Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Mười 18, 2019 | 10:45 - Lượt xem: 72241
Truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện thống nhất, bài bản và có hệ thống đang gây nên những hoài nghi về tính chất và hiệu quả của các hệ thống truy xuất nguồn trên thị trường.
Rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu
Phát biểu tại hội thảo “Truy xuất nguồn gốc” được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức chiều 17/10, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, với việc các cơ quan chức năng Trung Quốc siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc với các nông sản nhập khẩu từ Việt Nam đang đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy xuất khẩu.
Thống kê của Bộ NN&PTNT, nông sản Việt đang đứng trước khó khăn đó là việc xuất khẩu sang Trung Quốc đang giảm mạnh. Trong khi, Trung Quốc chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay, có tới 60% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc siết chặt yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc, quy định dán nhãn truy xuất nguồn gốc đối với các hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc gây nhiều khó khăn và trở thành rào cản đối với việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, hiện nay không chỉ có thị trường Trung Quốc và còn rất nhiều các thị trường khác như Mỹ, EU…cũng đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm làm điều kiện xuất khẩu.
“Không chỉ vậy, ngay cả thị trường trong nước yêu cầu của người tiêu dùng trong việc cung cấp các nguồn gốc thông tin sản phẩm một cách minh bạch cũng đang đặt ra nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng của hàng hóa, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc đã trở thành vấn đề “nóng” không chỉ ở khía cạnh xuất khẩu”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.
Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh nhấn mạnh vai trò của truy xuất nguồn gốc trong việc giúp cho doanh nghiệp trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhấn mạnh về vai trò của truy xuất nguồn gốc, Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh cho biết, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp các bên sự minh bạch thông tin về sản phẩm và hàng hóa để có thể yên tâm sử dụng, quản lý, đồng thời chống gian lận thương mại, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. Phát hiện điểm ko hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá và đặc biệt giúp cho doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL cùng đại diện lãnh đạo Sở KH&CN, lãnh đạo Chi cục TCĐLCL các địa phương, doanh nghiệp và một số công ty giải pháp.
Thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục TCĐLCL) đề cập đến những thông tin về quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc. Theo đó, việc rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đã và đang được Tổng cục TCĐLCL triển khai.
“Hiện dự thảo Thông tư quy định về quản lý sử dụng mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa đang được thực hiện lấy ý kiến các bên”, bà Hương cho biết.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục TCĐLCL) chia sẻ những thông tin về hoạt động quản lý truy xuất nguồn gốc.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều chia sẻ của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp về truy xuất nguồn gốc như: Check.net.vn, TE Food, Smart Life, Ishop Go.
Đề cập về thực trạng truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam, Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh cho biết, hiện trên thị trường có rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp sử dụng mã QR code để cung cấp thông tin về sản phẩm và gọi đó là tem truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên hoạt động truy xuất thông qua tem truy xuất này chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức.
Tem truy xuất mới chỉ sử dụng được hệ thống mã nội bộ, chỉ có khả năng truy xuất trong cùng hệ thống, chưa đáp ứng đúng yêu cầu truy xuất. Các hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khép kín, chưa được kết nối với các cơ quan quản lý, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc này có thể tham gia với các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác cũng như kết nối với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của các nước khác trên thế giới.
Toàn cảnh hội thảo.
Ngoài ra việc áp dụng truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện thống nhất, bài bản và có hệ thống gây nên những hoài nghi về tính chất và hiệu quả của các hệ thống truy xuất nguồn trên thị trường, ông Vinh nêu thực trạng.
“Để thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc, Tổng cục TCĐLCL đang sớm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản về truy xuất nguồn gốc, cụ thể là xây dựng Thông tư, tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc GS1 toàn cầu, tiêu chuẩn vật mang dữ liệu. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc, tạo môi trường chung, ứng dụng nhiều giải pháp khác nhau, giúp truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam được kết nối và thừa nhận quốc tế”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết.
Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc đã được triển khai áp dụng theo nhiều hình thức khác nhau. Các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 22005, Global GAP, GTS, HACCP… cũng đã đề cập đến truy xuất nguồn gốc cũng như thống nhất các bên tham gia truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng. Thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời sự cố xảy ra đối với sản phẩm, đồng thời giúp xác định và khoanh vùng chính xác sản phẩm có vấn đề để thực hiện kịp thời các hành động thu hồi hoặc loại bỏ sản phẩm khỏi chuỗi cung ứng. Có thể nói truy xuất nguồn gốc đang từng bước trở thành công cụ đắc lực góp phần quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu quả và bảo vệ người tiêu dùng. |
Bảo Anh