Tổng cục TCĐLCL đào tạo nội bộ về nâng cao năng suất với Mô hình nhóm huấn luyện TWI

Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Sáu 28, 2023 | 14:45 - Lượt xem: 455

Ngày 23/6/2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức Chương trình đào tạo nội bộ về nâng cao năng suất với Mô hình nhóm huấn luyện TWI. Diễn giả là bà Lê Thị Hoàng Anh – Chuyên gia tư vấn Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2).

Chương trình được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ các đơn vị trực thuộc Tổng cục.

Phát biểu tại chương trình, TS. Hà Minh Hiệp cho biết, nâng cao năng suất chất lượng là yêu cầu sống còn đối với sự phát triển của mỗi đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức nói riêng và đất nước nói chung. Bởi vậy, mấu chốt của hoạt động này chính là nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Tổng cục về năng suất chất lượng thông qua các công cụ cải tiến năng suất như 5S, Kaizen, Lean, TWI… Từ đó, cụ thể hóa thành hành động và đưa việc thực hiện hoạt động cải tiến năng suất trở nên linh hoạt, gần gũi hơn.

Bà Lê Thị Hoàng Anh – Chuyên gia tư vấn Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) chia sẻ tại chương trình trực tuyến.

Tại chương trình, diễn giả Lê Thị Hoàng Anh đã có những phân tích cụ thể về Mô hình nhóm huấn luyện TWI (Training Within Industry). Bài trình bày trả lời cho các câu hỏi như: TWI và vai trò của quản lý trong doanh nghiệp là gì?; Nội dung của TWI gồm các phần nào?; Vì sao TWI lại cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam?…

Thực tế, với mong muốn phát triển, nhiều doanh nghiệp thường tập trung đào tạo phần lõi là nguồn nhân lực nòng cốt và nhân lực sáng tạo. Tuy nhiên, cùng với những doanh nghiệp thành công từ việc đào tạo này không ít doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong đợi khi vẫn thường xuyên gặp các vấn đề như: chất lượng sản phẩm không ổn định, sản lượng không đạt, năng suất thấp, chi phí cao, thời gian giao hàng chậm, khiếu nại khách hàng…

Nguyên nhân được cho là doanh nghiệp thường ít tập trung thậm chí bỏ quên đào tạo và phát triển các giám sát viên tuyến đầu, trong khi giám sát viên tuyến đầu chính là lực lượng chịu trách nhiệm chính về chất lượng – sản phẩm – chi phí. Hiểu đơn giản, các giám sát viên tuyến đầu chính là lực lượng được cất nhắc từ các thợ lành nghề hoặc nhân viên lâu năm tại doanh nghiệp – những người sâu sát với công việc nhất.

Do đó, bên cạnh việc đầu tư vào nguồn nhân lực nòng cốt và nhân lực sáng tạo doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến các giám sát viên tuyến đầu, nhằm trang bị kỹ năng thiết yếu giúp họ giải quyết các vấn đề, hướng tới mục tiêu đảm bảo sản lượng – ổn định chất lượng – tối ưu chi phí – giao hàng nhanh nhất.

Vậy giải pháp của vấn đề nêu trên là gì? Câu trả lời chính là áp dụng Mô hình nhóm huấn luyện TWI – Chương trình đào tạo trong công nghiệp kỹ năng thiết yếu dành cho các giám sát viên.

Về nguồn gốc, mô hình TWI xuất hiện lần đầu tiên tại Mỹ năm 1940 khi quốc gia này đang bước vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ II. Lúc đó, Mỹ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động sản xuất vũ khí và thiết bị tác chiến như chiến hạm, máy bay, súng phòng không… Cũng tại thời điểm đó, Mỹ có 8 triệu người thất nghiệp, phần lớn những người này chưa bao giờ được thấy bên trong một xưởng sản xuất, đa số thuộc các dân tộc thiểu số và phụ nữ với học lực rất thấp hay mù chữ.

Mô hình TWI đã được áp dụng và tạo ra những thay đổi rất tích cực đối với nguồn nhân lực lúc đó. TWI giúp các xí nghiệp Mỹ cung cấp thiết bị, vũ khí và nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của quân đội Mỹ và đồng minh. Điều này là yếu tố mấu chốt dẫn đến thắng lợi của cuộc chiến.

Sau khi chiến tranh kết thúc, TWI được chuyển giao cho Nhật Bản để hỗ trợ công cuộc tái thiết đất nước. Đến nay, TWI được áp dụng và kiểm định tại nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Hà Lan, Úc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia. Tại Việt Nam, TWI đã được áp dụng thành công trong Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.

Về nội dung, TWI gồm 3 chương trình huấn luyện chính: JIT (Job Instruction Training) – Kỹ năng chỉ dẫn việc; JRT (Job Relations Training) – Kỹ năng quan hệ công việc; JMT (Job Methods Training) – Kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc.

Cả 3 chương trình hầu như tập trung đào tạo cho nhóm đội ngũ quản lý giám sát trong doanh nghiệp. 3 chương trình này của TWI chính là nền tảng đào tạo của các hệ thống quản lý như Hệ thống sản xuất Toyota (Toyota Production System – TPS), Mô hình sản xuất tinh gọn Lean, công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM, Quản lý chất lượng toàn diện (TQM)…

Trong đó, nguyên tắc của TWI chính là tạo ra tác động nhân bản “Multiplier Effec” phát triển một phương pháp đã được chuẩn hóa và tiến hành đào tạo chuyên sâu những huấn luyện viên TWI về phương pháp chuẩn này. Những huấn luyện viên TWI sẽ đào tạo những nhóm người khác (giám sát viên) sử dụng các phương pháp chuẩn để xử lý vấn đề cụ thể nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Bà Hoàng Anh cho biết, để áp dụng TWI doanh nghiệp cần chuẩn bị các yếu tố như: Hệ thống quản trị – doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống quản lý như ISO hoặc công cụ cải tiến là một lợi thế; cam kết của lãnh đạo – lãnh đạo tham gia với vai trò quan sát và hỗ trợ mọi nguồn lực cần thiết; nguồn lực về con người, tài chính, sắp xếp kế hoạch công việc, người hỗ trợ; con người gồm các giám sát viên là giám đốc, trưởng phòng, phó phòng, quản đốc, tổ trưởng, trưởng ca, trưởng nhóm; nơi thí điểm – 1 công ty, 1 nhà máy, 1 phân xưởng, 1 bộ phận.

“TWI không nhằm giải quyết vấn đề trước mắt mà chú trọng vào việc phát triển kỹ năng giải quyết các vấn đề khi chúng nảy sinh. Điều này có nghĩa là người gặp vấn đề (công nhân) và người có thể kèm dẫn, hỗ trợ (giám sát viên) cần thường xuyên làm việc bên nhau. Khi các giám sát viên sử dụng kỹ năng học được từ TWI để giải quyết các vấn đề sản xuất, họ tự nhiên đóng vai trò huấn luyện viên, từ bỏ vai trò chỉ đạo và kiểm soát của một người “sếp” truyền thống và tạo ra môi trường học hỏi”, bà Hoàng Anh nhấn mạnh.

Tiếp đó, Chương trình đào tạo diễn ra với phần thảo luận sôi nổi giữa diễn giả và các cán bộ tham gia. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến áp dụng TWI trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan quản lý hành chính nhà nước… và nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía diễn giả.

Chương trình đào tạo về TWI lần này nằm trong chuỗi chương trình đào tạo nội bộ do Tổng cục TCĐLCL tổ chức về các công cụ cải tiến năng suất như Lean, 5S, Kaizen… Một cán bộ tham gia đào tạo chia sẻ: “Đây là chương trình vô cùng ý nghĩa, tôi đã tham gia đào tạo ngay từ những ngày đầu tiên và nhận thấy không những mình có hiểu biết sâu hơn về năng suất chất lượng, mà sau khi được đào tạo, tôi có thể áp dụng ngay tại nơi làm việc của mình, giúp cá nhân và các đồng nghiệp sắp xếp, thực hiện công việc hiệu quả và năng suất hơn”.