Tổng cục TCĐLCL làm việc với Sở KH&CN TP. Hải Phòng
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng TưTháng Tư 29, 2022 | 16:05 - Lượt xem: 1466
Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng do ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hải Phòng.
Tham dự buổi làm việc, phía Sở KH&CN Thành phố Hải Phòng có ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Sở, đại diện các phòng, ban thuộc Sở và lãnh đạo Chi cục TCĐLCL Thành phố.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Lâm – Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Thành phố đã có báo cáo chung kết quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong thời gian qua và định hướng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, đại điện các đơn vị của Tổng cục như Vụ Đo lường, Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Tổng cục, Viện Năng suất Việt Nam đã đánh giá kết quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại Thành phố Hải Phòng trong thời gian qua và định hướng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong thời gian tới; triển khai các Chương trình, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời giải đáp các đề xuất kiến nghị của địa phương về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các Chương trình, Đề án do Tổng cục TCĐLCL làm đầu mối được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong thời gian tới, Tổng cục TCĐLCL và Sở KH&CN Hải Phòng sẽ triển khai phối hợp, triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Trong đó, ưu tiên tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP. Hải phòng; Xây dựng các mô hình điểm về cải tiến, nâng cao NSCL thông qua áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến; Đưa nội dung đào tạo về năng suất, chất lượng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng…
Bên cạnh đó, phối hợp triển khai có hiệu quả các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019); Đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018).
Phối hợp triển khai có hiệu lực, hiệu quả hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 của các cơ quan hành chính nhà nước, gắn kết với việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Tổng cục đã giao các đơn vị trực thuộc Tổng cục sẵn sàng hỗ trợ địa phương về mặt chuyên môn nghiệp vụ trong triển khai hoạt động về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đồng thời sẵn sàng giải đáp đề xuất kiến nghị của địa phương (khi có yêu cầu).
Theo bà Trần Thị Lâm – Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Thành phố Hải Phòng: Trong năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Chi cục thực hiện việc kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trừ những trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Theo đó, Chi cục đã thực hiện giãn, hoãn kiểm tra đối với 67/199 đơn vị được phê duyệt theo Quyết định 182/QĐ-SKHCN ngày 19/12/2020 của Sở Khoa học và Công nghệ. Đến nay, Chi cục đã thực hiện kiểm tra Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại 132/132 đơn vị, đạt 100% kế hoạch. Các đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, yêu cầu và hướng dẫn các đơn vị tuân thủ quy định, khắc phục thiếu sót, còn tồn tại trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh được đoàn chỉ ra. Thông qua đợt kiểm tra, các đoàn kiểm tra lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đơn vị được kiểm tra, qua đó từng bước góp phần nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Về hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường, tổng số đơn vị đã kiểm tra: 110 đơn vị, trong đó 36 đơn vị kinh doanh xăng dầu; 24 đơn vị kinh doanh điện, nước sinh hoạt; 02 đơn vị sử dụng phương tiện đo nhóm 2; 06 đơn vị dịch vụ cân ô tô; 02 đơn vị kinh doanh vận tải taxi; 04 đơn vị định lượng hàng đóng gói sẵn; 03 đơn vị chiết nạp LPG; 28 đơn vị kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ; 03 đơn vị sản xuất thiết bị điện, điện tử; 02 đơn vị sản xuất thép làm cốt bê tông; 01 đơn vị sản xuất đồ chơi trẻ em. Tình hình vi phạm: 82 phương tiện đo của 03 đơn vị kinh doanh điện nước sinh hoạt có chứng chỉ kiểm định hết hiệu lực kiểm định; 02 cột đo xăng dầu của 01 đơn vị kinh doanh xăng dầu có sai số kết quả đo lượng xăng dầu vượt quá 1,5 lần giới hạn dương của sai số cho phép của phương tiện đo được sử dụng để bán lẻ xăng dầu; 01 áp kế của 01 đơn vị sản xuất đồ chơi trẻ em lắp trên bình chứa khí nén không có chứng chỉ kiểm định. Đoàn kiểm tra yêu cầu các đơn vị tạm dừng sử dụng phương tiện đo vi phạm, có biện pháp khắc phục cho phù hợp quy định và gửi bằng chứng khắc phục về Đoàn kiểm tra (có thời hạn quy định). Tại thời điểm báo cáo, các Công ty đã gửi tài liệu, bằng chứng khắc phục về Đoàn kiểm tra; Tham gia đoàn đánh giá tại cơ sở để chỉ định cho 04 đơn vị: Công ty CP tự động hóa Hecico và Công ty cổ phần Cân Hải Phòng; Trung tâm ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và đo lường thử nghiệm tỉnh Ninh Bình. Về tổ chức kiểm tra nhà nước về chất lượng, nhãn hàng hóa lưu thông trên thị trường, tổng số đơn vị đã kiểm tra: 84 đơn vị, trong đó 15 đơn vị kinh doanh thiết bị điện, điện tử; 28 đơn vị kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ (trong đó có 02 đơn vị kinh doanh bạc và rất ít vàng trang sức, mỹ nghệ cũ còn tồn lại nên Đoàn kiểm tra có lập Biên bản để ghi nhận tình trạng của cơ sở nhưng không kiểm tra nội dung đo lường, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ); 02 đơn vị kinh doanh hàng hóa thép làm cốt bê tông; 36 đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu; 03 đơn vị kinh doanh và nạp khí dầu mỏ hóa lỏng. Tình hình vi phạm, tại 36 đơn vị kinh doanh xăng dầu. Một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định về chất lượng quy định tại Điều 21 Thông tư 15/2015/TT-BKHCN như: Chưa lưu mẫu do bên giao hàng cung cấp; chưa thực hiện việc lấy mẫu trước khi nhập hàng để đối chứng khi có tranh chấp về chất lượng; chưa thể hiện công khai các thông tin về tiêu chuẩn công bố áp dụng; chưa cung cấp được hồ sơ chất lượng có các thông tin theo mẫu (Mẫu 1.BBLM-NP-CKCL của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN); chưa thực hiện việc lập và lưu giữ Biên bản lấy mẫu, bàn giao mẫu và kiểm tra niêm phong; chưa lập và lưu giữ hồ sơ kiểm soát hệ thống bể chứa xăng dầu. Tại 15 đơn vị kinh doanh thiết bị điện và điện tử, số đơn vị vi phạm: 04 đơn vị, nội dung vi phạm: chưa lưu giữ đầy đủ hồ sơ chất lượng; Tại 28 đơn vị kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Một số đơn vị chưa chưa lưu giữ kết quả kiểm tra, thử nghiệm hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN; thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa chưa phù hợp theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN và Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Tại 02 đơn vị kinh doanh thép làm cốt bê tông, số đơn vị vi phạm: 01 đơn vị, nội dung vi phạm: Nhãn hàng hóa ghi thiếu nội dung “Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản” theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng và QCVN 7:2019/BKHCN. Xử lý vi phạm: Đoàn kiểm tra yêu cầu đối với các đơn vị thực hiện ghi nhãn chưa rõ ràng, không đầy đủ về nhãn hàng hóa phải liên hệ với đơn vị sản xuất, nhập khẩu khắc phục các lỗi về nhãn hàng hóa; kiểm soát và thực hiện ghi nhãn hàng hóa đầy đủ theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; gửi báo cáo khắc phục kèm theo tài liệu chứng minh đã khắc phục về Đoàn kiểm tra. Các đơn vị kinh doanh hàng hóa chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ chất lượng phải bổ sung hồ sơ về Đoàn kiểm tra. Đến nay, các đơn vị đã thực hiện khắc phục theo yêu cầu của đoàn kiểm tra… Về hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ: Thực hiện kiểm tra Nhà nước chất lượng hàng hóa nhập khẩu cho 18.191 bộ hồ sơ (đã tiếp nhận 14.297; hồ sơ từ chối tiếp nhận là 3.894 bộ); Triển khai thực hiện Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN ngày 10/12/2020: Thống kê danh sách các đơn vị chưa hoàn thiện hồ sơ, gửi công văn phối hợp kiểm tra, xử lý cho các Chi cục TĐC nơi người nhập khẩu có trụ sở sản xuất, kinh doanh, kho lưu giữ hàng theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Phối hợp với Chi cục TĐC các tỉnh/thành phố khác kiểm tra, xử lý các tổ chức, doanh nghiệp không hoàn thiện hồ sơ có trụ sở sản xuất, kinh doanh, kho lưu giữ hàng trên địa bàn thành phố Hải Phòng… Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Hải Phòng, năm 2022, dịch Covid-19 có thể kéo dài, tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống và phát triển kinh tế-xã hội. Thương mại điện tử nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cần có những thay đổi phù hợp. |
Theo VietQ