Tổng cục TCĐLCL đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản khi tham gia vào các FTA
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng TưTháng Tư 16, 2020 | 21:57 - Lượt xem: 1710
Các FTA tạo cơ hội mở rộng thị trường nhưng cũng khiến hàng hóa Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt trong vấn đề về tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc…vậy cần phải làm gì để doanh nghiệp có thể vượt qua các rào cản này?
Tạo nền tảng cho doanh nghiệp hội nhập
Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), việc tham gia ký kết các FTA đã nâng cao đáng kể năng lực và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các FTA đã tạo ra động lực và sức ép mới để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước theo đó cũng dần được hoàn thiện, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế.
Hiện Việt Nam đã thực hiện rà soát, cải cách hành chính, cải thiện môi trường pháp lý và kinh doanh; tạo sân chơi bình đằng minh bạch giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân; cơ quan quản lý nhà nước đã cắt giảm các thủ tục hành chính trong kinh doanh; thực hiện xã hội hóa các hoạt động dịch vụ tư vấn, đánh giá sự phù hợp. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam không ngừng được nâng cao; Hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia đã phủ cho hầu hết các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 12.000 TCVN, đạt tỷ lệ 56% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn quốc gia có khoảng 800 QCVN dần hoàn thiện, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiêu chuẩn quốc gia với tỷ lệ 56% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực tạo thuận lợi về hành lang kỹ thuật để hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường lớn đầy sức cạnh tranh phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch, môi trường, an toàn thực phẩm, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên, để vượt qua rào cản, đặc biệt trong vấn đề về tiêu chuẩn, chất lượng, theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, cần đồng bộ về chính sách giữa các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa tiêu chuẩn quốc tế để tạo sự minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, đổi mới cách thức triển khai thực hiện xã hội hóa công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn gắn với sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực có ưu thế trên thị trường và chiếm tỷ trọng lớn đối với nền kinh tế. Đồng thời đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả và chất lượng các hoạt động thông tin, tuyên truyền; hướng dẫn, phổ biến, cập nhật tình hình thực thi cam kết trong các FTA doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn, từ đó có thể chủ động ứng phó và vượt qua các thách thức, tận dụng tối đa các cơ hội.
Ông Linh nhấn mạnh việc chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực thi các hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, quy chuẩn về an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thông qua các hoạt động chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN, QCVN, chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm……Chỉ khi thực hiện tốt các vấn đề này thì hàng hóa Việt Nam mới có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
Hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của các FTA
Đề cập đến vai trò của Tổng cục TCĐLCL trong việc đóng góp cụ thể trong triển khai các Hiệp định này, TS. Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) đề cao vấn đề truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, do đó, để đảm bảo TXNG đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc – Việt Nam, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (MSMV) đã làm việc với cơ quan chức năng của chính phủ Trung Quốc để ký hợp tác về TXNG, bước đầu thừa nhận lẫn nhau về TXNG, tiến tới thừa nhận kết quả chứng nhận chất lượng hàng hóa…
Còn đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lí của Việt Nam, chủ yếu là nông sản được coi là “cánh cửa mở” cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU, nhưng điều đó chỉ thành hiện thực khi các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được hàng rào kỹ thuật của một trong những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất thế giới hiện nay. Khi thuế về 0% nhưng chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật là điều quan trọng nhất. Việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hay vượt qua được các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là các vấn đề đáng quan ngại đối với nhiều doanh nghiệp.
“Về vấn đề này, Tổng cục TCĐLCL đã giao Trung tâm MSMV Quốc gia xây dựng TCVN 12850:2019 về yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG, đồng thời trình Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quản lý về mã số mã vạch và TXNG. Trong năm 2020, Trung tâm MSMV Quốc gia tiếp tục xây dựng các TCVN về thể thức vật mang dữ liệu và các loại mã truy vết sử dụng trong TXNG để đáp ứng các quy tắc xuất xứ mà FTA này đặt ra “, TS. Linh cho biết.
TS. Nguyễn Hoàng Linh cũng cho biết thêm, để đảm bảo chất lượng hàng hóa và các yêu cầu truy xuất nguồn gốc cực kỳ khắt khe của bên Hàn Quốc, Trung tâm MSMV Quốc gia đã tiến hành liên lạc và kết nối thành công với KTR (Viện Nghiên cứu Thử nghiệm Hàn Quốc) về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử, thừa nhận kết quả chứng nhận. Điều này đáp ứng yêu cầu tại Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Theo Bảo Anh/VietQ.vn