Tổng cục TCĐLCL làm việc với Cục ATLĐ về kế hoạch công tác TCĐLCL năm 2023
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Bảy, Tháng Bảy 2, 2022 | 20:53 - Lượt xem: 1163
TS Hà Minh Hiệp khẳng định, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc các vấn đề liên quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với Cục An toàn lao động. Đồng thời, cần có sự phối hợp mạnh mẽ hơn giữa 2 bên, nhằm đẩy mạnh công tác về tiêu chuẩn đo lường chất lượng thời gian tới.
Chiều ngày 01/07/2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) – Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi thảo luận với Cục An toàn lao động (ATLĐ) – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về kế hoạch công tác TCĐLCL năm 2023.
Tham dự buổi làm việc, về phía Tổng cục TCĐLCL có TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc: Vụ Tiêu chuẩn, Vụ Đo lường, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Văn phòng TBT, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa… Về phía Cục ATLĐ có ông Bùi Đức Nhưỡng – Phó Cục trưởng cùng các cán bộ chủ chốt của đơn vị.
Bắt đầu buổi làm việc, đại diện Cục ATLĐ đã có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch TCĐLCL năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, về tình hình xây dựng, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TCĐLCL, đại diện Cục ATLĐ cho biết, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH ngày 3/6/2021 quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ LĐTB&XH thay thế Thông tư số 22/2018. Theo đó tiếp tục cắt giảm 7 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu cùng với 13 nhóm sản phẩm đã được cắt giảm kiểm tra chất lượng nhập khẩu năm 2018, đạt tỷ lệ cắt giảm 62,5%;
Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47 về giảm 30% mức phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; Ban hành Thông tư số 08 về quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan;
Ban hành Thông tư số 12 về quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ LĐTB&XH; Ban hành Thông tư số 17 về quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn chai chứa khí công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ LĐTB&XH.
Về kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), hiện, Cục ATLĐ đang tiến hành rà soát, nghiên cứu sửa đổi hệ thống QCVN về an toàn lao động đối với hệ thống phương tiện bảo vệ cá nhân, QCVN về an toàn lao động đối với nồi hơi; nghiên cứu xây dựng QCVN về an toàn lao động đối với khẩu trang lọc bụi.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Xen.
Về hoạt động đánh giá sự phù hợp và công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, đại diện Cục ATLĐ thông tin: Đối với hoạt động chứng nhận sự phù hợp, Bộ LĐTB&XH đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động chứng nhận 3 tổ chức đánh giá sự phù hợp; xử lý, tổ chức thẩm định cấp, cấp lại 13 hồ sơ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.
Cục và các Sở LĐTB&XH đã giải quyết thủ tục hành chính đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu cho gần 6.000 hồ sơ; Công bố sản phẩm, hàng hóa phù hợp với QCVN cho 36 hồ sơ. Hoạt động chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu được các đơn vị nhập khẩu tương đối tốt, quá trình kiểm tra chất lượng nhập khẩu đã phát hiện một số lô hàng không đạt yêu cầu chất lượng đề nghị xử lý.
Với hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa trong sản xuất dần được triển khai tại các địa phương. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp triển khai còn thấp, một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hóa đặc thù ATLĐ đã có ý thức tuân thủ quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ nghiên cứu tạo cơ chế thúc đẩy việc xã hội hóa đầu tư xây dựng các hệ thống thử nghiệm cho sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Theo số liệu báo cáo từ 23 tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định, tính đến giữa tháng 12 năm 2021, số lượng sản phẩm hàng hóa đã được các tổ chức chứng nhận hợp quy là 11.881.146 sản phẩm.
Về hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trong quá trình sử dụng trên toàn quốc, đại diện Cục ATLĐ cho biết, đối với quản lý hoạt động của các tổ chức kiểm định và kiểm định viên, đến năm 2021, có 169 tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn đang hoạt động; số lượng kiểm định viên được cấp chứng chỉ là 1.070 người. Theo báo cáo từ 83/169 tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn năm 2021, tổng số máy, thiết bị được kiểm định là 259.757 máy, thiết bị.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục cũng tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho 300 kiểm định viện, 1 lớp huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho 600 người.
Bên cạnh đó, đại diện Cục ATLĐ cũng trình bày một số vấn đề liên quan công tác về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), đánh giá kết quả thực hiện các chương trình phối hợp về TCĐLCL. Đồng thời đưa ra định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch TCĐLCL năm 2023.
Sau khi lắng nghe báo cáo từ Cục ATLĐ, đại diện Tổng cục TCĐLCL đã đưa ra đánh giá cụ thể, theo đó Cục ATLĐ đã có sự phối hợp tốt với Tổng cục trong công tác xây dựng triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng tiêu chuẩn, QCVN; công tác đánh giá sự phù hợp, quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa; công tác TBT.
Tiếp tục buổi làm việc, đại diện một số đơn vị 2 bên đã có sự trao đổi thẳng thắn, khách quan về những mặt tích cực cần phát huy cũng như một số điểm hạn chế cần khắc phục, mang đến một buổi làm việc hiệu quả và thiết thực.
TS Hà Minh Hiệp khẳng định, Tổng cục TCĐLCL sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc các vấn đề liên quan đến TCĐLCL đối với Cục ATLĐ. “Cần có sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa Cục ATLĐ và Tổng cục, nhằm đẩy mạnh công tác về TCĐLCL trong thời gian tới”, TS Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.
Thanh Tùng