Tổ chức đánh giá thí điểm Chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 13751:2023
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Một 4, 2024 | 12:18 - Lượt xem: 1046
Nhằm xây dựng đội ngũ Chuyên gia năng suất có đủ kiến thức, kỹ năng và cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy tắc nghề nghiệp trong cải tiến năng suất, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao Viện Năng suất Việt Nam xây dựng và triển khai thí điểm Chương trình đánh giá chứng nhận chuyên gia năng suất (Certification Scheme) quốc gia của Việt Nam.
Hoạt động xây dựng và áp dụng đánh giá thí điểm “Chương trình đánh giá chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam” là một nội dung trong khuôn khổ thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030. Viện Năng suất Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm hoạt động của các Tổ chức Chứng nhận chuyên gia năng suất trên thế giới và thực tiễn áp dụng của Chương trình Chứng nhận Chuyên gia năng suất APO tại Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện Tổ chức Chứng nhận Chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam và bước đầu tiền hành các hoạt động đánh giá chứng nhận.
Cấu trúc vận hành của Chương trình đánh giá chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn ISO 17024:2012 và các tài liệu hướng dẫn của APO-AB về Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất. Theo đó, để đảm bảo tính độc lập, khách quan của quá trình đánh giá chứng nhận con người, Chương trình đánh giá chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam được hình thành bởi 3 thành phần:
- Hội đồng chứng nhân: Có vai trò định hướng hoạt động của Chương trình chứng nhận. Quyết định về chức nắng hoạt động và nhân sự đối với các đơn vị tham gia Chương trình chứng nhận. Thành viên Hội đồng Chứng nhận phải là người có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về vấn đề năng suất và có tầm ảnh hưởng đối với phong trào năng suất quốc gia.
- Ban kỹ thuật: Tham gia trực tiếp vào hoạt động đánh giá chứng nhận, hỗ trợ Văn phòng chứng nhận ra quyết định đối với các ứng viên tham gia đánh giá chứng nhận về kiến thứ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp. Thành viên tham gia Ban kỹ thuật phải có kinh nghiệm lâu năm về triển khai các dự án cải tiến năng suất, am hiểu về Chương trình chứng nhận và có kỹ năng về đánh giá chứng nhận năng lực con người.
- Văn phòng Chứng nhận: Triển khai các hoạt động chứng nhận, ra quyết định cấp chứng chỉ với sự tư vấn của các Ban kỹ thuật và Hội đồng Chứng nhận. Văn phòng Chứng nhận khi tham gia và Chương trình chứng nhận phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn lực (cơ sở vật chất, tài chính, con người…). Thành viên Văn phòng phải am hiểu về Chương trình chứng nhận và cam kết áp dụng các tiêu chí đối với Văn phòng chứng nhận.
Tiêu chí đánh giá chứng nhận được áp dụng đối với Chương trình tuân thủ các nội dung TCVN 13751:2023. Theo đó, một ứng viên tham gia đánh giá chứng nhận cần phải được xem xét theo 03 yếu tố:
- Kiến thức
- Kỹ năng
- Thái độ
Tùy theo cấp độ chứng nhận (Chuyên gia năng suất hoặc Chuyên gia năng suất trưởng), các yêu cầu đối với các tiêu chí đánh giá cũng khác nhau (Chi tiết theo cấp độ chuyên gia trong TCVN 13751:2023).
Các bước đánh giá Chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam
Quá trình chứng nhận chuyên gia trải qua 06 bước:
- Đăng ký chứng nhận: ứng viên hoàn thiện form đăng ký theo hướng dẫn của Văn phòng Chứng nhận
- Khóa đào tạo CPS: Ứng viên tham gia khóa đào tào do Văn phòng Chứng nhận tổ chức để giới thiệu về Chương trình chứng nhận, Các tiêu chí chứng nhận, Hồ sơ ứng viên và Quá trình chứng nhận
- Bài kiểm tra viết: Các ứng viên làm bài kiểm tra kéo dài 150 phút về các nội dung kiến thức và kỹ năng của chuyên gia năng suất
- Hoàn thiện hồ sơ: Ứng viên vượt qua bài kiểm tra viết hoàn thiện các tài liệu, hồ sơ cá nhân theo hướng dẫn của Văn phòng Chứng nhận
- Phỏng vấn: Các ứng viên đáp ứng các yêu cầu bài kiểm tra viết và hồ sơ sẽ tham gia quá trình phỏng vấn trực tiếp
- Phê duyệt và cấp chứng chỉ: Văn phòng Chứng nhận hoàn thiện các hồ sơ ứng viên và thực hiện các thủ tục cấp chứng chỉ cho chuyên gia.
Hồ sơ ứng viên tham gia chương trình chứng nhận cần có:
- Phiếu đăng ký tham gia chương trình chứng nhận (kèm theo ảnh 4×6)
- CV cá nhân ứng viên
- Bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học hoặc bằng cấp tương đương
- 08 chứng chỉ đào tạo về các công cụ, giải pháp năng suất (theo phụ lục TCVN 13751:2023) hoặc chứng chỉ khóa học có nội dung bao hàm 08 công cụ, giải pháp năng suất
- 02 bản miêu tả dự án năng suất đã thực hiện trong 24 tháng tính từ thời điểm nộp hồ sơ
- 02 phiếu nhận xét hoặc thư cảm của khách hàng, cơ quan quản lý nhiệm vụ, đề tài, dự án năng suất đã thực hiện thành công hoặc mang lại lợi ích tích cự trong 24 tháng tính từ thời điểm nộp hồ sơ.
Viện Năng suất Việt Nam tiếp nhận hồ sơ ứng viên và triển khai các hoạt động đánh giá chứng nhận thí điểm Chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam trong tháng 12 năm 2023.
ThS. Đào Cảnh Tùng – Viện Năng suất Việt Nam