Tọa đàm “Minh bạch trong ghi nhãn hàng hóa – Cơ sở ngăn chặn gian lận xuất xứ”

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Bảy 19, 2019 | 12:15 - Lượt xem: 2840

Chương trình tọa đàm “Minh bạch trong ghi nhãn hàng hóa – Cơ sở ngăn chặn gian lận xuất xứ” sẽ diễn ra lúc 9h30 hôm nay ngày 19/7 và trực tuyến tại Chất lượng Việt Nam online.

Nghị định số 43/2017 thay thế Nghị định số 89/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến góp ý Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43 nhằm đảm bảo tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hóa rõ ràng, minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa có nhãn hàng hóa minh bạch, rõ ràng và tuân thủ các quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. 

Các khách mời tham gia chương trình trực tuyến

Để làm rõ hơn các nội dung này, Chất lượng Việt Nam Online tổ chức tọa đàm: “Minh bạch trong ghi nhãn hàng hóa – Cơ sở ngăn chặn gian lận xuất xứ”

Chương trình đề cập đến những điểm đáng chú ý của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá, quy định cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hoá lưu thông tại Việt Nam; Giải đáp những thông tin, vướng mắc cho doanh nghiệp để đảm bảo sự nhất quán trong cách hiểu và cách thực hiện của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tham gia chương có những khách mời:
+ Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

+ Ông Lê Thành Hưng – Đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

+ Bà Nguyễn Thùy Trang – Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam – Amcham

+ MC Doãn Trung dẫn chương trình.

MC Doãn Trung: Có tiêu chuẩn nào quy định về ghi nhãn hay không và hiện nay các tiêu chuẩn này thể hiện như thế nào trong quy định pháp luật về nhãn hàng hóa thưa ông Hưng?

Ông Lê Thành Hưng – Đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam: Trước hết, liên quan đến các quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, nội dung này đã được đề cập trong các Luật như Luật Thương mại năm 2005, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Đặc biệt, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43 về nhãn hàng hóa, thay thế Nghị định số 89/2006. Nghị định này quy định nội dung ghi nhãn, cách ghi nhãn và các biện pháp quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam cũng như hàng hóa nhập khẩu.

Tiêu chuẩn về ghi nhãn, bao gói là một trong các loại tiêu chuẩn được nêu trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, bên cạnh tiêu chuẩn về thuật ngữ và định nghĩa, tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn phương pháp thử…

Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện hành chưa có tiêu chuẩn chung quy định về ghi nhãn; các quy định chung về ghi nhãn hàng hóa được nêu trong các văn bản quy phạm pháp luật như đã đề cập ở trên.

Trong các tiêu chuẩn TCVN về sản phẩm cụ thể, thông thường bên cạnh các yêu kỹ thuật sẽ là các yêu cầu về bao gói, ghi nhãn, vận chuyển, bảo quản. Ví dụ TCVN 12429-1:2018 về thịt lợn mát, bên cạnh các yêu cầu đối với nguyên liệu, quá trình giết mổ, pha lọc, các chỉ tiêu cảm quan, lý-hóa của sản phẩm, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (kim loại nặng, vi sinh, dư lượng kháng sinh…) sẽ là các yêu cầu về ghi nhãn, bao gói, vận chuyển, bảo quản và thời hạn sử dụng.

Đối với một số lĩnh vực, sản phẩm cụ thể, có thể có những tiêu chuẩn được công bố riêng về nội dung ghi nhãn, ví dụ: TCVN 4896:2009 Vật liệu dệt – Vải dệt – Ghi nhãn; TCVN 10367:2014 (ISO 13769:2007) Chai chứa khí – Ghi nhãn; TCVN 7087:2013 (CODEX STAN 1-1985, Sửa đổi 2010) Ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn; TCVN 9651:2016 (ISO/TS 211:2014) Tinh dầu – Nguyên tắc chung về dán nhãn và dập nhãn bao bì.

Theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đây là những tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng, các tiêu chuẩn này chỉ bắt buộc áp dụng nếu được viện dẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là viện dẫn trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), quy chuẩn kỹ thuật địa phương hoặc các thông tư…

MC: Thưa ông Tuấn, xin ông cho biết lý do Nghị định 43 thay thế Nghị định 89 và Nghị định mới này có điểm gì đáng chú ý so với Nghị định về nhãn hàng hóa trước đó? 

Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 

Lý do thứ nhất là xuất phát từ việc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung luôn có sự thay đổi, cập nhật để phù hợp với thực tiễn đời sống sản xuất, kinh doanh. Trước đây, cơ sở ban hành Nghị định 89 là dựa trên Pháp lệnh về chất lượng sản phẩm hàng hóa, Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng. Sau 10 năm thực hiện, những nội dung thuộc Pháp lệnh về chất lượng sản phẩm hàng hóa, Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng đã thay đổi và chúng ta đã có Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật bảo vệ người tiêu dùng. Như vậy có thể thấy, cơ sở ban hành Nghị định 89 đã thay đổi và cần có một Nghị định mới ra đời.

Hai là, trong quá trình thực hiện Nghị định 89 có mặt tích cực là giúp minh bạch về quá trình ghi nhãn, góp phần giúp cơ quan chức năng làm tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai Nghị định này cũng đã xuất hiện một số bất cập trong vấn đề ghi nhãn, thực hiện kiểm tra, kiểm soát. Những bất cập này cần phải được khắc phục bằng cách chúng ta ban hành ra một Nghị định mới

Ba là, trong thời điểm chúng ta áp dụng Nghị định 89, Việt Nam cũng đã tiến hành tham gia vào nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, có những hợp tác song phương, đa phương với nhiều quôc gia. Vì vậy, Nghị định 89 tất nhiên sẽ cần có những thay đổi để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu khi chúng ta tham gia môi trường pháp luật quốc tế,

Trên đây là những lý do để Nghị định 43 ra đời, nhằm đáp ứng thực tiễn đời sống sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đảm bảo quản lý nhà nước về hàng hóa.

MC: Thưa bà Trang, Điều 15 của Nghị định 43 quy định doanh nghiệp được phép tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa và các hiệp định Việt Nam tham gia, điều này mang lại thuận lợi gì cho DN?

Bà Nguyễn Thùy Trang – Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam – Amcham: Trước đây doanh nghiệp thực thực theo nghị định 89/2006/NĐ – CP về nhã hàng hóa trong đó có quy định yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, trong nghị định 89 không nói rõ rằng là doanh nghiệp được quyền tự xác định xuất xứ hàng hóa và trong điều 15 của Nghị định 43 có ghi rõ: Trách nhiệm xuất xứ thuộc về doanh nghiệp. Theo đánh giá của cá nhân tôi, tại một số doanh nghiệp, điều khoản này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp cho việc xác định trách nhiệm được rõ ràng hơn để tránh cho quá trình thanh, kiểm tra, hậu kiểm của các cơ quan quản lý khác. 

MC: Nhãn hàng hóa là vấn đề quan trọng, những quy định về nhãn mác được xem là “người giữ của” của sản phẩm hàng hóa. Ông Hưng có thể cho biết rõ hơn tầm quan trọng của nhãn hàng hóa trên sản phẩm như thế nào?

Ông Lê Thành Hưng – Đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam: Nhãn hàng hóa là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn sản phẩm theo ý muốn. Việc ghi nhãn hàng hóa vừa là trách nhiệm của nhà sản xuất đồng thời cũng là quyền lợi của người tiêu dùng.

Hiện nay, mặc dù đã có các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về ghi nhãn hàng hóa, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu minh bạch, không trung thực trong việc ghi nhãn sản phẩm… Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng hiểu sai về tính năng của hàng hóa, khiến họ thiệt hại vì mua phải hàng hóa không đúng với giá trị.

Ngày nay, tầm quan trọng của thông tin ghi nhãn cần được xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ đối với một số sản phẩm thực phẩm, bên cạnh việc công bố các chỉ tiêu dinh dưỡng cơ bản như hàm lượng protein, hàm lượng chất béo, hàm lượng đường… thì cần phải công bố các hàm lượng muối, hàm lượng chất béo với cấu hình dạng trans để phù hợp với đối tượng người tiêu dùng cụ thể, như là trẻ em, người có bệnh tiểu đường, tim mạch…

MC: Ở Nghị định 43 có điểm đáng chú ý là giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, cụ thể điều này như thế nào thưa ông Tuấn?

Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Nghị định 43 được xây dựng trên tinh thần chỉ đạo từ Nghị quyết 19 (cũ) và Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 do Chính phủ ban hành. Nghị định 43 ra đời dựa trên quan điểm vừa tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

Kể từ khi ra đời, Nghị định 43 ngoài việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, giúp cơ quan chức năng làm tốt hoạt động quản lý nhà nước về sản phẩm hàng hóa thì còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Ví dụ như trong Nghị định 43 có quy định miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu trong các dịch vụ sửa chữa, bảo hành chính hang mà không nhằm mục đích mua bán trên thị trường. Hay quy định miễn ghi nhãn phụ đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất nội bộ (không phục vụ việc mua bán trên thị trường).

Đó là điểm mới mà Nghị định 43 đưa ra mới hơn so với trước đây. Ví dụ như trước đây bất kể hàng hóa là linh kiện, nguyên liệu, nếu không có nhãn Tiếng Việt thì bắt buộc phải ghi nhãn phụ. Việc này khiến doanh nghiệp tốn kém trong việc tổ chức ghi nhãn, in ấn, tốn kém chi phí, thời gian….

Còn điểm mới nữa là đối với hàng hóa không xuất khẩu được ra nước ngoài (có thể do không đáp ứng chuẩn xuất khẩu) nhưng nếu vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước(đảm bảo chất lượng, an toàn) thì vẫn được sử dụng nhãn cũ nhưng được phép gắn thêm nhãn phụ lên để thể hiện rằng hàng đó là hàng xuất khẩu quay lại thị trường trong nước. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều

Nghị định 43 còn cho phép doanh nghiệp tự xác định ghi nhãn hàng hóa theo quy định về xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là thuận lợi giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí. Về nguyên tắc, Nhà nước rất tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cho doanh nghiệp tự xác định xuất xứ theo quy tắc xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, cũng yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch, trung thực.

MC: Xin hỏi tiếp ông Tuấn, trong quá trình triển khai đưa Nghị định vào cuộc sống thì doanh nghiệp có gặp những khó khăn gì? Và việc tháo gỡ những khó khăn trong ghi nhãn của DN được Tổng cục thực hiện như thế nào?

Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Khi Nghị định 43 được ban hành, về cơ bản đã giải quyết được nhiều khó khăn, khúc mắc cho doanh nghiệp đặc biệt là những trường hợp tôi đã nói ở trên đối với linh kiện nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu, hàng xuất khẩu quay trở lại. Những trường hợp đó với những quy định thông thoáng từ Nghị định 43 đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian, công sức trong tổ chức ghi nhãn.

Khó khăn chỉ nằm ở chỗ có một số ít trường hợp doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ về quy định mới, trong quá trình triển khai thực hiện một số doanh nghiệp còn lúng túng. Ví dụ có trường hợp doanh nghiệp hay hỏi về quy định ghi tên địa chỉ, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa trong trường hợp một tổng công ty, tập đoàn có nhiều địa chỉ rải rác khắp nơi hoặc trong trường hợp sang chiết, đóng bao gói lẻ để bán phải ghi nhãn ra sao?, cách sử dụng nghi ngày sản xuất, hạn sử dụng như thế nào trong trường hợp sang chiết, đóng bao gói lẻ để bán?

Đối với những thắc mắc này thì Tổng cục, cụ thể là Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã tích cực giải đáp cho doanh nghiệp. Đồng thời, phía Bộ KH&CN cũng đang khẩn trương xây dựng một Thông tư để hướng dẫn việc thực hiện Nghị định này giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn cho việc ghi nhãn hàng hóa.

Dự thảo Thông tư hiện đang được lấy ý kiến, trình Bộ KH&CN thẩm định, ban hành. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến về dự thảo. Hy vọng rằng những nội dung trong dự thảo sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy định trong Nghị định mới, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình đáp ứng quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.

MC: Hiện Việt Nam đã có bộ tiêu chuẩn nào quy định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam, sản xuất Việt Nam hay sản phẩm Việt Nam chưa, thưa ông Hưng?

Ông Lê Thành Hưng – Đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam trong chương trình tọa đàm trực tuyến

Trên phương diện tiêu chuẩn, thì một số TCVN về sản phẩm đã có nêu nội dung liên quan đến xuất xứ. Đơn cử, TCVN 12354:2018 (ASEAN STAN 9:2008) về Quýt quả tươi, trong điều 6 về Ghi nhãn yêu cầu phải ghi “Nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm”, cụ thể là Nước xuất xứ và vùng trồng.

Đối với tiêu chí đánh giá hàng hóa xuất xứ, Bộ Công Thương đã ban hành một số văn bản về vấn đề này.

Cũng xin thông tin thêm, để minh bạch hóa về nguồn gốc của sản phẩm lưu thông trên thị trường, ngày 19 tháng 01 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”, trong đó sẽ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

MC: Trở lại Nghị định 43, việc minh bạch thông tin sẽ giúp người tiêu dùng biết và lựa chọn hàng hóa. Ngoài các thông tin bắt buộc, nghị định này có khuyến nghị DN cung cấp thêm các thông tin khác cho người tiêu dùng hay không thưa ông Tuấn?

Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Trong Nghị định 43 có điều 18 quy định doanh nghiệp ngoài những nội dung bắt buộc, doanh nghiệp được phép thể hiện trên nhãn hàng hóa những nội dung khác. Những nội dung khác đó để cho người tiêu dùng hiểu biết thêm về sản phẩm của doanh nghiệp. Có thể là thông tin quảng bá để người tiêu dùng có lựa chọn tốt hơn.

Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật, những nội dung thể hiện thêm (ví dụ mã số mã vạch, dấu hợp chuẩn hợp quy, giải thưởng) phải chính xác, trung thực, phản ánh đúng bản chất hàng hóa, không được che khuất, không được sai quy định pháp luật. Thông tin thêm đó cũng không được che mất những thông tin cơ bản, bắt buộc phải có (như ngày sản xuất, ngày sử dụng…). Nếu những thông tin đó không có thật thì được tính vào lỗi vi phạm và sẽ chịu chế tài xử lý trong Nghị định 119 năm 2017.

MC: Đối với thực phẩm, việc minh bạch thông tin an toàn trên nhãn được quan tâm hàng đầu, Nghị định 43 yêu cầu rất rõ các quy định về thông tin. Điều này có gây khó khăn gì không thưa bà Trang?

Bà Nguyễn Thùy Trang – Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam – Amcham: Việc minh bạch thông tin là điều rất cần thiết không chỉ riêng đối với ngành thực phẩm mà tất cả ngành công nghiệp khác thì cũng luôn luôn cần phải minh bạch thông tin cho người tiêu dùng có sự lựa chọn. Nhất là với thời điểm hiện nay thì người tiêu dùng phải là những người tiêu dùng thông thái nên họ có rất nhiều sự lựa chọn và họ cần có thông tin để lựa chọn được sản phẩm tốt nhất cho mình. Chúng tôi cho rằng là việc minh bạch thông tin là điều cần thiết.

Tuy nhiên, tôi cũng không rõ rằng là, việc này ghi rõ trong Nghị định 43 hay chưa và các cơ quan áp dụng bên dưới trong quá trình thực thi chúng tôi cũng có gặp phải các vấn đề và cơ quan quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm  rất nhiều thông tin. Tuy nhiên, có những thông tin liên quan đến vấn đề bí mật công nghệ. Tất nhiên trong quá trình trao đổi thì chúng tôi cũng sẽ giải thích là thông nào có thể công khai, thông tin nào không và cái nào là bắt buộc về quy định pháp lý thì các doanh nghiệp như chúng tôi sẽ tuân theo còn có những thông tin không phải bắt buộc lắm và mang tính bí mật công nghệ thì chúng tôi cũng hi vọng rằng trong quá trình thực thi cơ quan quản lý cũng tạo điều kiện.

MC: Thưa ông Tuấn, là cơ quan quản lý CLSPHH, ông có thể cho biết tình hình chấp hành của các tổ chức, DN trong việc chấp hành ghi nhãn hàng hóa trong thời gian vừa qua?

Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước giúp cho Tổng cục TCĐLCL, Bộ KH&CN thực hiện chức năng kiểm soát chất lượng hàng hóa, chúng tôi cũng đã góp phần xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến, tổ chức thực hiện, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, kiểm tra việc thực hiện quy định về ghi nhãn, về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Việc kiểm tra được thực hiện một cách đồng bộ tại hệ thống các chi cục QLCLSPHH cùng với các cơ quan chức năng liên quan tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Công tác kiểm tra được tiến hành thường xuyên hàng năm kể cả từ khi Nghị định 89 còn hiệu lực và khi Nghị định 43 ra đời.

Qua kiểm tra kết quả cho thấy hầu hết doanh nghiệp có ý thức chấp hành quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa ngày một tốt hơn, đặc biệt các doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Bên cạnh đó còn một số doanh nghiệp có hàng hóa vi phạm về ghi nhãn ví dụ rơi vào trường hợp hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc đi qua con đường tiểu ngạch. Hay trường hợp một số ít doanh nghiệp làm ăn không chân chính, không thể hiện tên, địa chỉ thông tin rõ ràng, ghi nhãn không trung thực. Đối với những hành vi này chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đặc biệt là theo Nghị định 119 do Chính phủ ban hành. Nếu vụ việc nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

MC: Đối với các DN Mỹ việc tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam về nhãn hàng hóa được thực hiện như thế nào và vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD được quan tâm ra sao, thưa bà Trang?

Bà Nguyễn Thùy Trang – Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam – Amcham tham gia trả lời các câu hỏi của bạn đọc trong chương trình tọa đàm trực tuyến. 

Amcham là tập hợp của các doanh nghiệp Mỹ và chúng tôi hoạt động trên nhiều nước. Có những doanh nghiệp hoạt động trên hàng trăm quốc gia. Trong đó thì thị trường Việt Nam cũng là một thị trường lớn của chúng tôi và đối với các doanh nghiệp của Hoa Kỳ thì việc tuân thủ quy định của pháp luật ở bất cứ một quốc gia nào là việc ưu tiên hàng đầu và ngay cả trong nội bộ các công ty của chúng tôi cũng được biết rằng là có các bộ phận mà họ sẽ giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật nên chúng tôi đánh giá rằng việc tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại là một trong những yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững tại bất cứ thịt trường nào vì vậy việc tuân thủ quy định pháp luật luôn luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu và để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và làm ăn lâu dài thì bất cứ doah nghiệp nào cũng đều quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề tiên quyết. Cho nên Amcham luôn luôn đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước để tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.

MC: Với tình trạng sai phạm về ghi nhãn, nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ như vừa nêu, theo ông cần phải có biện pháp gì để giải quyết triệt để vấn đề này?

Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Trước đây, Nghị định 89 năm 2006 có quy định xuất xứ hàng hóa là nơi sản xuất, lắp ráp và thực hiện công đoạn cuối cùng để đưa ra sản phẩm hàng hóa và doanh nghiệp được ghi xuất xứ ở nơi đó. Khi Nghị định 43 ra đời quy định xuất xứ hàng hóa : doanh nghiệp phải thể hiện xuất xứ theo quy tắc xuất xứ bởi vì tính chất sản xuất hàng hóa hiện nay rất phức tạp, mang tính toàn cầu, có thể có trường hợp sản xuất ở chỗ này nhưng lắp ráp nhiều chỗ khác nhau. Do đó việc xác định xuất xứ hàng hóa phải dựa vào quy tắc xuất xứ chứ không như quy định cũ là làm đâu thì được ghi xuất xứ tại đó.

Chính vì thể, hiện nay sẽ có vấn đề là doanh nghiệp có thể lợi dụng chuyện này để ghi xuất xứ một cách tùy tiện, ghi theo xu hướng người tiêu dùng (ví dụ thấy người tiêu dùng có xu hướng dùng hàng nước nào thì xuất xứ nước đó). Hoặc có trướng hợp bóc xuất xứ cũ đi dán xuất xứ mới vào. Đó là những hành vi đánh lừa người tiêu dùng, không mình bạch, gian lận xuất xứ và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Người tiêu dùng khi mua nên mua hàng hóa nhãn mác rõ ràng, nếu phát hiện hàng hóa ghi nhãn có vấn đề thì thông báo cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Hiện nay, giải pháp hữu hiệu để đảm bảo việc ghi nhãn chuẩn về xuất xứ hàng hóa là nên cụ thể hóa quy định về xuất xứ hàng hóa, hiện Bộ Công Thương cũng đang có dự thảo về vấn đề này.

MC: Xin trân trọng cảm ơn các quý khách mời đã tham dự chương trình tọa đàm ngày hôm nay. Cảm ơn quý Bạn đọc đã quan tâm theo dõi.