Tọa đàm trực tuyến: Kinh tế tuần hoàn vì tương lai xanh
Thứ Tư, Tháng Chín 30, 2020 | 21:41
Với mục tiêu đưa ra phương hướng giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn vì tương lai xanh”.
Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, để phát triển bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, phù hợp định hướng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được hiểu là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra các cơ hội kinh tế, nhất là đối với doanh nghiệp và nhà khoa học trong hoạt động thiết kế, tái chế và sáng tạo. Việc giải quyết các vấn đề liên quan tình trạng khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất rác thải trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn… đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho nền kinh tế.
Đặc biệt, các doanh nghiệp khi tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất sẽ nâng cao “sức khỏe” cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, tạo ra sản phẩm không những đạt chất lượng cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào kinh tế tuần hoàn thuận lợi nhất, đồng thời nâng cao giá trị thì trái phiếu xanh là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp khẳng định được uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế.
Xuất phát từ những mục tiêu trên, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn vì tương lai xanh”, với sự tham gia của các khách mời:
– TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ
– Bà Phí Thị Minh Nguyệt – Đại diện Tổ chức sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI)
Chương trình diễn ra vào lúc 8h30 ngày 25/09 tại Chất lượng Việt Nam Online!
Thưa ông Hà Minh Hiệp, kinh tế tuần hoàn dường như đang là chủ đề rất nóng tại các diễn đàn kinh tế Việt Nam hiện nay. Xin ông cho biết vài nét cơ bản về kinh tế tuần hoàn? Và tính ưu việt của nó so với kinh tế tuyến tính là gì ?
TS. Hà Minh Hiệp: Khi nói đến kinh tế tuyến tính thường nói đến quy trình bắt đầu từ vốn nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ. Tuy nhiên, khi nói đến kinh tế tuần hoàn là nói đến mô hình ưu việt hơn, thể hiện ở chỗ giúp doanh nghiệp, các quốc gia thúc đẩy phát triển bền vững, hướng đến thải bỏ bằng không (= 0). Chính vì vậy, kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp thải bỏ, bài toán kinh tế tuần hoàn giải quyết được vấn đề giữa kinh tế và bảo vệ môi trường. Thảm họa do con người không chỉ chiến tranh giữa các quốc gia, mà gần đây là con người với môi trường và dịch bệnh. Các quốc gia giành rất nhiều nỗ lực và chung tay giải quyết vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trong nền kinh tế tuần hoàn thì sự góp mặt của trái phiếu xanh. Vậy xin bà Phí Thị Minh Nguyệt chia sẻ ngắn ngọn Trái phiếu xanh là gì?
Bà Phí Thị Minh Nguyệt: Chúng ta vẫn biết, biến đổi khí hậu đã và đang là vấn nạn toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống. Từ nhận thức về biến đổi khí hậu, các quốc gia đang có nỗ lực xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh, chuyển dịch từ một nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, từ một nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, do đó chúng ta sẽ cần một lượng vốn rất lớn.
Theo dự tính từ tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), để giảm một nửa lượng phát thải từ nay cho đến năm 2050, thế giới sẽ cần khoảng 46 nghìn tỷ đô, tương đương 1 nghìn tỷ đô mỗi năm để có thể có được sự chuyển dịch trên. Vậy thì, câu hỏi đặt ra là nguồn vốn ở đâu để chúng ta có thể có sự chuyển dịch? Từ đó, sáng kiến về trái phiếu xanh được ra đời phục vụ mục tiêu huy động vốn để phục vụ quá trình chuyển dịch xanh.
Chúng ta có thể hiểu, trái phiếu xanh về mặt bản chất là một công cụ nợ, giống như trái phiếu thông thường. Nhà phát hành phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn, để vay nợ trên thị trường chứng khoán, tài chính thay vì đi vay vốn ngân hàng. Điểm mấu chốt của trái phiếu xanh là tiền thu được sẽ dùng để tài trợ vốn cho các dự án có tác động tốt tới môi trường hoặc những dự án chống biến đổi/thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thưa TS Hà Minh Hiệp, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay diễn ra như thế nào và nó mang lại hiệu quả ra sao. việc chuyển dịch xanh, xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, đồng thời thúc đẩy xây dựng thị trường vốn xanh rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong lộ trình phát triển bền vững của mình. Theo Ông, Việt Nam đang có những tiềm năng như thế nào để xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn ạ?
TS. Hà Minh Hiệp: Ở Việt Nam hiện nay, các bộ ngành cũng như các doanh nghiệp đang tích cực hưởng ứng sáng kiến này. Cụ thể, có thể thấy Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua đã rất tích cực đưa các quy định, vấn đề quản lý vào trong các văn bản, dự thảo sắp tới. Ở góc độ cơ quan quản lý, chúng ta có thể thấy Hiệp hội doanh nghiệp phát triển bền vững thuộc VCCI, hằng năm họ đều tổ chức diễn đàn về kinh tế tuần hoàn rất chuyên sâu và có mời các nhà công nghệ, các đơn vị tài chính… để có sự trao đổi và chia sẻ làm sao để chúng ta có những sáng kiến về kinh tế tuần hoàn. Ngay cả Viện Năng suất Việt Nam, chúng tôi cũng luôn có dự án hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp về năng suất xanh và phát triển bền vững.
Ở góc độ doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam rất quan tâm đến kinh tế tuần hoàn. Có thể thấy vào tháng 6/2019, Nestle cũng đã cùng một số các tập đoàn lớn thành lập nên Liên minh Pro Việt Nam giúp cho chúng ta ứng phó xử lý tái chế các nguyên liệu, các sản phẩm của các doanh nghiệp và hướng đến 2025, 100% sản phẩm được tái chế.
Hội đồng công trình xanh Việt Nam cũng hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng, ví dụ chúng ta hướng đến việc giảm mức sử dụng nguyên liệu nhiều nhất, giảm mức sử dụng các vật liệu gây ô nhiễm, tăng cường các thiết bị, công cụ thay thế được và giảm các không gian chôn lấp trong quá trình xây dựng. Hướng đến quy trình khép kín từ vấn đề thiết kế, xây dựng, sử dụng và tháo dỡ công trình.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nông nghiệp có rất các doanh nghiệp hướng đến mô hình này. Ví dụ như Vinamilk, họ áp dụng mô hình kinh tế vào toàn bộ quy trình, hướng đến các sản phẩm đến tay người tiêu đều hướng đến bảo vệ môi trường.
Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, VCCI và các tổ chức giống như VCCI tạo ra một nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam triển khai tốt mô hình này.
Thưa bà Nguyệt, trái phiếu xanh có ý nghĩa như thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam?
Bà Phí Thị Minh Nguyệt: Trong bối cảnh CMCN 4.0, nền kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa rất quan trọng. Khi chúng ta muốn chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn cần phải có nguồn vốn lớn bởi kinh tế tuần hoàn đòi hỏi áp dụng khoa học, công nghệ cao. Bản thân các doanh nghiệp cũng đang rất nỗ lực để tìm hướng đi, ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn.
Như tôi vừa chia sẻ, trái phiếu xanh chính là công cụ huy động vốn, điểm rất hay đó là ngoài việc huy động vốn trên thị trường tài chính Việt Nam thì trái phiếu xanh còn có thể thu hút nguồn vốn ngoại từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư quan tâm tới vấn đề môi trường vào Việt Nam.
Thông qua trái phiếu xanh, chúng ta cũng có thể nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để chúng ta có thể có đủ nguồn vốn để triển khai những kế hoạch nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Để vượt qua những thách thức, khó khăn thì chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp như thế nào để phát triển kinh tế tuần hoàn một cách tốt nhất thưa ông Hiệp?
TS. Hà Minh Hiệp: Để có giải pháp hiệu quả nhất, việc đầu tiên chúng ta cần làm là nhận thức về kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần hiểu đúng về vấn đề này, nó khác với các khái niệm khác và khác cả với hoạt động đang diễn ra trong cuộc sống và doanh nghiệp.
Thứ 2, tôi thấy rằng chúng ta cần tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển, bởi vì mô hình kinh tế tuần hoàn nó chỉ là kết quả cuối cùng, khi chúng ta thiết kế dự án, sản phẩm chúng ta cần tính toán luôn mô hình kinh tế tuần hoàn cho ra sản phẩm đấy. Chính vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển là một trong những giải pháp chúng tôi đánh giá là cần thiết cho các doanh nghiệp cũng như cộng đồng.
Thứ 3, chúng ta cần ứng dụng công nghệ mới, chúng ta sẽ đưa các công nghệ vào để xử lý tái chế, biến rác thải, thải bỏ thành nguyên liệu đầu vào của chu trình sản xuất khác.
Thứ 4, chúng ta cần có hệ thống chính sách, cơ chế bài bản áp dụng cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các đơn vị giải pháp và cho người tiêu dùng. Đã có rất nhiều nước phát triển có kinh nghiệm trong việc này, chúng tôi đã trực tiếp đi thăm mô hình kinh tế tuần hoàn của Đài Loan, riêng trong tái chế họ đã có rất nhiều luật quy định về tái chế, từ vấn đề tái chế về thiết bị y tế, tái chế về công nghiệp, nông nghiệp,.. họ có những bộ luật giúp cho doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật.
Thứ 5, tôi thấy rằng chúng ta cần có những kế hoạch triển khai giải pháp về kinh tế tuần hoàn cho các ngành cụ thể. Mỗi ngành lĩnh vực thường có đặc thù riêng như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, y tế… chúng ta cần có những kế hoạch, hành động, chiến lược cụ thể cho lĩnh vực đấy. Cuối cùng, chúng tôi thấy rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn không phải của việc của một quốc gia, mà là của nhiều quốc gia; không phải của một bộ ngành mà là của nhiều bộ ngành; không phải việc của một tổ chức mà là nhiều tổ chức. Chúng ta cần có sự kết nối của cộng đồng để đưa mô hình kinh tế tuần hoàn vào đời sống.
Vậy bà Nguyệt, có thể cho biết những cơ hội để phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam?
Bà Phí Thị Minh Nguyệt: Theo tôi, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển thị trường trái phiếu xanh. Cơ hội đến từ điều kiện thuận lợi từ môi trường quốc tế cũng như nội tại. Về điều kiện thuận lợi đến từ môi trường quốc tế, tôi cho rằng, điều kiện thuận lợi trước tiên đến từ nhu cầu của những nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là những nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề môi trường.
Thị trường trái phiếu xanh bắt đầu khai mở từ những năm 2007, 2008 với 2 đợt phát hành trái phiếu xanh rất lớn: Đợt đầu tiên đến từ Ngân hàng phát triển châu Âu với khối lượng phát hành khoảng 600 triệu đô. Ngay sau đó, Ngân hàng thế giới cũng phát hành với khối lượng phát hành khoảng 300 triệu đô. Kể từ đó, thị trường trái phiếu xanh thế giới phát triển khá tốt.
Từ cuối năm 2009, tổng khối lượng phát hành trái phiếu xanh trên toàn thế giới vào khoảng 250 tỷ đô. Tuy nhiên, chúng ta hãy so sánh con số này với nguồn vốn mà chúng ta cần phải huy động để có thể chuyển dịch xanh – hàng nghìn tỷ đô hàng năm. Vậy thì con số trên vẫn chưa thấm vào đâu, và dư địa dành cho trái phiếu xanh còn rất lớn. Cơ hội thứ hai đến từ chính tiềm năng của thị trường, đó là thị trường phát triển khá nhanh tạo nên tính thanh khoản cho thị trường. Một dấu mốc quan trọng cho thị trường trái phiếu xanh toàn thế giới kể từ 2014 trái phiếu xanh phát triển rất mạnh, tốc độ tăng trưởng trái phiếu xanh năm 2014 cao hơn so với năm 2013 là 80%.
Từ 2014 đến 2019 tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường trái phiếu xanh trên thế giới là khoảng 55%. Đây là tốc độ tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, tạo nên sức lan tỏa và độ lớn của thị trường, tính thanh khoản của các công cụ trên thị trường. Một điều nữa đó là, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng quốc tế, bởi chúng ta là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc biến đổi khí hậu. Theo cam kết tự nguyện, Việt Nam có cam kết giảm 25% – mức cam kết rất cao – lượng phát thải với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho đến năm 2030. Vì vậy, cộng đồng quốc tế đang rất quan tâm và rất muốn hỗ trợ Việt Nam. Còn đối với thị trường nội tại Việt Nam cũng có những điều kiện rất thuận lợi. Điều kiện thứ nhất tôi cho rằng đến từ động lực chúng ta cần phải thay đổi.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, trong đó 2/3 khối lượng năng lượng mà chúng ta đang sử dụng đến từ than, dầu hoặc những năng lượng không tái tạo khác, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chúng ta cần phải chuyển dịch xanh, chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn sử dụng năng lượng tái tạo, và rõ ràng chúng ta cần phải có các hành động để huy động vốn, và đó là tiềm năng của thị trường trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, động lực cũng đến từ chính sách của Chính phủ, sự nhận thức của Chính phủ.
Thưa TS Hà Minh Hiệp, cụ thế hơn Bộ KH&CN và Tổng cục TCĐLCL đã có những hoạt động khuyến khích và hỗ trợ hoạt động kinh tế tuần hoàn cũng như trái phiếu xanh như thế nào?
TS. Hà Minh Hiệp: Việc khuyến khích và hỗ trợ hoạt động kinh tế tuần cũng như trái phiếu xanh là việc của nhiều quốc gia, của nhiều cơ quan. Dưới góc độ của Bộ KH&CM và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, chúng tôi đã tổ chức các chương trình đào tạo cũng như nâng cao nhận thức, thông qua Tổ chức Năng suất Châu Á.
Hằng năm, Tổ chức Năng suất Châu Á mở ra rất nhiều khóa đào tạo về kinh tế tuần hoàn cũng như nghiệp vụ huy động các nguồn lực thể thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó, trái phiếu xanh là một ví dụ như vậy. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã xây dựng hợp tác cụ thể từ các tổ chức, đơn vị như VCCI, CBI, Trung tâm Năng suất của Đài Loan…Trong đó, CBI là đối tác chúng tôi đánh giá rất cao, sẽ cùng với Tổng cục TCĐLCL đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Tiếp đó, như chúng ta đã biết, Thủ tướng vừa phê duyệt Chương trình 1322 Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất chất lượng đến năm 2030, trong đó, Thủ tướng quy định rất cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các công cụ năng suất xanh và hướng tới kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hội nhập. Cuối cùng, hiện nay doanh nghiệp cũng đã áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn, các bộ công cụ hướng tới phát triển và bảo vệ môi trường. Ví dụ như: bộ tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, bộ tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…
Sắp tới, chúng tôi hướng đến phổ biến đưa bộ tiêu chuẩn của Anh BI 8001:2017 vào trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng các khung phát triển về kinh tế tuần hoàn. Đó là những công việc mà chúng tôi sẽ hướng đến trong thời gian tới để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp
Song song với cơ hội luôn có thách thức, bà Nguyệt có thể cho biết những thách thức mà trái phiếu xanh phải đối mặt tại Việt Nam?
Bà Phí Thị Minh Nguyệt: Theo tôi, thách thức đối với nền kinh tế tuần hoàn đến từ nhận thức của người dân và của doanh nghiệp. Linh hồn của một nền kinh tế tuần hoàn đó là việc phân loại, tái chế, tái sử dụng nguồn lực, hiểu một cách đơn giản chính là rác thải. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, khái niệm kinh tế tuần hoàn, phân loại, tái sử dụng vẫn chưa thực sự phổ biến.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, chúng ta thấy rằng ở Việt Nam hiện có một số ít doanh nghiệp lớn quan tâm đến vấn đề môi trường, đưa ra các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh đố chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa gắn liền hoạt động của mình với hoạt động bảo vệ môi trường, thậm chí sử dụng máy móc, thiết bị còn lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Theo bà Nguyệt đánh giá, hệ thống pháp lý của Việt Nam đã có sự hỗ trợ như thế nào đến phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như trái phiếu xanh?
Bà Phí Thị Minh Nguyệt: Theo tôi, hiện nay cơ sở pháp lý của Việt Nam đối với trái phiếu xanh cũng đã sẵn sàng để các tổ chức có thể phát hành được trái phiếu xanh. Cơ sở pháp lý đầu tiên phải kể đến từ năm 2012 khi Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; năm 2014 Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động để thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Dấu mốc quan trọng nhất là đến năm 2017 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020. Trong đó, có đề cập đến việc phát triển thị trường vốn xanh, tài chính xanh, đối với những dự án thân thiện với môi trường. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có những Nghị định để hỗ trợ các tổ chức phát hành trái phiếu xanh. Đơn cử như Nghị định 163/2018, sau đó là Nghị định 81/2020. Trong Nghị định này có quy định rất rõ về việc cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh và những quy định cụ thể về phát hành trái phiếu xanh. Quy định này khá là tiệm cận với các nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn toàn cầu. Còn đối với trái phiếu chính quyền địa phương, chúng ta có Nghị định 93/2018. Sắp tới, theo tôi được biết trong Dự thảo Luật bảo vệ môi trường có quy định một nội dung về trái phiếu xanh. Và đó là khung pháp lý cao nhất để thấy trái phiếu xanh có thể phát triển mạnh ở thị trường Việt Nam.
Theo VietQ