Tiêu chuẩn và vấn đề rác thải nhựa: Vật liệu nào thay thế cho nhựa?
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười 7, 2020 | 17:08 - Lượt xem: 1085
Rác thải nhựa đang là vấn đề môi trường nhức nhối của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê, mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa và 40% nhựa được sản xuất ra không được sử dụng đến. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 1.8 triệu tấn nhựa với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa đổ ra biển.
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc năm 2018 cho biết: Từ năm 1950 đến nay, sản lượng nhựa trên thế giới đã tăng từ 1,5 triệu tấn/năm lên đến 380 triệu tấn/năm. Trong đó chỉ có khoảng 9% nhựa được tái chế, 12% bị đốt, còn lại có đến 79% rác thải nhựa xử lý theo kiểu chôn lấp hoặc bị thải bỏ ra môi trường.
Với biện pháp xử lý nhựa dẻo bằng đốt cháy, khi cháy, các khí độc hại sản sinh ra như clo, hydroclorit, dioxin, fura… đối với cả môi trường và sức khoẻ con người. Do đốt cháy phế liệu chất dẻo không phải là phương pháp tối ưu, người ta đã chuyển sang biện pháp chôn sâu. Về lâu dài, chúng lại phân rã thành các hạt vi nhựa có hại cho các loài sinh vật, môi trường và cả con người. Một số nước trên thế giới đã xử lý nguồn chất dẻo phế thải bằng cách thu gom và tái sinh. Biện pháp này tận dụng nguyên liệu, nhưng không thể khắc phục được ô nhiễm trong quá trình tái sinh phế thải chất dẻo, đồng thời chất lượng của sản phẩm tái sinh không tốt, phạm vi sử dụng hẹp.
Đã có rất nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu được đưa ra thảo luận để làm sao khắc phục và giải quyết triệt để hậu quả của rác thải nhựa. Mặc dù vậy, việc tìm ra phương án xử lý tối ưu nhất vẫn đang bị bỏ ngỏ. Tuy vậy, các quốc gia đã và đang có những hành động khắc phục và giải quyết mang tính khả quan nhất.
Tại Việt Nam, bên cạnh hoạt động tuyên truyền của Chính phủ nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa, thay bằng các vật dụng làm từ nguyên liệu có thể sử dụng lại nhiều lần, sử dụng đồ dùng một lần làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, phân loại rác thải nhựa từ đầu nguồn… các doanh nghiệp cũng đã vào cuộc, nghiên cứu sản xuất loại vật liệu thay thế cho nhựa, có đặc tính dễ phân hủy và trong quá trình phân hủy không làm ô nhiễm môi trường. Bắt đầu nghiên cứu từ năm 2013, đến nay Công ty CP Nhựa An Phát Xanh – An Phát Bioplastics đã cho ra đời dòng sản phẩm vi sinh AnEco, thành phần còn lại sau quá trình phân hủy tuyệt đối không có hạt vi nhựa.
Chung tay với các nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp, cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đang tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc gia “Chất dẻo có khả năng tạo compost – Yêu cầu kỹ thuật và Phương pháp thử”. Tiêu chuẩn này sẽ giúp xác định chính xác các sản phẩm sinh học có khả năng tạo compost và có khả năng phân huỷ hoàn toàn.
Đặng Thanh Huyền (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam)