Tọa đàm trực tuyến: ‘Đảm bảo đo lường với hàng hoá đóng gói sẵn’
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Mười 6, 2022 | 15:40 - Lượt xem: 900
Đối với nhóm sản phẩm hàng hóa đóng gói sẵn thì việc đảm bảo cân, đo, đong, đếm đầy đủ là một trong những yêu cầu tất yếu, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Xuất phát từ yêu cầu trên, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức Chương trình tọa đàm trực tuyến: “Đảm bảo đo lường với hàng hóa đóng gói sẵn”.
MC: Kính chào quý vị và các bạn, quý vị và các bạn đang theo dõi chương trình Toạ đàm của Chất lượng Việt Nam.
Thưa quý vị, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 996/QĐ-TTg về Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Một trong những mục tiêu của chương trình là Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp.
Nổi lên trong đó là nhóm sản phẩm mà mỗi chúng ta đều đang sử dụng hàng ngày như chai nước lọc, túi trà, café hay bánh, kẹo… được đóng gói sẵn. Việc đảm bảo cân, đong, đo, đếm đầy đủ là một trong những yêu cầu của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm đóng gói sẵn.
Hôm nay, Chất lượng Việt Nam sẽ có cuộc trao đổi với các vị khách mời: Ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Ông Phan Minh Hải, Chuyên gia Tổ tư vấn Đề án 996; Ông Đào Văn Toàn – Phó giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt (Thái Nguyên) về những vấn đề liên quan đến hoạt động đảm bảo đo lường với hàng hoá đóng gói sẵn.
Vâng, xin cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình hôm nay.
MC: Câu hỏi đầu tiên xin được gửi đến ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường. Thưa ông, được biết Tổng cục TCĐLCL là đơn vị tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai đề án 996. Xin ông cho biết, sau nhiều năm thực thi, hiện nay Đề án 996 đã được triển khai như thế nào, hiệu quả mang lại ra sao?
Ông Trần Quý Giầu: Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tổng cục TCĐLCL là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò được giao đầu mối, chủ trì triển khai Đề án 996.
Một trong các mục tiêu chung của Đề án là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp.
Về kết quả, thời gian qua, theo nhiệm vụ được giao trong Đề án, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16/01/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030, theo đó xác định rõ công việc, tiến độ, phân công cụ thể đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 996;
Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường
Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 Phê duyệt “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
Quyết định số 2783/QĐ-BKHCN ngày 13/10/2020 về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13187:2020 Phòng thí nghiệm đo lường – Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường;
Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.
Đến nay 51 tỉnh, thành phố, 03 Bộ đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 996. Một số địa phương đang hỗ trợ doanh nghiệp triển khai chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp (như tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ 03 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên; Công ty TNHH Xăng dầu Bắc Thái; Hợp tác xã chè Hảo Đạt), tỉnh Bình Định hỗ trợ Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định);
Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tuyên truyền về Đề án 996; trong đó, có việc phối hợp với các tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Định, Lạng Sơn… tổ chức hội thảo và lồng ghép tuyên truyền hướng dẫn chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Đặc biệt là tổ chức 06 Hội thảo đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp tại 3 khu vực Miền Bắc, Miền Trung – Tây Nguyên, Miền Nam cho trên 500 đại biểu thuộc 382 cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, 6 hội thảo được chia thành 2 đợt, đợt 1 vào tháng 4/2022 phổ biến cho các đơn vị thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục TCĐLCL, Trung tâm ứng dụng/TĐC các tỉnh, TP, đợt 2 vào tháng 8/2022 cho các tổ chức đăng ký, chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo chuẩn đo lường;
Ngày 6/4/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng cục TCĐLCL đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường trong sản xuất kinh doanh điện năng giai đoạn đến năm 2030 để thực hiện Đề án 996 về đo lường. Để triển khai MoU này, EVN đã có Công văn số 4728/EVN-KD ngày 23/8/2022 gửi các Tổng Công ty Điện lực để thực hiện: đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về Đề án 996; Hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021; Xây dựng mô hình điểm cho doanh nghiệp kinh doanh điện năng, doanh nghiệp sản xuất phương tiện đo, doanh nghiệp thí nghiệm, kiểm định phương tiện đo áp dụng chương trình đảm bảo đo lường; nghiên cứu phương pháp đo, kiểm định để nâng cao năng suất lao động trong ngành điện lực…
Chuẩn bị phê duyệt Chương trình, giáo trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thuộc Đề án 996. Triển khai nhiều khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và mô hình điểm xây dựng áp dụng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp nhằm từng bước đạt được mục tiêu đề ra của Đề án 996 đến 2025 ít nhất bồi dưỡng được 10.000 cán bộ tham gia hoạt động về đo lường và ít nhất 50.000 doanh nghiệp triển khai chương trình đảm bảo đo lường.
Hi vọng thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, Tổng cục và địa phương sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp hưởng ứng tham gia, xây dựng, áp dụng chương trình đảm bảo đo lường.
MC: Thưa ông Phan Minh Hải, ông đánh giá như thế nào về sự hưởng ứng của doanh nghiệp đối với chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp trong thời gian qua?
Ông Phan Minh Hải: Thời gian qua, tôi đã tham gia phổ biến, tập huấn trong khuôn khổ Đề án 996 tại nhiều địa phương. Theo tôi, bước đầu các doanh nghiệp, cơ quan quản lý tại địa phương đã có sự thay đổi cơ bản trong nhận thức về vai trò của hoạt động đo lường tại doanh nghiệp.
Ông Phan Minh Hải – Chuyên gia Tổ tư vấn Đề án 996.
Tại một số địa phương cũng đã đăng ký để được tập huấn, hỗ trợ việc triển khai chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp. Cho đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ngày càng tăng lên. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp đối với việc triển khai hoạt động bảo đảm đo lường, đổi mới đo lường trong doanh nghiệp ngày càng tăng lên.
MC: Thưa ông Toàn, là một trong những đơn vị được thụ hưởng Đề án 996, HTX Chè Hảo Đạt đã có những thay đổi gì trong hoạt động sản xuất kinh doanh?
Ông Đào Văn Toàn: Đề án 996 đã giúp HTX Chè Hảo Đạt thay đổi lớn. Giúp chúng tôi nâng cao trình độ, nhận thức nhất là khâu sản xuất, đóng gói. Ngoài ra, hàng hoá không bị thiếu hụt, nâng cao chất lượng sản phầm. Theo tôi, Đề án 996 là một trong những đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.
MC: Ngày nay, hàng hoá đóng gói sẵn rất phổ biến và trở thành nhu cầu thiết yếu của đa số người dân, việc sử dụng và lựa chọn hàng đóng gói sẵn là phù hợp. Thưa ông Trần Quý Giầu, xin ông chia sẻ thêm về thực trạng hàng hóa đóng gói sẵn trên thị trường hiện nay?
Ông Trần Quý Giầu: Hàng đóng gói sẵn là hàng hoá được định lượng, đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hoá không có sự chứng kiến của người mua.
Ngày nay, hàng đóng gói sẵn ngày càng phổ biến và dần trở thành văn minh thương mại trên toàn thế giới và chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong các mặt hàng được sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Ở các nước phát triển, hàng đóng gói sẵn chiếm tỉ trọng xấp xỉ 70% số lượng hàng hoá trong thương mại bán lẻ. Còn ở nước ta, tỉ lệ này là xấp xỉ 40% và ngày càng gia tăng cả số lượng và chủng loại. Hàng đóng gói sẵn được định lượng theo đơn vị đo khối lượng, thể tích, diện tích, chiều dài hoặc số đếm, ở các dạng lỏng, rắn và dạng đông lạnh.
MC: Để tuân thủ hoạt động đo lường trong sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn, theo ông Hải doanh nghiệp cần bắt đầu như thế nào và áp dụng ra sao?
Ông Phan Minh Hải: Đầu tiên, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người chịu trách nhiệm triển khai hoạt động đo lường tại doanh nghiệp cần phải xác định được hai mục tiêu chính trong quá trình triển khai hoạt động này tại doanh nghiệp.
Một là, các phép đo thử nghiệm, kiểm tra trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Hai là phải có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.
Doanh nghiệp cần phải có giải pháp đảm bảo đủ nguồn lực (gồm nhân lực, máy móc, thiết bị, quá trình triển khai phép đo, thử nghiệm…) để hiện thực hoá hai mục tiêu nêu trên. Nếu quá trình này được triển khai một cách nghiêm túc, doanh nghiệp sẽ nhận ra sự cần thiết của việc phải đổi mới hoạt động đo lường đối với quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, đảm bảo chất lượng, nâng cao năng suất sản phẩm hàng hoá.
MC: Hiện nay, lòng tin của người tiêu dùng với doanh nghiệp được xây dựng dựa trên chữ tín và sự trung thực. Ngoài việc đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, hàng hóa, việc đo lường đầy đủ là hết sức cần thiết để giữ được lòng tin của khách hàng, quan điểm của HTX Chè Hảo Đạt như thế nào trong vấn đề này?
Ông Đào Văn Toàn: Là đơn vị đạt chứng nhận OCOP quốc gia nên vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm là yêu cầu vô cùng quan trọng. Việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm không chỉ giúp doanh nghiệp giữ được lòng tin với người tiêu dùng mà gia tăng giá trị cũng như thương hiệu.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp càng phải quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Đây là vấn đề sống còn. Do vậy, việc áp dụng đo lường trong doanh nghiệp là cần thiết. Việc này sẽ tạo ra niềm tin lớn cho người tiêu dùng.
Ông Đào Văn Toàn – Phó giám đốc HTX Chè Hảo Đạt.
MC: Việc đảm bảo đo lường với loại sản phẩm này là yêu cầu tối thiểu cần phải đảm bảo. Vậy thưa ông Trần Quý Giầu, hiện nay pháp luật quy định như thế nào với các yêu cầu đảm bảo đo lường trong hàng đóng gói sẵn?
Ông Trần Quý Giầu: Theo Luật Đo lường năm 2011, hàng đóng gói sẵn được quản lý trên cơ sở phân chia thành nhóm 1 và nhóm 2.
Hàng đóng gói sẵn có số lượng lớn lưu thông trên thị trường hoặc có giá trị lớn, có khả năng gây tranh chấp, khiếu kiện về đo lường giữa các bên trong mua bán, thanh toán, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, môi trường (sau đây gọi là hàng đóng gói sẵn nhóm 2) thuộc Danh mục hàng đóng gói sẵn nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định.
HĐGS 1 phải đáp ứng yêu cầu cơ bản quy định tại Điều 32 và Điều 33, tức là được mang dấu định lượng.
HĐGS 2 phải đáp ứng Điều 32, Điều 33 và Điều 34 tức là buộc phải mang dấu định lượng.
Việc quản lý HĐGS được thực hiện theo Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn. Thông tư 21 đã quy định: Yêu cầu kỹ thuật gồm có Yêu cầu về ghi lượng và Yêu cầu về hình dáng, kích thước (Điều 4, Thông tư 21); Yêu cầu về đo lường gồm Yêu cầu về giá trị trung bình XTB và Yêu cầu về số đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp (Điều 5, Thông tư 21); Công bố dấu định lượng và chứng nhận đủ điều kiện để sử dụng dấu định lượng (chương IV).
Việc đánh giá để chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng được thực hiện theo Văn bản Kỹ thuật Đo lường Việt nam ĐLVN 326:2015 “Điều kiện sử dụng dấu định lượng – Quy trình đánh giá”.
MC: Thưa ông Phan Minh Hải, là chuyên gia tư vấn nhiều năm, từng tư vấn, hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ thêm về những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp phải trong quá trình áp dụng, triển khai cũng như giải pháp để tháo gỡ?
Ông Phan Minh Hải: Trong quá trình triển khai chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp, tôi nhận thấy vẫn tồn tại một số khó khăn.
Thứ nhất là hiện tại nhiều lãnh đạo doanh nghiệp mới chỉ đang chú trọng vào việc phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hoá chứ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động đo lường trong doanh nghiệp. Do đó, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải đổi mới hoạt động đo lường trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá.
Hai là việc đầu tư vào đổi mới hoạt động đo lường sẽ có phát sinh kinh phí nhất định (đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao trình độ nhân sự…). Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động đo lường phải tính về lâu dài, chưa cho thấy ngay hiệu quả tức thì nên nhiều doanh nghiệp còn đắn đó, ngần ngại đầu tư.
Đo lường là hoạt động chuyên môn kỹ thuật sâu rộng, do đó, khi tiến hành các hoạt động đo lường (ví dụ như thực hiện các phép đo, kiểm tra…) doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm nên thường lúng túng. Đây là những khó khăn điển hình mà doanh nghiệp gặp phải.
Về mặt giải pháp, đầu tiên doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về vai trò ảnh hưởng của hoạt động đo lường với chất lượng sản phẩm hàng hoá và hiệu quả kinh doanh.
Hai là, xác định đầy đủ nhu cầu thử nghiệm, kiểm tra tất cả giai đoạn để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bởi trên thực tế, nếu như đo lường không đúng sẽ dẫn tới tổn thất về nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng. Việc đo sai cũng khiến số lượng sản phẩm không đạt chất lượng tăng lên, thậm chí dẫn tới vi phạm quy định về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhầm lẫn, khiếu kiện không đáng có về hàng hoá.
Ba là, lập kế hoạch từng bước hoàn thiện và đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp. Bốn là, tổ chức thực hiện kế hoạch đo lường tại doanh nghiệp một cách nghiêm túc, có hiệu quả.
Trong quá trình này, cần tập hợp nhiều giải pháp, nguồn lực để tăng cường hiệu quả triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là đóng góp của doanh nghiệp vào việc thực hiện mục tiêu Đề án 996 đề ra.
Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm giải đáp nhiều nội dung liên quan đến đảm bảo đo lường với hàng đóng gói sẵn.
MC: Một câu hỏi dành cho đại diện HTX Chè Hảo Đạt. Được biết, trong sản xuất sản phẩm chè, đo lường được ứng dụng ở nhiều công đoạn từ nhiệt độ sấy, độ ẩm, thời gian… Ông có thể chia sẻ gì về việc ứng dụng hoạt động đo lường trong quá trình sản xuất chè của đơn vị mình?
Ông Đào Văn Toàn: Ngay từ khi Chính phủ phê duyệt Đề án 996, được sự hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên chúng tôi đã rà soát tất cả các chương trình sản xuất. Cụ thể, ngay từ khâu chăm sóc cây chè, chúng tôi sử dụng máy đo độ ẩm. Tiếp đến, quy trình sản xuất chúng tôi đo nhiệt độ, thời gian. Đến khâu đóng gói chúng tôi tiến hành kiểm soát định lượng theo đúng quy định.
Nhìn chung, những tiến bộ khoa học công nghệ và hoạt động đo lường thường xuyên được công ty ứng dụng trong quá trình sản xuất. Điều này đã mang lại những hiệu quả nhất định, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, định vị thương hiệu Chè Hảo Đạt trên thị trường.
MC: Vậy doanh nghiệp muốn làm tốt hoạt động đo lường, đóng gói hàng hóa đầy đủ thì cần trang bị những kiến thức, nhân lực, vật lực như thế nào, thưa ông Trần Quý Giầu?
Ông Trần Quý Giầu: Về kiến thức, doanh nghiệp cần hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn như Luật Đo lường, Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN, ĐLVN 326:2015 và các quy định liên quan (Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa).
Về cơ sở vật chất kỹ thuật: Có đủ phương tiện định lượng hàng đóng gói sẵn; Có mặt bằng làm việc, điều kiện môi trường;
Về nhân lực: Có đủ nhân viên kỹ thuật; nhân sự phải được đào tạo kiến thức, thường xuên nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, hướng dẫn… do Tổng cục TCĐLCL, cơ quan nhà nước về TCĐLCL địa phương tổ chức.
Doanh nghiệp cần ban hành và thực hiện các biện pháp kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, phương tiện định lượng, việc thực hiện phép đo. Đồng thời, lưu giữ đầy đủ hồ sơ kết quả kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, hồ sơ đánh giá kỹ thuật đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn.
Đồng thời, doanh nghiệp cần tổ chức triển khai xây dựng và áp dụng chương trình đảm đo lường tại doanh nghiệp theo hướng dẫn Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 để đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp trong thực hiện quy định đo lường đối với hàng đóng gói sẵn.
MC: Trong quá trình sản xuất, chắc hẳn doanh nghiệp sẽ phải đối diện với không ít khó khăn hay trở ngại. Vậy, ông có đề xuất gì với cơ quan quản lý Nhà nước giúp doanh nghiệp tháo gỡ những “nút thắt” này?
Ông Đào Văn Toàn: Về những khó khăn, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt chúng tôi đang có 3 khó khăn đó là: Nhận thức, hiểu biết còn hạn chế. Nhân lực chưa được đào tạo chuyên sâu và trang thiết bị còn thiếu.
Với những khó khăn nêu trên, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt đề xuất với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục hỗ trợ, cử chuyên gia tư vấn, mở các lớp đào tạo giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm và bài học để thực hiện Đề án 996 tốt hơn và nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm.
MC: Đó là câu chuyện trong đong, đo về sản phẩm được đủ cân, đủ thể tích… trước khi đưa ra thị trường, ngoài ra trong quá trình sản xuất việc đo lường cũng được áp dụng rất nhiều tại các công đoạn sản xuất nhằm cho ra những sản phẩm tốt nhất, từ đo nhiệt độ, đo khối lượng, thể tích, áp suất có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các doanh nghiệp có thấy được ý nghĩa của việc đảm bảo đo lượng trong sản xuất, thưa ông Trần Quý Giầu?
Ông Trần Quý Giầu: Như chúng ta đã biết, muốn biết chất lượng của sản phẩm đều phải thông qua hoạt động đo, kiểm, thử. Hoạt động này đều phải thực hiện thông qua phương tiện đo, chuẩn đo lường, phương pháp đo và hệ thống đo,… Như vậy, muốn đảm bảo chất lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm phải đảm bảo về đo lường.
Các doanh nghiệp thuộc “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 sẽ thấy rõ ý nghĩa của việc xây dựng và áp dụng chương trình đảm bảo đo lường thông qua mục tiêu đạt được như sau:
Tiết kiệm vật tư, tài nguyên, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ (Ví dụ: Sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng; khai thác, chế biến, cung cấp xăng, dầu, khí; khai thác, xử lý và cung cấp nước sinh hoạt; sản xuất, kinh doanh than, sản xuất, kinh doanh thép; sản xuất, kinh doanh xi măng; dịch vụ Logistics…);
+ Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; kiểm soát phát thải ra môi trường; ô nhiễm môi trường (Ví dụ: Sản xuất dược phẩm; sản xuất hóa chất cơ bản; sản xuất phân bón và hợp chất Nitơ; chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản; hoạt động quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ; hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường… ).
+ Góp phần bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (Ví dụ: Trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế có chức năng đo dược kiểm định, hiệu chuẩn chính xác trực tiếp giúp bác sỹ, nhân viên y tế trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân…).
+ Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp để tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa toàn cầu.
Thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường đã giúp doanh nghiệp duy trì độ chính xác của các phương tiện đo, các kết quả đo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành, tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Như vậy, đo lường đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời hỗ trợ đắc lực, làm tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
MC: Thưa ông Trần Quý Giầu, triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đã có những giải pháp như thế nào để tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, đưa sản phẩm có chất lượng vươn ra thị trường quốc tế?
Ông Trần Quý Giầu: Doanh nghiệp và người tiêu dùng cần nhận thức được vai trò của đo lường trong sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tích cực tham gia các nhiệm vụ thuộc Đề án 996 nhất là Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Cơ quan nhà nước cùng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu cơ chế chính sách thuận lợi để doanh nghiệp tham gia Đề án 996 về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
MC: Vâng, Chất lượng Việt Nam xin trân trọng cảm ơn các vị Khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
Theo VietQ