Tổ chức Năng suất Châu Á hội thảo lập kế hoạch các chương trình, dự án năm 2021- 2022

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Tám 5, 2020 | 15:03 - Lượt xem: 1462

Ngày 4/8/2020, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã khai mạc Hội thảo lập kế hoạch các chương trình, dự án cho các năm 2021-2022.

Hội thảo có sự tham dự của Tổng thư ký APO, Tiến sỹ AKP Mochtan, Ban thư ký APO và các đại diện đến từ 20 nền kinh tế thành viên gồm: Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Nhật Bản, Pakistan, Fiji, Philippines, Singapore, Thái Lan, Thỗ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka và Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp tham dự và điều hành hội thảo với vai trò Chủ tịch APO.

Tổng thư ký APO, Tiến sỹ AKP Mochtan tham dự hội thảo trực tuyến. 

Hội thảo lập kế hoạch các chương trình, dự án trước đây có tên gọi là hội thảo lập kế hoạch chiến lược của APO. Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm của Lãnh đạo các tổ chức năng suất quốc gia, các cán bộ lập kế hoạch cao cấp hoặc liên lạc viên APO quốc gia nhằm định hướng cho các chương trình, dự án của APO trong hai năm tiếp theo. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày từ 4-5/8/2020.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, trong bối cảnh APO đã xây dựng và bước đầu thông qua Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các nền kinh tế thành viên, Hội thảo lần này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh và định hướng lại các chương trình, dự án của APO trong hai năm tới cho phù hợp với tình hình và chiến lược phát triển mới của APO.

Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp tham dự và điều hành hội thảo với vai trò Chủ tịch APO.

Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cũng ghi nhận sự hợp tác của các nền kinh tế thành viên trong việc triển khai các chương trình, dự án mới của APO theo hình thức trực tuyến trong suốt thời gian vừa qua, đồng thời đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời của APO đối với các nền kinh tế thành viên giảm thiểu các tác động do Covid-19 mang lại thông qua các chương trình tư vấn và hội thảo, tọa đàm trực tuyến.

Tổng thư ký APO, Tiến sỹ AKP Mochtan cho biết từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến việc triển khai các chương trình, dự án của APO khi hầu hết các chương trình đều phải điều chỉnh sang năm 2021, hủy hoặc chuyển đổi sang hình thức trực tuyến. Hầu hết các nền kinh tế thành viên vẫn đang áp dụng chính sách hạn chế đi lại và tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp. Do vậy, việc triển khai các chương trình, dự án trong thời gian tới của APO cần được điều chỉnh một cách linh hoạt dựa trên các nền tảng kỹ thuật số.

APO hiện đang tăng cường nền tảng năng lực số của tổ chức để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế thành viên và sẽ hỗ trợ các nền kinh tế thành viên xây dựng và phát triển năng lực này trong thời gian tới. Tổng thư ký cũng đánh giá cao các đóng góp và đề xuất liên quan của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch của APO trong việc tăng cường tình đoàn kết giữa các nền kinh tế thành viên và phát triển của APO trong tình hình mới, đặc biệt là sự tham gia tích cực vào việc xây dựng Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025 của APO.

Hội thảo có sự tham dự của các đại diện đến từ 20 nền kinh tế thành viên của APO. 

Tại hội thảo, Ban thư ký APO đã cập nhật thông tin về việc triển khai các chương trình, dự án kể từ đầu năm 2020, các kết quả đã đạt được trong việc hỗ trợ các nền kinh tế giảm thiểu tác động do Covid-19 gây ra. Cụ thể, kênh youtute của APO về tư vấn trực tuyến và các tọa đàm phát trực tiếp về các vấn đề nóng hổi liên quan đến năng suất, cách thức vượt qua Covid-19… đã thu hút sự tham gia và quan tâm đông đảo của các nền kinh tế thành viên. Hiện, kênh youtube đã có 1.430 người đăng ký, 36.000 lượt xem đối với 35 chương trình.

Bên cạnh đó, Hội thảo đã thảo luận về việc điều chỉnh phương thức triển khai các chương trình, dự án của APO theo 5 loại bao gồm: trực tiếp (face-to-face), kết hợp trực tuyến và trực tiếp (Hybrid multicountry), kỹ thuật số đa quốc gia (digital multicountry), kỹ thuật số riêng cho từng nền kinh tế (digital in-country), đào tạo trực tuyến tự học (self-learning e-courses).

Hội thảo cũng rà soát, điều chỉnh các chương trình, dự án trong năm 2021, 2022 theo 7 trụ cột chiến lược phát triển của APO bao gồm: Mở rộng năng lực và thúc đẩy các thực hành tốt nhất, Phát triển và áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới, Tạo môi trường pháp lý giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Tăng cường thúc đẩy năng suất xanh, Đẩy mạnh các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn chính sách, Mở rộng mạng lưới các chuyên gia và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, Tăng cường năng lực của Ban thư ký APO.

Thanh Sơn