Tổng cục TCĐLCL tiếp đoàn Ngân hàng phát triển châu Á, GS1 Toàn cầu và GS1 Thái lan

Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2019 | 10:14

Ngày 7/5/2019, Tổng cục TCĐLCL đã có buổi làm việc với đoàn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), GS1 Toàn cầu và GS1 Thái lan.

Tham dự tại buổi làm việc có ông Trần Văn Vinh- Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch. Phía bên đoàn Đại diện Tổ chức GS1 Toàn cầu có ông Patrik Jonasson – Giám đốc Chính sách công Khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Đại diện Tổ chức GS1 Thái Lan có ông Pravith Chotiprayanakul, ôngShawn Chen và bà Mayurintr Petchad; Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á có bà Vichelle Roaring và ông Lê Trường Sơn.

Trước đó, hai bên đã cùng gặp gỡ và trao đổi với các cơ quan trung ương về vấn đề liên quan đến phụ trách phát triển Nền tảng Truy xuất Nguồn gốc tại Việt Nam.

Trong buổi làm việc, ông Bùi Bá Chính- Phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch đã có phần trình bày về đề xuất của GS1 Việt Nam về Hệ thống Truy xuất Nguồn gốc.

Ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch, ông Trần Văn Vinh- Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL (Thứ hai từ trái qua)

Ông cho rằng, xu hướng hiện nay tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đó là các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thực phẩm nghiêm ngặt hơn trong các luật và quy định được ban hành gần đây. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chấp thuận cho GS1 Việt Nam trở thành cơ quan có thẩm quyền về truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho chương trình này

Với những vấn đề, thực trạng đang phải đối mặt hiện nay như: Không có hệ thống tiêu chuẩn- Vấn đề này tuy không hoàn toàn mới ở Việt Nam nhưng nó chưa được quản lý một cách chính thức; Cạnh tranh trong ngành công nghiệp thực phẩm, không những thâm nhập được vào các thị trường khó tính hơn với các tiêu chuẩn cao hơn về an toàn thực phẩm và nguồn gốc, mà còn cho thị trường trên toàn quốc tại Việt Nam.

Theo nghiên cứu,Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu thủy sản (sau Na Uy, Trung Quốc và Nga), đứng số 1 ở Đông Nam Á và số 2 ở châu Á-Thái Bình Dương. ( theo Thời báo Kinh tế Sài gòn 2019). Chính vì thế, rất cần có hệ thống pháp luật toàn cầu cho các yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nghiêm ngặt hơn; GS1 Việt Nam là một tổ chức độc quyền phụ trách, có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về nguồn dữ liệu của Hệ thống truy xuất nguồn gốc tại địa phương; Gia tăng nhu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn quốc; GS1 Việt Nam trực tiếp chịu trách nhiệm xây dựng và tạo điều kiện cho một hệ thống truy xuất dữ liệu quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của GS1 Toàn cầu.

Từ những thực trạng, vấn đề đang phải đối mặt hiện nay, phía GS1 Việt Nam đã đề xuất về hướng đi trong 5 năm tới, trong đó kế hoạch 5 năm bao gồm các giai đoạn sau:

  1. Tổ chức hội thảo để tham khảo ý kiến của các bộ, ban, ngành và cơ quan quản lí về xây dựng tiêu chuẩn
  2. Ứng dụng vào thực tiễn
  3. Thu thập phản hồi, góp ý từ các bên liên quan
  4. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế
  5. Phát triển và hoàn thành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia
  6. Cấp phép cho phần cứng và phần mềm
  7. Đào tạo cán bộ cao cấp tại địa phương

Sau khi nghe phần trình bày từ phía GS1 Việt Nam, đại diện Tổ chức GS1 Thái Lan cũng đã có những chia sẻ về thực trạng truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Thái Lan, những vướng mắc còn tồn động và giải pháp để thay đổi trạng đó. Các bên đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như đưa ra giải pháp để khắc phục thực trạng của truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam, và cũng đồng tình với đề xuất 5 năm mà GS1 Việt Nam đưa ra.

Trong hai ngày 8-9/5 các bên sẽ tiếp tục làm việc và tham quan một số nơi (TH Group và Đà Lạt Milk) đang thực hiện về truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam./.

Trương Vân