tế, Tiêu chuẩn khu vực bao gồm cả IEC, CODEX, EN, ASTM,… là >60%).
Công tác quản lý về đo lường luôn được Tổng cục quan tâm chỉ đạo, đặc biệt đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong công tác quản lý nhà nước, tập trung quản lý thống nhất ở trung ương. Tổng cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định của Bộ về: Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019); Hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp (Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 và đồng thời tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đáp ứng mục tiêu của Đề án 996 trong các năm tiếp theo)
Trong bài trình bày tại Diễn đàn ISO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, TS. Hà Minh Hiệp cũng nhấn mạnh lại xu hướng hội nhập với quốc tế và tham gia sâu vào các Tổ chức quốc tế trong lĩnh vực TCĐLCL sẽ đem lại nhiều cơ hội cho sự phát triển của lĩnh vực này.
Song song với cơ hội phát triển và hội nhập thì Tổng cục TCĐLCL đối mặt không ít thách thức. Cụ thể, nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế, chưa xây dựng được đội ngũ chuyên gia giỏi chuyên môn, nghiệp vụ để có thể tham gia sâu vào các hoạt động Tiêu chuẩn hoá quốc tế;
Sự quan tâm của các bên đối với hoạt động tiêu chuẩn hoá tại Việt Nam chưa cao, đặc biệt là khối tư nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế về việc nâng cao nhận thức tầm quan trọng của TCĐLCL trong đời sống xã hội nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, dù đứng trước không ít khó khăn, thách thức nhưng Tổng cục TCĐLCL vẫn luôn nỗ lực trong việc khắc phục những thách thức. Trong đó, Tổng cục TCĐLCL đã chủ động xây dựng các chương trình quốc gia, kế hoạch, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; hướng dẫn, hỗ trợ cho các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật do các bộ, ngành quản lý đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức tăng cường hoạt động tuyên truyền về TCĐLCL, năng suất chất lượng, cảnh báo chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức chung của xã hội về Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL để phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý và của doanh nghiệp, người tiêu dùng.