Tọa đàm trực tuyến: Sản xuất thông minh – thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Việt
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Tám 26, 2020 | 14:00 - Lượt xem: 1522
Nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp về sản xuất thông minh, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Sản xuất thông minh – thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Việt”.
Trước đây, sản xuất bị giới hạn trong chuỗi quy trình hoặc một quy trình biến nguyên liệu thô thành sản phẩm cuối cùng. Thế nhưng, điều đáng mừng là với xu thế của cuộc CMCN 4.0, sản xuất thông minh đã và đang chứng minh được tính ưu việt với máy tính điều khiển, cảm biến, công nghệ thông tin, động cơ thông minh, phần mềm quản lý sản xuất, xử lý tất cả các giai đoạn hoặc hoạt động cụ thể của quy trình sản xuất…
Cùng với sự kết hợp giữa con người và dữ liệu thu thập máy có thể thúc đẩy quản lý toàn doanh nghiệp và các mục tiêu tối ưu hóa toàn nhà máy, tính đến cả những yếu tố môi trường, hiệu quả tài chính và an toàn trong lao động.
Sản xuất thông minh không những làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế thông qua tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, chi phí nhân công cho từng đơn vị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh… mà còn là “bàn đạp” giúp nền kinh tế phát triển bền vững, giải phóng sức lao động.
Hơn nữa, ở những môi trường làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, máy móc thông minh, robot thông minh như “cánh tay đắc lực” giúp con người giải quyết các vấn đề để người lao động làm việc trong một môi trường an toàn, lành mạnh.
Xuất phát từ mục tiêu nâng cao nhận thức, kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp về sản xuất thông minh, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Sản xuất thông minh – thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Việt”, với sự tham gia của các khách mời:
– TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ
– Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà
MC: Xin trân trọng cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia chương trình!
Thưa ông Hà Minh Hiệp, sản xuất thông minh có lẽ là vấn đề khá mới mẻ tại Việt Nam, xin ông cho biết sản xuất thông minh có những đặc điểm nổi bật như thế nào?
Sản xuất thông minh là một khái niệm mới, có nhiều đặc thù. Tuy nhiên, tựu chung lại có 3 đặc thù chính.
Thứ nhất, sản xuất thông minh là quá trình tích hợp thực (quá trình sản xuất thực tế) với ảo (dựa trên nền tảng công nghệ thông tin) nhằm mục tiêu tối ưu hóa quá trình sản xuất.
Thứ hai, sản xuất thông minh là việc tích hợp quá trình sản xuất và kinh doanh với nhau. Mục đích là rút ngắn quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra lợi nhuận. Trên thực tế, trước đây có doanh nghiệp chưa kết hợp hài hòa giữa quá trình sản xuất với kinh doanh thì nay hệ thống sản xuất thông minh sẽ giúp doanh nghiệp làm tốt vấn đề này.
Thứ ba, sản xuất thông minh là giải pháp để doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu khách hàng và thị trường theo thời gian thực, rút ngắn thời gian thu hồi vốn, tạo nên tính linh hoạt trong quá trình sản xuất.
MC: Nền kinh tế số ở Việt Nam cũng đang được đẩy mạnh, vậy hiện nay, sản xuất thông minh đã được ứng dụng như thế nào và mang lại hiệu quả ra sao, thưa ông Hiệp?
Khái niệm kinh tế số thời gian gần đây được nhắc đến nhiều trong hệ thống các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch hành động của Đảng và Nhà nước ta. Hiện tại, việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam đang hướng theo khung chương trình do Bộ KH&CN và Bộ TT&TT đưa ra.
Trong bối cảnh mới đã có nhiều doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh và như Tập đoàn Sơn Hà là ví dụ. Đối với góc độ cơ quan quản lý, việc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh nhằm xây dựng không gian để doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp công nghệ để tiến tới sản xuất thông minh, tạo nên kênh trao đổi về giải pháp giữa cơ quan quản lý, chuyên gia với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
MC: Thưa ông Hà Minh Hiệp, được biết, năm nay ông trở thành Chủ tịch Tổ chức Năng suất châu Á (APO). Với vai trò Chủ tịch APO, ông và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có định hướng gì để phát triển sản xuất thông minh ở các nước thành viên APO nói chung và Việt Nam nói riêng?
APO hiện nay bao gồm 21 nền kinh tế và theo chu kỳ sau hơn 20 năm thì Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch. Liên quan tới việc hỗ trợ thành viên APO tiếp cận, tham gia sản xuất thông minh, thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ thành lập Trung tâm xuất sắc (COE) tại Đài Loan. Trung tâm sẽ là không gian để các doanh nghiệp thành viên APO có thể tiếp cận tư vấn, hệ thống chuyên gia và cùng nhau chia sẻ về giải pháp hướng đến sản xuất thông minh.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có kế hoạch cử đoàn học tập kinh nghiệm, giải pháp về sản xuất thông minh. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên chúng tôi đã linh hoạt chuyển sang hình thức trực tuyến. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ các nước thành viên APO tham gia chương trình nghiên cứu về sản xuất thông minh, tiến hành dự án đánh giá doanh nghiệp trong khoảng thời gian một năm, đánh giá nhu cầu của các quốc gia về sản xuất thông minh.
Sắp tới, chúng tôi dự định triển khai dự án về xây dựng hệ sinh thái cho sản xuất thông minh. Đồng thời, triển khai hoạt động xây dựng mô hình điểm doanh nghiệp sản xuất thông minh để các doanh nghiệp khác nhìn vào đó học tập kinh nghiệm.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo, giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận các hệ thống sản xuất thông minh, các giải pháp chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất thông minh.
MC: Thưa ông Hoàng Mạnh Tân, được biết Sơn Hà hiện là Tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu Việt Nam và châu Á, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực: sản phẩm dân dụng và công nghiệp, nước (khai thác và cung cấp nước sạch quy mô lớn, cung cấp giải pháp xử lý nước thải hiện đại), năng lượng tái tạo (điện năng lượng mặt trời và gió), hạ tầng công nghiệp và bất động sản, nội thất với nhiều sản phẩm chất lượng cao. Vậy, công ty đã ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất kinh doanh như thế nào?
Nguồn gốc phát triển của Sơn Hà là từ doanh nghiệp sản xuất, sau đó chúng tôi xây dựng các hệ thống kinh doanh, đáp ứng nhu cầu trên thị trường. Các mặt hàng phần lớn phục vụ các sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng Việt Nam cũng như xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
Trước xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, Sơn Hà nhận thức đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất, trong đó có dịch chuyển về Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất không chỉ cạnh tranh trong một sân chơi nhỏ nội địa, mà chúng ta phải thích ứng được trên sân chơi toàn cầu, sân chơi trong các hệ thống Hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã và đang kí kết. Các doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có thể vào Việt Nam đầu tư, bình đẳng với doanh nghiệp Việt cả về thị trường trong nước lẫn thị trường quốc tế.
Vì vậy, trong bối cảnh CMCN 4.0, tôi cho rằng doanh nghiệp không ai có thể đứng ngoài sản xuất thông minh. Từ nhận thức trên, phía Sơn Hà đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Trước tiên, về sản xuất, chúng tôi cũng đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ mới. Thứ hai, chúng tôi đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin về quản trị, sản xuất kinh doanh, phân phối… được xử lý trên nền tảng công nghệ thông tin nhanh nhất.
Ví dụ trước đây, Sơn Hà thường sản xuất theo kế hoạch tháng hoặc theo nhu cầu của đơn vị đại lý đặt trước đó. Thế nhưng, hiện nay chúng tôi thích ứng trên nền tảng áp dụng hệ thống ERP – khi có bất kì đơn đặt hàng từ một đại lý hoặc chi nhánh nào, có thể nhanh chóng đưa thông tin ngay đến đơn vị sản xuất, đơn vị vật tư, tài chính… liên quan đến loại hàng hóa đó.
Theo đó, giảm thiểu tối đa thời gian logistics, thời gian chết, thời gian vận chuyển đưa hàng tới tay người tiêu dùng và giảm thời gian tồn kho (thậm chí không còn thời gian tồn kho), đáp ứng ngay nhu cầu cho khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Có như vậy doanh nghiệp mới có thể cạnh tranh được trên thị trường ngày càng khốc liệt, đó cũng chính là thành quả trước mắt từ việc ứng dụng sản xuất thông minh.
MC: Thưa ông Hiệp, xin ông cho biết yếu tố nào là nền tảng cốt lõi của sản xuất thông minh, khi ứng dụng cụ thể vào các doanh nghiệp Việt Nam có điểm gì khác biệt và cần chú ý so với các nước trên thế giới?
Việc áp dụng sản xuất thông minh đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí hậu cần, chi phí quản lý chất lượng, logistic từ 10-20%. Chi phí hàng tồn kho khi áp dụng sản xuất thông minh cũng sẽ giảm từ 30-40%.
Theo tôi, yếu tố nền tảng đầu tiên cần chú trọng khi áp dụng sản xuất thông minh nằm ở con người. Trong đó, quan trọng nhất là tầm nhìn, kiến thức, khả năng nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp.
Yếu tố thứ hai phải kể đến là hệ thống quản lý được áp dụng cho doanh nghiệp. Về vấn đề này, thời gian qua, chúng tôi cũng đã hỗ trợ cho hàng loạt doanh nghiệp về các hệ thống quản lý, đặc biệt như các tiêu chuẩn ISO. Hiện nay, theo xu hướng chung, trước khi muốn chuyển sang sản xuất thông minh, doanh nghiệp cần áp dụng hệ thống quản lý sản xuất tinh gọn, điển hình như Lean.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, vấn đề cấp thiết cần triển khai là tiến hành đánh giá doanh nghiệp xem trình độ sản xuất của doanh nghiệp đang ở đâu, định hướng phát triển thế nào.
Tổng cục TCĐLCL đã triển khai hỗ trợ đánh giá thực trạng tại 8 doanh nghiệp, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai các giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh, xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất thông minh cho doanh nghiệp.
MC: Khi ứng dụng công nghệ thông minh và thành quả của CMCN 4.0 trong sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Sơn Hà đã có những hiệu quả như thế nào, thưa ông Tân?
Trong sản xuất thông minh, quản trị làm giảm thời gian chết (thời gian tồn kho, thời gian logistics…), giảm các chi phí liên quan, đáp ứng đơn hàng một cách nhanh nhất, đấy là hiệu quả trực diện mà chúng ta nhận thấy.
Đặc biệt về năng suất, sản xuất thông minh giúp năng suất cao hơn. Tại Việt Nam, theo đánh giá trong khu vực ASEAN hay bình diện toàn châu Á, năng suất lao động tại Việt Nam còn ở “vùng trũng”. Khi cạnh tranh một cách sòng phẳng thì bài toán năng suất cần phải được giải quyết. Và rõ ràng, đáp án của bài toán năng suất chính là thông minh hóa quá trình sản xuất, kinh doanh.
Phía Sơn Hà hiện cũng có sự đầu tư lớn. Ví dụ, gần đây Sơn Hà đang phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và nước sạch. Chúng tôi ứng dụng hệ thống điện mặt trời, sử dụng công nghệ hiện đại nhất của thế giới bây giờ. Nghĩa là một gia đình hoặc doanh nghiệp có thể lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời, kết nối thông minh qua mạng internet, đưa thông tin đến các app trên điện thoại cầm tay. Hàng ngày, hàng giờ, chúng ta có thể nắm bắt nhanh chóng lượng điện sản xuất ra bao nhiêu, tiêu thụ hết bao nhiêu và quy ra tiền phải trả là bao nhiêu…
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phát triển một nhà máy nước sạch được quản trị dưới nền tảng thông minh, cập nhật thông số từng phút, từng giờ. Thậm chí khi có sự cố hoặc vấn đề phát sinh, chúng tôi xử lý mọi việc, xử lý sự cố rất nhanh, chỉ 1 phút khi nhận được thông tin.
Theo tôi, trong thời đại công nghệ hiện nay, nếu doanh nghiệp không xác định hướng đầu tư thông minh thì gần như rất khó tham gia, cũng như cạnh tranh với sự phát triển của thế giới.
MC: Trong bất kỳ mô hình nào, chúng ta đều có các tiêu chí, tiêu chuẩn để tạo khung cho quá trình thực hiện và đánh giá chất lượng sản phẩm. Ở Sơn Hà, doanh nghiệp đã coi vấn đề tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm như thế nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình?
Tiêu chuẩn cho sản phẩm là vô cùng quan trọng, bởi trong thị trường rất nhiều nhà cung ứng khi cạnh tranh với đối thủ, chúng ta không thể cạnh tranh về giá, mà phải cạnh tranh về chất lượng.
Hiện nay, người tiêu dùng rất thông minh. Có hai phân khúc sản phẩm: Thứ nhất, sản phẩm chất lượng cao và giá cả cũng cao, thuộc hàng xa xỉ, cao cấp; Thứ hai, sản phẩm phục vụ cho đại đa số người tiêu dùng là sản phẩm tốt và giá cả cạnh tranh. Thị trường chắc chắn không chấp nhận sản phẩm giá rẻ, chất lượng tồi, kể cả có “rẻ như cho” thì cũng không phải là sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Thực tế chứng minh, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng giá rẻ hoặc nhập khẩu hàng Trung Quốc giá rẻ không thể tồn tại được, kể cả thị trường nông thôn chứ chưa nói đến thành thị. Dần dần sẽ định hình thị trường của tiêu chuẩn, chất lượng. Để có một sản phẩm chất lượng tốt, chúng ta phải tuân thủ các tiêu chuẩn có trong từng khâu (khâu đánh giá sản phẩm, QA, QC cho sản phẩm, lưu trữ kho…).
Đối với Sơn Hà, chúng tôi rất chú trọng tiêu chuẩn. Tôi khẳng định, thiếu tiêu chuẩn sẽ không thể có sản phẩm tốt. Bởi trong một hệ thống thông minh, thuận lợi đầu tiên là quản lý tiêu chuẩn dễ dàng, truy xuất nhanh chóng từng khâu, quy trách nhiệm từng bộ phận…
Sản xuất thông minh đáp ứng rất nhanh quản lý chất lượng sản phẩm, hỏng tại đâu, xử lý ngay chỗ đó. Rõ ràng, chúng ta không thể kiểm soát bằng con người, bằng mắt thường mọi khâu, mọi chỗ mà phải quản lý mọi thứ trên nền tảng thông minh.
MC: Nói rộng ra thì tiêu chuẩn chất lượng có lẽ là yếu tố cần thiết và quan trọng để DN đưa ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Vậy, thưa ông Hiệp, tiêu chuẩn chất lượng có vai trò gì trong sản xuất thông minh, liệu sản xuất thông minh có cần tiêu chuẩn?
Tiêu chuẩn chắc chắn cần thiết cho mọi lĩnh vực chứ không riêng sản xuất thông minh. Tiêu chuẩn giống như một thứ ngôn ngữ và kênh kết nối chung giữa các chủ thể với nhau. Nếu có tiêu chuẩn trong tay, doanh nghiệp có thể dễ dàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa hàng hóa vào thị trường thế giới.
Đối với tiêu chuẩn về sản xuất thông minh, hiện sẽ phân nhóm về hệ thống sản xuất, chu trình kinh doanh, dữ liệu (mục tiêu là đưa các thông tin, dữ liệu về cùng một kênh để các doanh nghiệp có kết nối với nhau đều hiểu và thực hiện được).
Hiện nay, Tổng cục TCĐLCL đang triển khai áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ASC95, đây là tiêu chuẩn giúp chúng ta kết nối sản xuất thông minh và đánh giá mức độ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh dựa trên tiêu chuẩn này. Năm 2020, chúng tôi dự kiến trình Bộ KH&CN ban hành khung tiêu chuẩn về sản xuất thông minh.
Sản xuất thông minh bao gồm rất nhiều quy trình, phân vùng nên chúng ta cần có khung tiêu chuẩn để hướng dẫn doanh nghiệp trong từng quy trình, giai đoạn cụ thể nên áp dụng tiêu chuẩn nào của thế giới hay tiêu chuẩn nào mà Việt Nam đã có. Thời gian tới (năm 2021) chúng tôi sẽ giao Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chuẩn ISO IEC 62244 – tiêu chuẩn rất mới về sản xuất thông minh.
Dự kiến cuối năm nay Việt Nam có sáng kiến ASEAN liên quan đến việc chia sẻ khung tiêu chuẩn cho doanh nghiệp, cộng đồng quốc gia ASEAN.
MC: Ở Tập đoàn Sơn Hà việc xây dựng và ứng dụng công nghệ mới, hiện đại đã được thực hiện. Vậy trong tương lai ban lãnh đạo Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này như thế nào để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao, nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp?
Ban lãnh đạo Sơn Hà xác định, doanh nghiệp muốn tồn tại cần phải thích ứng. Chúng ta phải nắm được thị trường hướng đến, xác định đối tượng cạnh tranh, với mức giá thành như thế nào, nhằm mang sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng với chi phí hợp lí nhất.
Ngoài ra, Sơn Hà cũng đang bắt tay với một số doanh nghiệp nước ngoài tại các nước phát triển nhằm học hỏi kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo vào doanh nghiệp mình. Tiếp theo, chúng tôi chuẩn bị ra mắt thị trường sản phẩm xe máy điện dựa trên nền tảng năng lượng sạch, giao thông xanh, những sản phẩm theo xu hướng sử dụng điện. Trong từng sản phẩm hướng tới xu hướng trên, các sản phẩm xe máy, ô tô hướng tới sản xuất sản phẩm thông minh (ví dụ như xe tự lái, các kết nối thông minh giữa người lái với các thiết bị khác…).
Ví dụ trong tương lai, công nghệ sản xuất thông minh hoặc công nghệ in 3D áp dụng để sản xuất xe máy, ô tô đơn giản tới mức, phần lõi có thể sản xuất tập trung nhưng ngoại hình có thể sản xuất ngay tại nơi cung ứng hàng hóa, khách hàng thích màu gì hay kiểu dáng gì, chúng tôi có thể đáp ứng ngay, mang tính cá nhân hóa cao. Trong xu hướng như vậy, nếu chúng ta áp dụng hệ thống thông minh sẽ là địa điểm tin cậy để người tiêu dùng hướng đến.
MC: Vậy, việc áp dụng sản xuất thông mình được thúc đẩy áp dụng vào các nền kinh tế thành viên APO có hiệu quả như thế nào trong cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp, thưa ông Hà Minh Hiệp?
Sản xuất thông minh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Từ tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí logistic, hàng tồn kho. Hiện các doanh nghiệp trong APO cũng đang tập trung rất nhiều vào việc chia sẻ giải pháp công nghệ, hỗ trợ chuyển đổi sang sản xuất thông minh.
Định hướng của APO thời gian tới là xây dựng các giải pháp tiếp cận sản xuất thông minh cho doanh nghiệp. Ví dụ như giải pháp số hóa hệ thống sản xuất. Trước khi xây dựng nhà máy thật, doanh nghiệp có thể xây dựng nhà máy ảo (dựa trên công nghệ thông tin), sau đó tính toán hiệu quả hoạt động, đưa các hệ thống công cụ (ví dụ như Lean) vào để tối ưu hóa sản xuất.
MC: Xin trân trọng cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia chương trình!