Tiêu chuẩn xanh – Thước đo mới cho hàng hóa xuất khẩu trong nền kinh tế xanh

Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Sáu 5, 2025 | 10:19 - Lượt xem: 152

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu xanh, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế xanh bền vững, việc thực hiện các tiêu chuẩn xanh là điều kiện tiên quyết. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chất lượng hàng hóa không chỉ dừng lại ở tính năng kỹ thuật mà còn cần đáp ứng các yêu cầu về tính bền vững và an toàn môi trường.

Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố then chốt mở ra thời kỳ mới cho xuất khẩu hàng hóa. Khi kinh tế toàn cầu chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình phát triển xanh, năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường đã trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng. Đối với Việt Nam – một nền kinh tế có độ mở cao – thách thức không chỉ nằm ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn phải đảm bảo sự bền vững trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết: để tiếp cận các thị trường lớn như EU, Bắc Mỹ hay Nhật Bản, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ những tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt về vòng đời sản phẩm, tỷ lệ tái chế và mức phát thải carbon. Đặc biệt, từ đầu năm 2025, các mặt hàng như thép, nhôm, xi măng và phân bón sẽ phải đáp ứng yêu cầu bắt buộc về tái chế nếu muốn duy trì khả năng tiếp cận các thị trường này.

Thực hiện nghĩa vụ tái chế không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, giúp hàng hóa Việt Nam duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp tái chế trong nước sẽ là chìa khóa nâng cao tỷ lệ tái chế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ cả thị trường trong và ngoài nước.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, nhưng tỷ lệ được thu gom để tái chế mới chỉ đạt khoảng 25-27%. Điều này cho thấy dư địa rất lớn cho việc phát triển ngành tái chế, nhằm hướng tới một nền sản xuất xanh, tuần hoàn và bền vững hơn.