Tiêu chuẩn thành phần hữu cơ (OCS): Công cụ minh bạch hóa chuỗi cung ứng thời trang hữu cơ

Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Năm 27, 2025 | 14:42 - Lượt xem: 554

Tiêu chuẩn thành phần hữu cơ (Organic Content Standard – OCS) được biết đến giúp xác minh hàm lượng nguyên liệu hữu cơ trong sản phẩm và theo dõi quá trình vận chuyển từ nông trại đến nhà máy may mặc.

Tiêu chuẩn thành phần hữu cơ (OCS) được thiết kế nhằm minh bạch hóa chuỗi cung ứng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may. Do Textile Exchange – một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên thúc đẩy sản xuất bền vững – xây dựng và quản lý, OCS hiện được sử dụng rộng rãi để xác minh và ghi nhãn hàm lượng nguyên liệu hữu cơ trong sản phẩm, như bông hữu cơ.

Theo Textile Exchange, OCS chỉ công nhận nguyên liệu đầu vào là “hữu cơ” khi được chứng nhận theo các tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp như USDA NOP (National Organic Program – Hoa Kỳ) hoặc EU Organic Regulation (Liên minh châu Âu). Có hai mức độ ghi nhãn chính:

OCS 100: sản phẩm chứa từ 95–100% nguyên liệu hữu cơ được chứng nhận

OCS Blended: sản phẩm có tối thiểu 5% nguyên liệu hữu cơ được chứng nhận, pha trộn với nguyên liệu không hữu cơ

Tiêu chuẩn thành phần hữu cơ được xem là chứng nhận hữu cơ uy tín cho các sản phẩm dệt may hiện nay

OCS không chỉ giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin với người tiêu dùng, mà còn là công cụ để các thương hiệu kiểm soát nguyên liệu đầu vào trong chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp. Đồng thời, chứng nhận này góp phần ngăn chặn gian lận nguyên liệu hữu cơ – vấn đề từng khiến ngành dệt may nhiều lần chao đảo vì các vụ bê bối liên quan đến nguồn gốc bông hữu cơ giả mạo ở một số quốc gia sản xuất lớn.

Một trong những ưu điểm nổi bật của OCS là khả năng kết hợp linh hoạt với các hệ thống tiêu chuẩn khác như GOTS (Global Organic Textile Standard) – tiêu chuẩn bao trùm cả khía cạnh xã hội và môi trường trong sản xuất, trong khi OCS chỉ tập trung vào nội dung hữu cơ.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp may mặc đã đi đầu trong việc áp dụng tiêu chuẩn này nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế. Trong đó, Thai Son S.P Co., Ltd. – một công ty gia công hàng may mặc tại TP. Hồ Chí Minh – là đơn vị đã đạt chứng nhận OCS 100, cho thấy sản phẩm của họ có từ 95–100% thành phần nguyên liệu hữu cơ được chứng nhận. Công ty chuyên sản xuất các loại quần áo dệt kim theo đơn đặt hàng từ khách hàng quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường. Thai Son S.P nhấn mạnh vai trò của OCS như một công cụ đảm bảo sự minh bạch và đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng của họ.

Trong khi đó, Tổng Công ty May Đức Giang (Dugarco) – một doanh nghiệp lớn có trụ sở tại Hà Nội – cũng đã được chứng nhận OCS. Dugarco xuất khẩu hàng may mặc sang hơn 30 quốc gia và áp dụng các tiêu chuẩn như OCS để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các đối tác quốc tế. Công ty coi chứng nhận này là minh chứng rõ ràng về năng lực quản lý chất lượng và khả năng cung cấp nguyên liệu hữu cơ có truy xuất nguồn gốc rõ ràng

Sự tham gia của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các tiêu chuẩn quốc tế như OCS không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm, mà còn góp phần định hình hình ảnh ngành dệt may Việt Nam theo hướng minh bạch, có trách nhiệm và thân thiện với môi trường.